Trao đổi với PV, ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình chia sẻ: "Nhằm giúp đỡ các hội viên nâng cao nhận thức trong phát triển kinh tế, chúng tôi thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con. Từ đó lên kế hoạch đưa ra các giải pháp phù hợp, giúp các nông hộ có điều kiện tiếp nhận khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi trồng trọt phù hợp với địa phương.
Ngoài ra, chúng tôi cũng chỉ đạo Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh định hướng nội dung dạy nghề tập trung vào những cây, con chủ lực gắn với mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất. Chúng tôi chỉ đạo các cấp cơ sở Hội tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi, lựa chọn con giống phù hợp để phát triển kinh tế. Nhờ vậy, nhiều năm qua đã xuất hiện các mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao, giúp hội viên thoát nghèo và làm giàu".
Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã tích cực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ cho nông dân về vốn và kiến thức. Với sự hỗ trợ của Hội, nhiều hộ đã tìm được hướng đi bền vững trong phát triển kinh tế nông nghiệp, giảm nghèo và thoát nghèo bền vững... Các mô hình sản xuất nông nghiệp mới cho hiệu quả kinh tế cao, ngày càng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh tiêu biểu như: Nuôi trâu, bò vỗ béo, trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng cây ăn quả có múi... Nhiều mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất, giúp tạo việc làm ổn định cho nhiều hội viên, góp phần tăng thu nhập.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình còn tổ chức dạy các nghề cơ bản gồm: Kỹ thuật chăn nuôi lợn, dê, gà, cá nước ngọt, kỹ thuật trồng cây ăn quả, trồng rừng kinh tế, trồng rau an toàn... Được biết, trong thời gian tới Hội sẽ hỗ trợ các hội viên ở xã Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu) trồng cây lê phát triển kinh tế, mô hình này vừa giúp bà con có nguồn thu nhập, vừa thu hút khách du lịch đến tham quan trải nghiệm. Hội trực tiếp dạy nghề và cấp chứng chỉ cho hàng trăm học viên, phối hợp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng trăm nghìn lượt hội viên nông dân tham gia.
Theo ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình, trong hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, Hội đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình kinh tế; duy trì và vận hành quỹ Hội, nhận ủy thác với các ngân hàng để hỗ trợ hội viên. Tập trung chú trọng công tác dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho bà con. Hiện, tổng dư nợ các ngân hàng do Hội quản lý đạt hơn 3.550 tỷ đồng, cho trên 61.000 hộ vay vốn phát triển kinh tế.
Công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn thực sự hiệu quả đã tạo điều kiện cho nông dân mở rộng quy mô, đổi mới tư duy sản xuất, góp phần hình thành và phát triển các mô hình trang trại, gia trại, xây dựng các tổ hợp tác, HTX, các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hơn 10 năm qua, đã có gần 250 tổ hợp tác, 73 Hợp tác xã, 87 chi, tổ hội nghề nghiệp được hướng dẫn thành lập.
Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thực hiện các hoạt động dịch vụ phân bón, giống, vật tư nông nghiệp theo hình thức chậm trả. Tư vấn việc sử dụng phân bón, thức ăn chăn nuôi và các các chế phẩm sinh học đảm bảo môi trường, đảm bảo cho nông dân có điều kiện tốt nhất để gắn bó và làm giàu từ ngành nông nghiệp. Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình, với gần 140.000 hội viên thì có hơn 85% hội viên biết áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động. Nhiều nông dân đã thoát nghèo và có cuộc sống dư giả, từ nông nghiệp.
Bà Đặng Thị Thu sinh sống ở Khu 2 (thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình) cho biết: Nhờ có lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả của Hội Nông dân dạy, tôi đã trồng hơn 5.000 gốc cam Canh trên 3ha, mỗi năm bà thu lãi 3,5 tỷ đồng. Cuộc sống của gia đình tôi đã khấm khá và dư giả lên rất nhiều.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ phát huy tốt vai trò của Hội trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nông dân. Tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và đào tạo nghề giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất, tham gia vào các chương trình dự án, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội kết hợp sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thường xuyên xuống cơ sở để cầm tay chỉ việc cho hội viên, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, để tư vấn hỗ trợ các hội viên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và làm giàu", ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình thông tin thêm.