Dự lễ ký kết gồm có, ông Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; ông Lê Minh Hoan, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; các Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; lãnh đạo các Cục, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cùng Chủ tịch Hội Nông dân và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 63 tỉnh thành tham dự qua hình thức trực tuyến.
Nội dung ký kết giữa Trung ương Hội Nông dân và Bộ Nông nghiệp
Tại Hội nghị ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (gọi tắt là hai cơ quan), hai bên nhất trí cùng tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và tạo dựng hình ảnh người nông dân thế hệ mới có kiến thức, kỹ năng, tay nghề cao và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Đồng thời phát huy hiệu quả vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan trong thực thi nhiệm vụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã; kết nối tiêu thụ sản phẩm. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường nông thôn góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Minh Hoan, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đề nghị, thông qua lễ ký kết chương trình phối hợp giữa 2 cơ quan. Thời gian tới, 2 bên sẽ tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, đối thoại chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong đó mỗi năm, ở cấp trung ương phối hợp tổ chức ít nhất 1 hoạt động trên. Phối hợp tổ chức các hoạt động như Hội thi "Nhà nông đua tài", "Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông", chương trình "Tôn vinh nhà khoa học của nhà nông"; hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp tài ba…
Hàng năm phối hợp tổ chức festival lúa gạo Đồng bằng Sông Cửu Long và festival Kinh tế biển; Chương trình Khuyến nông @ và triển khai mô hình câu lạc bộ khuyến nông gắn với Chi hội nông dân làm hạt nhân trong việc xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các hoạt động dịch vụ, tư vấn cho hội viên, nông dân và chủ trang trại; chương trình Bác sỹ nông học...
Với đặc thù là tỉnh miền núi, Sơn La có trên 80% người dân sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 168.000 người là hội viên hội nông dân, là lực lượng qua trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông dân là những người lao động trực tiếp tham gia vào lao động sản xuất nông nghiệp, và họ có vị trí, vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế nông thôn.
Tham gia Hội nghị, ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La phát biểu, để định hướng nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp với xu hướng thị trường hiện nay. Hội đã đẩy mạnh hướng dẫn người dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa đi đôi với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao.
Đồng thời, chúng tôi đã chỉ đạo tổ chức Hội các cấp phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tuyên truyền thực hiện sản xuất nông nghiệp an toàn. Tổ chức cho hội viên ký cam kết thực hiện, thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng giám sát các mã vùng trồng, đánh giá chất lượng, khối lượng sản phẩm phát động phong trào bao trái cây toàn tỉnh với chỉ tiêu 10 triệu bao trái, giao chỉ tiêu cụ thể cho các tổ chức Hội. Hội luôn đẩy mạnh việc hỗ trợ nông dân trả chậm phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, hỗ trợ vốn vay từ các tổ chức tín dụng và Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp.
Hai cơ quan phối hợp chặt chẽ các hoạt động hỗ trợ nông dân
Nội dung chương trình phối hợp được 2 cơ quan triển khai cụ thể, bằng kế hoạch hàng năm trên cơ sở lồng ghép các hoạt động, nguồn lực, phối hợp thống nhất, chặt chẽ có sự theo dõi; kiểm tra, giám sát, đảm bảo thiết thực và hiệu quả, phù hợp với chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội Nông dân Việt Nam. Thực hiện chủ động, tích cực, thường xuyên, chặt chẽ và hiệu quả khi xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến các hoạt động phối hợp; góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển theo mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Hai cơ quan cùng phối hợp và chỉ đạo ngành dọc thực hiện đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp; ưu tiên cán bộ Hội cấp xã làm công tác phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Phấn đến năm 2025 có 50% số lượng Hội Nông dân cấp xã đều có cán bộ am hiểu nhiệm vụ và có kỹ năng tư vấn phát triển hợp tác xã. Tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn thành lập, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn. Trước mắt tập trung vận động, hỗ trợ nông dân tham gia xây dựng các hợp tác xã để phát triển các vùng nguyên liệu tập trung. Xây dựng chuỗi giá trị tại 11 tỉnh, 75 huyện theo Đề án phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ nông, lâm sản giai đoạn 2021-2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng thời, hỗ trợ xây dựng và phát triển khoảng 1.000 Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc "5 tự" và "5 cùng", tạo cơ sở nền tảng phát triển thành các tổ hợp tác, hợp tác xã. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ trương, định hướng định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Cơ quan đầu mối phối hợp phía Bộ Nông nghiệp và PTNT là Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là Ban Kinh tế.
Tại Hội nghị, ông Lương Quốc Đoàn, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, việc đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân theo nội dung thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 là cực kỳ quan trọng. Phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 1,5 triệu nông dân được tham gia đào tạo nghề nông nghiệp. Tập trung dạy nghề và hỗ trợ lao động nông thôn tìm kiếm, kết nối việc làm thông qua Trung tâm hỗ trợ nông dân Trung ương Hội và các Trung tâm hỗ trợ nông dân ở các tỉnh, thành phố. Hỗ trợ lao động nông thôn học nghề, học ngoại ngữ để xuất khẩu lao động. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện nông dân nhằm nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy về xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Ngoài ra, tại Hội nghị, 2 cơ quan cũng nhất trí phối hợp trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025 cả nước có 7.440 xã đạt tiêu chí về môi trường nông thôn. Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy, nhận thức và hành động của hội viên, nông dân về tác động của môi trường; an toàn thực phẩm, nước sạch đến sức khoẻ con người và các hoạt động sản xuất. Tập trung tuyên truyền, vận động, các hội viên nông dân tích cực tham gia phong trào cải tạo cảnh quan ở thôn, bản, ấp đã được các địa phương áp dụng sáng tạo như: Con đường, làng bích họa, dòng sông không rác, biến bãi rác thành vườn hoa, tuyến đường xanh, sạch, đẹp.
Đẩy mạnh triển khai Chương trình OCOP, phát triển du lịch nông thôn, hoạt động kết nối cung – cầu nông sản, sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số. Trong phát triển sản xuất, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP của các địa phương, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP cho nông dân. Triển khai sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân" gắn với Chương trình OCOP, nâng cao năng lực, kỹ năng về công nghệ số gắn với hoạt động tuyên truyền, kết nối sản phẩm OCOP, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn…