dd/mm/yyyy

Kịch bản nào cho giá xăng chiều nay: Có tăng đến 3.000 đồng/lít?

Giá xăng dầu đang chịu áp lực tăng rất lớn ở mức 3.000 đồng/lít. Song theo doanh nghiệp, để tránh những tác động mạnh, phương án tăng thấp hơn nhưng tuần suất dày hơn có thể được tính đến.
Kịch bản nào cho giá xăng chiều nay: Có tăng đến 3.000 đồng/lít? - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng đổ xăng trước ngày tăng giá (Ảnh: Trần Kháng).

Chiều nay (11/3) là đợt điều hành giá xăng dầu của chu kỳ mới. Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 9/3 là 136,5 USD/thùng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92; 138,4 USD/thùng RON 95. Trong đó, hai ngày 8/3 và 9/3 đều ghi nhận xăng RON 92 chạm mốc 150 USD một thùng, cao nhất trong 14 năm qua. Còn xăng RON 95 ghi nhận vượt mốc 153 USD/thùng vào ngày 9/3.

Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga gây nên thiếu hụt nguồn cung dầu thô, xăng dầu thành phẩm. Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu đang tăng mạnh khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.

Giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới liên tục tăng cao tác động mạnh đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước. Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu cho biết, áp lực tăng giá tại kỳ điều chỉnh chiều nay (11/3) là rất lớn. Giá xăng hiện đang âm ở mức 3.770 đồng/lít với RON 95 và âm 3.410 với E5 RON 92. Trong khi đó, giá dầu đang âm 5.150 đồng/lít.

Việc tăng ở mức bao nhiêu là một bài toán "cân não" với cơ quan điều hành thời điểm này. Ông nhận định có 2 phương án, theo đó khả năng thứ nhất tăng khoảng 3.000 đồng/lít, khả năng 2 có thể tăng 1.000 đồng/lít, sau đó 5 ngày tăng tiếp cho đến khi hết lỗ và cũng để đảm bảo thị trường bình ổn, tránh tăng "sốc".

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng 3 năm nay, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, trước đây, theo Nghị định 83, giá xăng dầu được điều chỉnh 15 ngày một lần và hiện nay thực hiện 3 lần/tháng (10 ngày một lần) theo Nghị định 95 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 2/1 năm nay).

"Đặc biệt, trong Nghị định 95 có quy định trường hợp giá xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hướng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân thì liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định có điều chỉnh hay không và điều chỉnh ở mức độ nào", ông Hải cho biết.

Vừa qua, theo ông Hải, do tình hình biến động của mặt hàng xăng dầu trên thế giới, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo 2 ngày một lần, Tổ điều hành xăng dầu liên Bộ Công Thương - Tài chính rà soát về tình hình biến động của giá xăng dầu, để nếu cần thiết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc có điều chỉnh giá xăng dầu sớm hơn so với quy định tại Nghị định 95 hay không.

Thống kê cho thấy từ đầu năm đến nay, 5 lần tăng liên tiếp đã đưa giá E5 RON 92 lên 26.070 đồng/lít; RON 95 là 26.830 đồng/lít; dầu diesel 21.310 đồng/lít, dầu hỏa 19.970 đồng/lít; dầu mazut 18.460 đồng/kg. Như vậy sau 5 lần tăng liên tiếp, xăng E5 RON 92 đã tăng tổng cộng 3.520 đồng/lít; Xăng RON 95 tăng 3.540 đồng/lít; dầu diesel tăng 3.740 đồng/lít…

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho biết kỳ điều hành ngày 11/3 có thể tăng 5.000-8.000 đồng/lít/kg tùy loại (tương đương tăng 27-44%) so với giá xăng dầu đầu năm 2022.

Giá dầu thô thế giới tăng dựng đứng hiện nay khiến doanh nghiệp xăng dầu trong nước chật vật vì rơi cảnh "càng bán càng lỗ". Trong khi đó, người dân ngoài việc phải chi trả mức giá cao hơn khi mua xăng dầu còn đối mặt đợt tăng giá hàng hóa khi giá đầu vào tăng. Nhiều kỳ vọng việc thuế bảo vệ môi trường sớm được áp dụng hạ nhiệt phần nào giá xăng dầu.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã chính thức đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, Bộ này đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/12.

Với việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng trên (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm, từ đó tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước.

Nguyễn Khánh