Giao thông là huyết mạch
Xác định đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông sẽ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa - xã hội, huyện đã tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường huyện, trục chính, huyết mạch.
Theo đó, UBND huyện đã xây dựng xây dựng kế hoạch thực hiện từng năm, chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng cùng các đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn phối hợp rà soát, thống kê, xác định quy mô xây dựng những công trình giao thông, ưu tiên dự án phù hợp với nhu cầu ở cơ sở.
Nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường tính kết nối khu vực trong địa bàn huyện. Để thực hiện kế hoạch trên, huyện đã dành hơn 800 tỷ đồng thực hiện xây dựng, cải tạo 6 tuyến đường trọng điểm của huyện như: Đường nội thị thị trấn Kép; đường Hố Cát, Trần Cung, Trần Cảo, Nguyễn Xuân Lan, Nguyễn Trãi (thị trấn Vôi); Giỏ - Mỹ Thái; Vôi - Phi Mô - Mỹ Thái; Nghĩa Hưng - Tiên Lục - Dương Đức và một số dự án BT như: Xây dựng đường trục thị trấn Vôi; đường trục cụm công nghiệp Nghĩa Hòa - khu trung tâm thị trấn Kép mở rộng...
Thực hiện phong trào làm đường giao thông nông thôn, nhân dân đã hiến đất, tài sản, góp tiền, ngày công mở rộng, bê tông hơn 680km; nâng tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn của huyện đạt hơn 99%. Điểm nhấn đáng chú ý trong xây dựng hạ tầng giao thông ở Lạng Giang là sự đồng thuận, ủng hộ từ nhân dân. Dù nhiều tuyến phải mở rộng song địa phương không phải bố trí kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng.
Từ đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đã góp phần đổi thay diện mạo các làng quê. Đến Lạng Giang hôm nay, đi đâu chúng ta cũng bắt gặp những con đường bê tông sạch sẽ trải dài tới từng cụm dân cư, thôn, làng, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, qua đó đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Đô thị trong… làng
Năm 2020, xã Phi Mô được sáp nhập với thị trấn Vôi, nhờ đó thị trấn Vôi giờ đây đã tăng quy mô diện tích lên gấp 4 lần, dân số tăng gấp gần 3 lần so với trước. Cùng với chủ trương gia tăng dân số khu vực đô thị thị trấn Vôi, thời gian quan huyện Lạng Giang cũng quan tâm mở rộng, phát triển đô thị và các điểm dân cư tập trung từng bước hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo đó, nhiều khu đô thị mới đã được mọc lên, đã và đang tạo nên một bức tranh đẹp xem kẽ giữa nét đẹp làng quê và những khu đô thị mới, điểm dân cư hiện đại. UBND huyện quan tâm bố trí kinh phí để đầu tư, cải tạo mặt nền đường, hè đường, hệ thống thoát nước, hố ga; lắp đặt đèn đường chiếu sáng; trồng cỏ dải phân cách tại một số tuyến phố. Các ki-ốt, cửa hàng kinh doanh hình thành ngày càng nhiều.
Ông Nguyễn Văn Bằng – Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang cho biết, những năm gần đây, không gian cảnh quan kiến trúc, ngành nghề của thị trấn đang thay đổi tích cực. Hiện chỉ có khoảng 35% dân số trên địa bàn làm nông nghiệp, còn lại phát triển thương mại, dịch vụ. Góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của toàn huyện.
Được biết, năm 2020 huyện cũng bố trí hơn 52 tỷ đồng lát gạch vỉa hè, trồng cây xanh, cải tạo hệ thống cấp thoát nước tại một số khu dân cư như: Phố Triển, xã Mỹ Thái; phố Tân Quang, xã Đào Mỹ; chợ Năm, xã Tiên Lục; Cầu Lường, xã Quang Thịnh... Ông Hoàng Văn Vương, phố Triển, xã Mỹ Thái chia sẻ: "Nhà tôi kinh doanh hàng tạp hóa đã lâu, khi ấy mặt đường còn nhỏ hẹp, dân cư thưa thớt. Nay phố xá rộng đẹp hơn, có đường lớn, dân cư đông, lượng khách mua nhiều lên, thu nhập cũng tăng theo".
Tương tự gia đình ông Vương, hàng trăm hộ dân dọc phố Triển đều mở cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Trong 4 năm trở lại đây, chất lượng cuộc sống của người dân trong huyện không ngừng nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 48,5 triệu đồng/năm lên 67,8 triệu đồng/năm. Diện tích nhà ở bình quân từ 19,6m2/người lên 25,2m2/người.
Theo Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang Nguyễn Văn Bằng, mục tiêu của huyện trong giai đoạn 2020 - 2025 là tiếp tục xây dựng NTM nâng cao theo hướng bền vững gắn với phát triển đô thị. Huyện phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ dân số đô thị đạt 18%; hộ nghèo giảm còn dưới 0,1%, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa khu vực nông thôn và đô thị; có hơn 50% số xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Trước mắt, trong năm nay, huyện phấn đấu 3 xã Tân Dĩnh, Mỹ Thái, Nghĩa Hưng đạt các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Để thực hiện mục tiêu trên, UBND huyện Lạng Giang đã triển khai hỗ trợ 2 tỷ đồng cho mỗi xã xây dựng NTM nâng cao và 200 triệu đồng/thôn thực hiện NTM kiểu mẫu. Qua rà soát, 3 xã trên đã hoàn thành 11/14 tiêu chí, đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số tiêu chí về giao thông, cảnh quan môi trường và cơ sở vật chất văn hóa. Dự kiến trình thẩm định công nhận vào tháng cuối năm 2021.
Đối với 19 thôn xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, huyện đang chỉ đạo các thôn khẩn trương thựchiện các nội dung, hạng mục công trình theo phương án đã được phê duyệt. Các thôn đã hoàn thành bình quân từ 3- 4 tiêu chí trong tổng số 7 tiêu chí. Qua thực tế triển khai, tiêu chí về môi trường và chỉnh trang nhà ở được đánh giá là những tiêu chí khó. Với hai tiêu chí này, đòi hỏi người dân phải tự nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và đầu tư kinh phí xây dựng lại các công trình trong khuôn viên nhà. Theo kế hoạch, các thôn sẽ trình thẩm định công nhận đạt chuẩn vào tháng 11 năm nay.
Song song với phát triển đô thị, trong thời gian tới huyện tiếp sẽ tục triển khai sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm; tạo quỹ đất thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào địa bàn. Cùng đó, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh, nhằm tạo bước đà vững chắc để tiến lên đô thị thông minh, hiện đại trong tương lai.