Diện mạo nông thôn mới đổi thay
Những ngày tháng 3, trong chuyến công tác lên các xã vùng cao thuộc huyện Tân Lạc (Hoà Bình), chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng đất xứ Mường nơi đây. Những cung đường uốn lượn theo các sườn núi nối các xã với trung tâm huyện được mở rộng, bê tông hoá thay cho những con đường đất trước đây. Từng vựa cây ăn quả được phủ xanh khắp các triển đồi, nhà cửa của bà con nhân dân được xây dựng khang trang ở bên vệ đường. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng cao nơi đây từng ngày thay da đổi thịt và khoác lên mình chiếc áo mới.
Đạt được những thành quả trên là nhờ thời gian qua nhà nước đã nâng cấp, sửa chữa những đoạn đường cua hẹp, khuất tầm nhìn. Nhờ đó, đường lên các xã vùng cao đã rộng rãi, thoáng tầm nhìn và hạn chế được nguy hiểm. Con đường rộng rãi, cứng hoá từ ngã ba xã Quyết Chiến đưa chúng tôi đi qua những ngôi trường đang được xây mới, những xóm làng bình yên để lên với các xã Lũng Vân, Nam Sơn, Bắc Sơn, nay đã sáp nhập là xã Vân Sơn. Mặc dù còn chút khó khăn nhưng vùng cao Tân Lạc đã có sự đổi thay tích cực theo hướng đi lên, "chậm mà chắc", đời sống người dân được cải thiện tích cực, nhiều hướng đi mới về phát triển kinh tế mở ra hy vọng làm giàu cho bà con nơi đây.
Chia sẻ với PV, bà Bùi Thị Chần, xã Quyết Chiến (huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình) cho hay: Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, cuộc sống của người dân chúng tôi đã được cải thiện hơn. Trường học, trạm y tế, nhà văn hoá được xây dựng khang trang, nhất là đường giao thông không ngừng được sửa chữa và nâng cấp, tạo điều cho người dân chúng tôi ổn định cuộc sống.
Những năm qua, huyện Tân Lạc luôn xác định kết cấu hạ tầng cần phải đi trước một bước, mở đường cho sự phát triển KT-XH. Nhiệm kỳ vừa qua, huyện Tân Lạc đã tranh thủ sự quan tâm đầu tư của trung ương, của tỉnh, thông qua các chương trình, dự án cùng sự đóng góp của cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh... tập trung phát triển giao thông, xây dựng công trình thiết yếu toàn huyện nói chung, các xã vùng cao nói riêng... Đến hết năm 2020, toàn huyện có 100% xã có điện lưới quốc gia, 100% hộ nông thôn được sử dụng điện. 100% xã có trụ sở làm việc khang trang, 100% trường học được kiên cố và cơ bản được bố trí xây dựng các phòng học chức năng phục vụ dạy và học, các trạm y tế được quan tâm xây dựng…
Xây dựng gắn với hỗ trợ người dân phát triển kinh tế
Từ xã Quyết Chiến đến xã Vân Sơn, chúng tôi thấy nhiều hạ tầng của các trường học, trụ sở đang được xây dựng, sửa chữa. Hệ thống giao thông được đầu tư sửa chữa, nâng cấp thể hiện sự quan tâm của huyện đối với mảnh đất vùng cao này. Công tác giảm nghèo, thực hiện chính sách dân tộc được quan tâm và chỉ đạo thực hiện thông qua các chương trình, mục tiêu, dự án như hỗ trợ sản xuất, nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ học sinh thuộc diện hộ nghèo đã góp phần nâng cao chất lượng, cơ cấu kinh tế gia đình và từng bước cải thiện đời sống của người dân nơi đây. Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo chương trình 135, việc hỗ trợ phát triển sản xuất thực hiện theo đúng tiến độ đã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Ông Hà Văn Huê, Chủ tịch UBND xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc cho biết: Vừa qua 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Lũng Vân sáp nhập thành xã Vân Sơn nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành. Tuy nhiên nhờ sự đoàn kết của các cán bộ, đản viên và người dân, kinh tế - văn hóa, xã hội đều đạt được những thành tích quan trọng. Các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh được giữ vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt 100% so với kế hoạch.
Chương trình XDNTM được chúng tôi tiếp tục thực hiện theo lộ trình, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi. Thu nhập bình quân ước đạt trên 25 triệu đồng/người/năm. Tổng diện tích gieo trồng toàn xã ước đạt 1.400ha. Đặc biệt, xã đã tập trung trồng các loại cây thế mạnh như 40ha rau su su, hơn 180ha cây quýt ngọt. Ngành chăn nuôi gia súc và gia cầm đang phát triển, mang lại thu nhập khá cho người dân. Lĩnh vực CN-TTCN có bước phát triển khá với tổng giá trị ước trên 57 tỷ đồng.
Hiện nay các xã vùng cao huyện Tân Lạc đã định hình được những sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao như: Tỏi tía, quýt ngọt, đặc biệt là vùng trồng su su ở xã Quyết Chiến. Nhờ tăng cường các biện pháp thâm canh, sản xuất theo quy trình VietGAP sản phẩm nông nghiệp nơi đây đã từng bước hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Sản phẩm rau su su huyện Tân Lạc hiện nay được tiêu thụ tại các thị trường lớn, tiếp cận chuỗi các nhà hàng, siêu thị nông sản - thực phẩm tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cùng với việc phát triển các sản phẩm nông sản cho giá trị kinh tế cao, một hướng đi mới đang mở ra nhiều hy vọng cho các xã vùng cao huyện Tân Lạc đó chính là phát triển du lịch. Xã Vân Sơn, Ngổ Luông đã được quy hoạch vào không gian phát triển du lịch phía Nam của huyện. Bên cạnh đó huyện Tân Lạc đã xác định rõ các vùng tiềm năng để thúc đẩy phát triển du lịch, đó là vịnh Ngòi Hoa (xã Suối Hoa), khu vực hồ Trọng; xóm Kem (xã Phong Phú), xóm Trăng Tà (xã Nhân Mỹ), xóm Đá (xã Lỗ Sơn) và các xã vùng cao của huyện. Có thể nói du lịch vùng cao huyện Tân Lạc đang dần được biết đến với sức hấp dẫn rất riêng, tạo cơ hội phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho bà con nhân dân.