dd/mm/yyyy

Hoạt động thu mua chậm, chờ thay đổi chính sách, giá gạo đồng loạt đi xuống

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam giảm trong tuần này do hoạt động mua chậm khi các thương nhân chờ đợi những thay đổi về chính sách nhập khẩu từ nước nhập khẩu chủ chốt trên thế giới - Philippines - có hiệu lực, trong khi giá cước vận chuyển cao ảnh hưởng đến nhu cầu gạo Ấn Độ từ khách hàng châu Phi.

Nhu cầu giảm, giá gạo châu Á đi xuống 

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tuần này giảm xuống còn 585 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 25 tháng 4, so với mức 595 USD cách đây một tuần.

Philippines đang xem xét thay đổi chính sách nhập khẩu và giảm thuế nhập khẩu. Vì vậy, các nhà xuất khẩu đang giảm tốc độ thu mua gạo. Nguồn cung từ vụ thu hoạch mới sẽ có trên thị trường vào tháng này, có thể khiến giá tiếp tục giảm trong những tuần tới.

Gạo 5% tấm của Việt Nam tuần này được chào ở mức 572-575 USD/tấn, giảm so với mức 575-580 USD một tuần trước đó. Gạo 100% tấm ở mức 470 USD/tấn, gạo 25% tấm ổn định ở mức 547 USD/tấn. Giao dịch gạo chậm do người mua đang chờ việc cắt giảm thuế của Philippines có hiệu lực.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, Việt Nam xuất khẩu 650.000 tấn gạo với kim ngạch 416 triệu USD trong tháng 6/2024, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 4,68 triệu tấn với 2,98 tỷ USD, tăng 10,4% về lượng song tăng đến 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore… Trong đó, thị trường Philippines chiếm hơn 38% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, đang được báo giá ở mức 541-548 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước.

Các khách hàng châu Phi rất nhạy cảm về giá và họ đang tạm dừng mua hàng do phí vận chuyển tăng.

Chỉ số vận tải đường biển chính của Sàn giao dịch Baltic tuần này đã đạt gần mức cao nhất trong hai tháng.

Trong khi đó, mặc dù Bangladesh đã phê duyệt kế hoạch nhập khẩu gần 2 triệu tấn gạo nhưng từ tháng 4 không có lượng gạo nào được nhập khẩu vào nước này, dẫn thông tin từ Bộ Lương thực Bangladesh của VFA cho biết.

Hiện Chính phủ nước này đang nỗ lực kiểm soát giá ngũ cốc thiết yếu trong nước vì giá gạo vẫn tăng cao mặc dù năng suất và tồn trữ trong nước ở mức cao.

Hoạt động thu mua chậm, chờ thay đổi chính sách, giá gạo đồng loạt đi xuống- Ảnh 1.

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam giảm trong tuần này do hoạt động mua chậm.

Xuất khẩu gạo năm nay vẫn được đánh giá khá tốt

Thực tế cho thấy, mặc dù giá có xu hướng giảm, xuất khẩu gạo năm nay của Việt Nam vẫn được đánh giá khá tốt, nhưng không phải tất cả doanh nghiệp đều hưởng lợi, đã có sự phân hóa dựa trên đặc thù ngành, năng lực và hiệu quả vận hành của từng doanh nghiệp.

Việc dự báo thiếu chính xác về thị trường đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam thua đau khi có biến động về giá. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp khi chưa có gạo trong tay vẫn chạy đua ký hợp đồng, dẫn đến khi giá lúa đầu vào tăng, doanh nghiệp trở tay không kịp.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam-VFA, nguyên nhân cơ bản dẫn đến nghịch lý doanh nghiệp gạo xuất khẩu càng nhiều càng thua lỗ chính là do thiếu thông tin thị trường và chủ quan trong dự báo.

Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn có thói quen ký hợp đồng với nước ngoài, sau đó mới thu mua gạo trong nước để thực hiện hợp đồng. Điều này khiến họ trở tay không kịp khi giá gạo thu mua trong nước biến động, tăng nhanh hơn giá mà doanh nghiệp đã ký kết.

Có những giai đoạn, giá gạo có biến động tăng cao, các doanh nghiệp buộc phải đàm phán lại về thời gian giao hàng với đối tác dẫn tới chi phí vận chuyển, giao hàng trên toàn chuỗi đều tăng cao, góp phần làm tăng thêm thua lỗ.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện cả nước có 161 thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu gạo, song trong số này chỉ có khoảng 5 - 10 doanh nghiệp dẫn dắt.

Các doanh nghiệp làm thương mại gạo lâu năm cho rằng, muốn thị trường bền vững, kinh doanh tốt, các doanh nghiệp lớn phải mua hàng vào (dự trữ) để ổn định thị trường. Nhưng, thực tế hiện nay, kể cả các doanh nghiệp lớn cũng ít mua vào từ trước, do khó khăn về tài chính gây thiếu hụt nguồn vốn thu mua, mà ngành gạo nếu không đảm bảo lượng tồn kho thì khó điều tiết được thị trường.

Nhìn sang Thái Lan, 20 năm qua, 8 doanh nghiệp gạo hàng đầu của nước này không hề đổi ngôi. Cách làm của họ là mua trước, bán sau, vào vụ thì tập trung vào sản xuất, giữ chất lượng gạo thu mua về trong kho ở mức tốt nhất, giảm hao hụt.

Bài toán của doanh nghiệp kinh doanh gạo Việt hiện nay vẫn phải giải ở khâu vốn, cách thức thu mua gạo đầu vào, nếu không có giải pháp triệt để để tháo gỡ thì bức tranh kinh doanh gạo quý II này của các doanh nghiệp gạo vẫn khó có sự khác biệt và bứt phá nào đáng kể so với quý I của năm nay...

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam-VFA, năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu gạo đạt 5 tỷ USD, cao hơn 300 triệu USD so với năm 2023. Với kết quả trong 6 tháng đầu năm, chắc chắn xuất khẩu gạo cả năm sẽ vượt mục tiêu đề ra.

Giá lúa gạo hôm nay ngày 6/7 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ 50 đồng/kg, gạo thành phẩm và gạo nguyên liệu. Giá lúa đi ngang. Thị trường lúa gạo giao dịch chậm.

Với mặt hàng gạo hôm nay tăng từ 50 đồng/kg với gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm. Cụ thể, gạo nguyên liệu IR 504 Hè thu tăng 50 đồng lên mức 10.750-10.900 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 tăng 50 đồng/kg lên mức 12.800-12.900 đồng/kg.

Với mặt hàng lúa, hôm nay giá không có sự thay đổi. Cụ thể, theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa IR 50404 giá dao động quanh mốc 6.800 - 6.900 đồng/kg; Lúa Đài thơm 8 giá 7.100 - 7.200 đồng/kg; Lúa OM 5451 giá ổn định 7.000 - 7.100 đồng/kg; Lúa OM 18 có giá 7.000 - 7.200 đồng/kg; OM 380 dao động từ 7.200 - 7.300 đồng/kg. Lúa Nhật ở mốc ở mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 7.600 - 7.700 đồng/kg và lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 20.000 đồng/kg.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nguồn cung gạo toàn cầu sẽ chuyển từ thâm hụt sang thặng dư trong niên vụ 2024-2025. Trong khi đó, Ấn Độ đang xem xét dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu gạo do sản lượng dư thừa lớn và lượng mưa trên mức bình thường có thể hỗ trợ tích cực cho vụ mùa Kharif, vụ mùa lớn nhất của nước này.

Theo dự báo mới nhất của FAO, sản lượng gạo năm 2024/25 sẽ tăng 0,9% so với năm trước lên mức cao nhất mới nhờ diện tích trồng trọt và năng suất tăng.

Mức tiêu thụ gạo năm 2024/25 sẽ tăng 1,2% so với năm trước do nguồn cung dồi dào giúp mức sử dụng thực phẩm tăng 1,4%.

Thương mại gạo năm 2024 ít thay đổi so với dự báo tháng trước, và giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm, trong bối cảnh dự kiến xuất khẩu của Ấn Độ cũng như Brazil, Paraguay, Uruguay và Việt Nam đều giảm.

Dự trữ gạo năm 2024/25 ở mức cao kỷ lục, vì ngoài việc tiếp tục tăng ở các nước xuất khẩu, tồn kho ở các nước nhập khẩu có thể tăng lần đầu tiên sau 4 năm.

Nguyễn Phương