Nhiều vụ trẻ em đuối nước thương tâm
Những ngày tháng 8 và tháng 9/2022, tại các huyện Kim Bôi, Đà Bắc, thành phố Hòa Bình… của tỉnh Hòa Bình đã liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm.
Cụ thể ngày 5/8, tại xóm Hào Tân, xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 cháu nhỏ tử vong đó là cháu Đ.T.H (sinh năm 2017) và Đ.T.H (sinh năm 2019), đều là anh em ruột trong một gia đình.
Ngày 11/8, tại xóm Nhả, xã Hợp Thành, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, do mưa lớn khiến ruộng và đường nội đồng ngập sâu, cháu N.M.H (SN 2012) khi đi chơi đã trượt chân ngã xuống ruộng sâu bị đuối nước và tử vong.
Mới đây nhất, chiều ngày (6/9), nhóm gồm 5 học sinh rủ nhau lên tắm thác Kim Tiến tại xóm Vó Khang, xã Kim Bôi (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình). Do thác cao, trơn trượt đã khiến 4 học sinh chìm xuống nước.
Ngay sau đó, nhờ sự trợ giúp của người dân, 3 học sinh đã được cứu sống, 1 học sinh còn lại không qua khỏi. Nạn nhân được xác định là em Q.T.H.G (SN 2010, trú tại khu Lục Đồi, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình).
Nguyên nhân của những vụ đuối nước thương tâm trên là do ao gần nhà, mưa lũ nước ngập, người lớn không trông coi cẩn thận, các em tự đi bơi ở những nơi nước chảy xiết, sâu… Trong khi đó, trẻ em ham vui, thích khám phá, chưa nhận thức đầy đủ về những mối nguy hiểm xung quanh nên dễ trở thành nạn nhân trong chính các trò chơi của mình. Do vậy, đã có những sự việc thương tâm xảy ra.
Những vụ tai nạn đuối nước thương tâm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ đe dọa sinh mạng của trẻ em.
Chị Nguyễn Ánh Nguyệt, người dân sinh sống bên bờ sông Bôi, đoạn qua xóm Bôi Câu, xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi, cho biết: "Sông Bôi bình thường nước trong xanh, chảy hiền hòa, người dân thường ra đó đánh cá. Ở nhiều bãi cỏ đẹp, các bạn trẻ còn thường ra cắm trại cuối tuần".
Theo chị Nguyệt, dòng sông hiền hòa, trữ tình là vậy nhưng cứ đến mùa mưa lũ, nước thượng nguồn đổ về đục ngầu, chảy xiết.
"Hầu hết những vụ tai nạn đuối nước mùa lũ xảy ra vài năm gần đây chủ yếu do sự chủ quan của người dân. Bà con thường tận dụng nước lũ để đi đánh cá, chài lưới". Chị Nguyệt nói.
Cần có giải pháp thiết thực
Bà Nguyễn Thị Minh Anh, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình thông tin: Đặc điểm chung của huyện Kim Bôi là địa hình phức tạp, độ dốc lớn. Trên địa bàn huyện Kim Bôi có tổng số 85 ngầm tràn, phần đa các ngầm ở khu vực đông dân cư, nhu cầu đi lại của người dân cao.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Anh, để đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế những tai nạn đuối nước, nhất là khi mùa mưa lũ về, nước dâng cao bà con cần cẩn trọng khi đi qua ngầm tràn những ngày mưa lũ, tuyệt đối không qua khi mực nước dâng cao, chảy xiết. Đồng thời, quản lý, trông giữ, không để để trẻ chơi đùa, đi lại tại khu vực có sông, suối, khu vực ngập nước để đảm bảo an toàn, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Về giải pháp lâu dài, cần tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước và xâm hại trẻ em. Triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em các cấp, ngành; huy động sự tham gia của các Hội, đoàn thể và người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh giới các khu vực có nguy cơ gây tai nạn thương tích, đặc biệt là khu vực có nguy cơ gây đuối nước với trẻ em. Bố trí rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm tại những khu vực sâu, nguy hiểm...
Hiện nay, nhiều địa phương và nhà trường đã đẩy mạnh công tác dạy bơi cho trẻ. Nhiều đơn vị đã chủ động phối hợp Đoàn thanh niên giáo dục kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là tại các xã, phường và trường học. Ngoài ra, tích cực tuyên truyền đến phụ huynh, người chăm sóc trẻ quan tâm, giáo dục kỹ năng sống, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ để hạn chế trẻ đi tắm sông, suối hoặc vui chơi gần ao, hồ sâu.