dd/mm/yyyy

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình: nâng cao kiến thức, tạo vốn, giải quyết việc làm cho người lao động

Để phát huy vai trò của hội viên trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình luôn chú trọng nâng cao kiến thức, giải quyết việc làm cho người lao động. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng NTM và giảm nghèo trên địa bàn.

Tư vấn, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế và XDNTM

Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã tập trung xây dựng người nông dân thời đại mới và đổi mới tư duy nông nghiệp, có kỹ năng sản xuất kinh doanh giỏi. Đồng thời, sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của ngành nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và XDNTM. Các cấp Hội trên địa bàn tỉnh tập trung phối hợp với các tổ chức phát huy hiệu quả vai trò trung tâm, nòng cốt của hội viên. Thực hiện tích cực vai trò chủ thể, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng CNH-HĐH, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình: Phát huy vai trò chủ thể của hội viên trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 1.

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình ký kết hợp tác với Viện ứng dụng công nghệ và Phát triển nông nghiệp Việt Nam, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên được ứng dung khoa học vào sản xuất. Ảnh: Hà Hoàng.

Dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Hội Nông dân tỉnh, các hội viên đã được tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề. Nổi bật và xuyên suốt trong 3 phong trào lớn là phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Bình quân hàng năm số hộ nông dân đăng ký sản xuất – kinh doanh giỏi các cấp đạt 72.000 hộ, chiếm khoảng 50% so với hộ nông nghiệp. Số hộ đạt danh hiệu sản xuất – kinh doanh giỏi các cấp đạt trên 36.000 hộ (bằng 50% so tổng số hộ đăng ký). Qua các năm, xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình "nông dân Việt Nam xuất sắc" như: Nông dân Hà Văn Cương, thị trấn Mai Châu (huyện Mai Châu); Đặng Văn Sinh, xã Liên Hòa (huyện Lạc Thủy); Đặng Thị Thu, thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong); Lường Văn Sương, xóm Nà Lốc, xã Đồng Chum (huyện Đà Bắc)...

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình: Phát huy vai trò chủ thể của hội viên trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 2.

Thời gian qua, nhiều hội viên nông dân tỉnh Hoà Bình đã áp dụng máy móc cơ giới hoá vào sản xuất. Ảnh: Hà Hoàng.

Cùng với đó, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh Hoà Bình sau khi được thành lập đã phát huy hiệu quả. Hiện, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đang quản lý và khai thác tốt trên 37,284 tỷ đồng. Ban điều hành Quỹ đã xét duyệt và hỗ trợ trên 500 mô hình với trên 6.500 lượt hộ nông dân vay vốn. Dư nợ nhận ủy thác với 3 ngân hàng (ngân hàng CSXH, ngân hàng NN&PTNT, ngân hàng Liên Việt) của các cấp Hội Nông dân không ngừng tăng cả về số lượng, chất lượng các chương trình, dịch vụ tín dụng và ưu đãi.

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình: Phát huy vai trò chủ thể của hội viên trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 3.

Hội viên nông dân tỉnh Hoà Bình chung tay cùng chính quyền địa phương, góp công xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hà Hoàng.

Ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình cho biết: Trong 10 năm qua, tổng dư nợ nguồn vốn đạt trên 3.307 tỷ đồng, thông qua trên 1.700 tổ vay vốn đã có gần 60.000 lượt hội viên, nông dân được vay. Từ các nguồn vốn vay trên, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên đầu tư vào phát triển sản xuất trên các lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản và mở rộng các ngành nghề dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống hội viên nông dân, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội viên trong phát triển nông nghiệp, XDNTM.

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình: Phát huy vai trò chủ thể của hội viên trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 4.

Không chỉ hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã mở điểm bán hàng tiêu thụ nông sản giúp các hội viên nông dân. Ảnh: Hà Hoàng.

Xác định giúp nông dân "cần câu" chứ không cho con cá, các cấp Hội còn hỗ trợ nông tiếp cận khoa học kỹ thuật, cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Việc xây dựng và ký kết chương trình phối hợp với các sở, ngành chuyên môn, Liên minh HTX để tạo nguồn lực và thống nhất chương trình hành động trong quá trình củng cố, xây dựng kinh tế hợp tác ở nông thôn được đẩy mạnh. Qua đó, đã xây dựng được 322 mô hình kinh tế tập thể, 249 tổ hợp tác và 73 HTX.

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình: Phát huy vai trò chủ thể của hội viên trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 5.

Nông dân tỉnh Hoà Bình đã có nhiều mô hình hay như: Nuôi trâu vỗ béo, nuôi dê và trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: Hà Hoàng.

Giúp hội viên phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững

Thực hiện các đề án trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng (khóa X), các cấp Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã tích cực tham gia thực hiện các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh. Tập trung quy hoạch vùng nông nghiệp nhằm phát huy lợi thế, thế mạnh của từng địa phương và đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình: Phát huy vai trò chủ thể của hội viên trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 6.

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình tham quan học tập trồng cây lê tại huyện Bắc Hà, (Lào Cai) để áp dụng trồng tại xã Hang Kia, Pà Cò thuộc huyện Mai Châu.Ảnh: Hà Hoàng.

Chia sẻ với PV, bà Đặng Thị Thu, thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình) cho hay: Nhờ sự quan tâm giúp đỡ của Hội Nông dân, tôi đã được tham gia vào các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt cây ăn quả. Vì vậy, tôi đã áp dụng vào hơn 3ha vườn của mình, nhờ đó mà sản lượng cây ăn quả không ngừng tăng lên hàng năm. Bình quân mỗi năm gia đình tôi thu nhập hơn 1 tỷ đồng từ cây cam.

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình: Phát huy vai trò chủ thể của hội viên trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 7.

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà đã giúp nhiều hội viên có nguồn thu nhập khấm khá. Ảnh: Hà Hoàng.

Thông qua các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đã có 447 hộ nông dân mua các loại máy nông nghiệp phục vụ sản xuất, được hỗ trợ lãi suất trên 2,7 tỷ đồng. Phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi được triển khai hiệu quả tại các địa phương trong tỉnh Hoà Bình. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Trong 10 năm qua, toàn tỉnh Hoà Bình đã thực hiện dồn điền, đổi thửa trên 4.700 ha. Từ đó hình thành những cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo nên những nông sản hàng hoá đặc trưng, chất lượng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 100 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn, giá trị thu được trên 1ha đất sản xuất bình quân đạt trên 140 triệu đồng/ha. Nổi bật nhất, sau cam Cao Phong thì Chuối Viba là thương hiệu nông sản thứ 2 của tỉnh Hoà Bình được phục vụ trong các chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airline.

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình: Phát huy vai trò chủ thể của hội viên trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 9.

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Ảnh: Hà Hoàng.

Ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình cho biết, qua các phong trào của Hội phát động, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương với những sáng kiến, cách làm hay, sáng tạo, những mô hình điển hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng rau hữu cơ (Lương Sơn); Chăn nuôi dê (Lạc Thủy, Mai Châu); trồng gấc (Lương Sơn); chế tác đá cảnh (Lạc Thủy); nuôi cá lồng (thành phố Hòa Bình); làm chổi chít (Kỳ Sơn, Kim Bôi); trồng cam (Cao Phong); trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh (Yên Thủy, Tân Lạc); trồng dổi lấy hạt (Lạc Sơn)...

Hiện nay, có gần 100 hộ hội viên có thu nhập từ 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng, số hộ thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng lên đến hàng chục nghìn hộ. Việc đưa ra chính sách, mục tiêu cụ thể và triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở đã mang lại nhiều thành quả, khẳng định vị thế của tổ chức Hội. Hội viên đã được khẳng định là vai trò chủ thể, trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc XDNTM, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh, bền vững.

 

Hà Hoàng