Từ lâu, khu chợ Bảm, xã Tây Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình) nằm trên Quốc lộ 6 đã trở thành một trong những điểm tiêu thụ nông sản của người dân xứ Mường nơi đây. Trong đó, có cây mía trắng ép nước. Những năm trước đây, mỗi khi vào mùa hè, chợ Bảm nhộn nhịp cảnh "kẻ bán người mua" mía trắng ép nước với hàng chục xe tải xếp hàng dài bên vệ đường. Thế nhưng, từ đầu tháng 5 - 6 năm nay, chợ Bảm thật vắng vẻ, dù vẫn có những sạp mía được bày bán nhưng không có khách đến mua.
Theo chia sẻ của người dân địa phương, từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ mía trắng ép nước khó khăn, giá bán rẻ như cho. Chúng tôi tiếp tục đến xóm Nhõi Trong (xã Hợp Phong, huyện Cao Phong) tìm hiểu về giá bán mía, đây là xóm duy trì trồng mía trắng ép nước từ hàng chục năm nay. Đa số các hộ dân sinh sống ở đây đều chuyển đổi nhiều diện tích đất đồi sang trồng mía trắng ép nước, thời gian trước đã đem lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình trồng mía trong xóm. Tuy nhiên, 2 vụ trở lại đây, việc tiêu thụ mía trắng ép nước gặp khó khăn.
Nhiều năm qua, gia đình ông Bùi Xuân Đúng, xóm Nhõi Trong duy trì trồng trên 5.000m2 mía trắng ép nước. Ông Đúng cho biết, trồng mía đòi hỏi chi phí đầu tư lớn nên với giá bán từ 4.000 đồng/cây mới có lãi. Có những năm, đầu ra thuận lợi, giá mía ổn định từ 4.000 - 5.000 đồng/cây, thậm chí 6.000 đồng/cây đem lại hiệu quả kinh tế cao so với các cây trồng khác. Nhưng 2 vụ trở lại đây, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Năm ngoái, mía chỉ bán được giá bình quân 3.000 đồng/cây, người trồng mía không có lãi. Còn năm nay, giá mía xuống thấp nhất.
"Xóm chúng tôi duy trì trồng mía từ nhiều năm nay, ngoài vườn đồi, bà con chuyển đổi hết diện tích đất lúa một vụ sang trồng mía, nhưng giá mía bán quá rẻ, chỉ từ 1.000 -1.500 đồng/cây mà còn là mía chọn chứ không phải mua cuốn chiếu cả vườn. Tốn nhiều công sức chăm sóc, giờ trắng tay, ai mà chẳng chua xót. Tôi đang dọn vườn, để giải phóng đất trồng cây khác thôi" - ông Đúng buồn rầu chia sẻ.
Cũng như gia đình ông Đúng, hộ ông Bùi Văn Sơ, xóm Nhõi Trong trồng mía hơn chục năm qua. Trước đây, vụ nhiều nhất ông Sơ trồng gần 1 ha mía, mấy năm gần đây duy trì trồng 3.000m2 mía trắng ép nước. Theo ông Sơ kể, trước đây có vụ gia đình ông bán được giá 6.000 đồng/cây, giữa vụ dao động từ 4.000 - 5.000 đồng/cây, đem lại thu nhập khá cao so với các loại cây trồng khác. Nhưng vừa rồi giá bán mía khá bấp bênh, nếu không trồng mía thì cũng không biết trồng cây gì cho phù hợp. "Chúng tôi rất mong được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ tiêu thụ cây mía" - ông Sơ bày tỏ.
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Liển, Chủ tịch UBND xã Dũng Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình) cho biết: Trên địa bàn xã chúng tôi có hơn 400ha trồng mía. Cách đây 2 tháng, giá mía xuống thấp, người trồng mía hầu như không có lãi. Nguyên nhân dẫn đến giá thấp là do dịch Covid-19 bùng phát, nên người dân gặp nhiều khó khăn hơn so với những năm trở về trước.
Hiện nay, huyện Cao Phong có 1.950 ha mía trắng ép nước, đến cuối tháng 5/2021 mới tiêu thụ được khoảng 30% diện tích. Trong khoảng gần một tuần trở lại đây, việc tiêu thụ mía trên địa bàn huyện đã thuận lợi hơn, tuy nhiên giá mía vẫn ở mức thấp. Theo phòng Nông nghiệp và Phát triện nông thôn huyện Cao Phong, đến nay huyện đã tiêu thụ được khoảng 85% diện tích mía trắng ép nước. Riêng vụ mía năm 2020 - 2021, toàn huyện có 1.235 ha, trong đó mía trắng ép nước 246,8 ha. Hiện, mía trắng ép nước còn 37 ha đang thu hoạch và gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Giá bán chỉ từ 1.000 - 2.000 đồng/cây, thời điểm đầu vụ đạt từ 2.000 - 3.000 đồng/cây.
Thời tiết nắng nóng, cũng là thời điểm "vàng" để người dân tiêu thụ mía trắng ép nước. Tuy nhiên, trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, người trồng mía mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm, liên kết để việc tiêu thụ mía được thuận lợi hơn trong những năm tới.