dd/mm/yyyy

Kiến nghị cơ chế đặc thù liên quan đến các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia có sử dụng đất rừng

Chiều 1/7, Đoàn công tác của Ủy Ban Dân tộc do ông Hầu A Lềnh, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã làm việc với Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình về việc về một số nội dung công tác dân tộc.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đã báo cáo khái quát tình hình kinh tế - xã hội, kết quả tổ chức thực hiện công tác dân tộc và một số chương trình, dự án, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, nhất là về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 với Đoàn công tác.

Kiến nghị cơ chế đặc thù liên quan đến các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia có sử dụng đất rừng- Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Ủy ban Dân tộc do ông Hầu A Lềnh làm trưởng đoàn với Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình. Ảnh: TT.

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Hòa Bình còn 45 xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 3,31% (từ 13,11% năm 2022 giảm còn 9,8% năm 2023); tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm 6,42% (từ 27,69% năm 2022 giảm còn 21,27% năm 2023). Nhìn chung, tỉnh có quyết tâm chính trị cao nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, các đại biểu trao đổi làm rõ khó khăn, tồn tại trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh. 

Để triển khai đồng bộ, có hiệu quả Chương trình cũng như các chính sách dân tộc khác trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh kiến nghị Ủy ban Dân tộc 8 nội dung. Trong đó, đề xuất Ủy ban Dân tộc xem xét và báo cáo cấp có thẩm quyền quan tâm bố trí bổ sung nguồn lực để tỉnh có thêm điều kiện thực hiện đồng bộ 2 mục tiêu: phấn đấu đến năm 2025, giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn và có 26 xã khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới; kiến nghị cơ chế đặc thù liên quan đến thủ tục thực hiện về đất đai đối với các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia có sử dụng đất rừng; kiến nghị phương án có thể xây dựng nội dung Chương trình theo hướng tích hợp gọn các dự án thành phần có cùng mục tiêu sử dụng vốn; rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền những quy định, hướng dẫn còn chưa phù hợp và đầy đủ để tháo gỡ các điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình…

Kiến nghị cơ chế đặc thù liên quan đến các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia có sử dụng đất rừng- Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: TT.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận nỗ lực và quyết tâm của tỉnh Hòa Bình trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn khách quan khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. 

Trao đổi về các kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh yêu cầu Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn để cùng toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Kiến nghị cơ chế đặc thù liên quan đến các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia có sử dụng đất rừng- Ảnh 3.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trao quà lưu niệm cho Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình. Ảnh: TT.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh những yêu cầu đặt ra đối với công tác dân tộc trong tình hình mới, đề nghị Ban Dân tộc tỉnh trong thời gian tới tiếp tục phát huy vai trò, chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ: Tham mưu về cơ chế, chính sách; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước lĩnh vực dân tộc; tăng cường sự phối hợp trong thực hiện công tác dân tộc; huy động có hiệu quả sự tham gia của lực lượng người có uy tín trong cộng đồng; củng cố, nâng cao chất lượng nguồn cán bộ làm công tác dân tộc trên cơ sở đảm bảo cả số lượng, chất lượng và cơ cấu nhân sự.

PVTB