Khoảng giữa tháng 6 đến nay, rau thiết lập mặt bằng giá mới khi xăng dầu liên tiếp tăng giá, giá rau xanh đội thêm từ 20-30%. Sau 4 lần giá xăng dầu giảm, giá rau vẫn neo cao, có những loại tăng gấp 2-3 lần như: hành lá, rau ngót, ớt cay…
Cụ thể, hiện mướp hương có giá 20.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg so với trước); rau cải ngọt, cải cay 30.000 - 35.000 đồng/kg (tăng 5.000 - 7.000 đồng/kg so với trước); rau ngót 10.000-12.000 đồng/bó (tăng 5.000 - 6.000 đồng/bó); hành lá tăng lên 45.000 - 50.000 đồng/kg; súp lơ 60.000 đồng/kg; đậu cô-ve có giá 40.000 đồng/kg, rau xà lách có giá 50.000 đồng/kg.
Các loại rau củ thì giá có ổn định hơn, chỉ tăng nhẹ như: cà rốt: 20.000 đồng/kg; khoai tây 20.000 đồng/kg; đậu bắp 20.000 đồng/kg… Riêng rau muống đang vào mùa thu hoạch nên giá rẻ hơn 5-7.000 đồng/bó; bí xanh 7.000 đồng/kg.
Tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, giá các loại sau cũng tăng cao so với trước. Theo đó, các loại rau ăn lá tăng khoảng 30-40%, như các loại rau cải, rau ngót, rau mồng tơi; còn các loại rau củ giá tăng thêm 15-20%. Hầu hết, các mặt hàng rau củ tại đây được nhập từ các HTX sản xuất rau sạch, rau hữu cơ, rau VietGAP ở Đà Lạt, Mộc Châu về. Chị Nguyễn Thị Ngọc, chủ chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở thành phố Vinh cho biết: “Giá nhập các loại rau đợt này tăng cao, do đó, giá bán ra cũng được điều chỉnh tăng theo”.
Sở dĩ giá rau tăng đột biến là do hạn chế về nguồn cung. Thời tiết bất lợi khi vào tháng 5 có những đợt mưa trái mùa gây ngập úng, làm rau thối rễ, chết rũ. Sau đó, lại liên tiếp là các đợt nắng nóng gay gắt kèm gió Lào khiến rau khó phát triển, nhiều diện tích trồng rau phải chuyển sang các cây trồng chống hạn. Trong khi đó, một số loại củ quả rộ mùa thu hoạch thì lại mất mùa.
Ông Nguyễn Văn Nam, cán bộ Nông nghiệp xã Nam Anh (Nam Đàn) cho biết: “Nếu như các năm trước thì đây là thời điểm thu hoạch hoa thiên lý, năm nay, loại này mất mùa mạnh nên chỉ một số diện tích cho thu hoạch. Đợt này chỉ có cà và mướp ngọt, mướp đắng còn các loại rau ăn lá rất khan hiếm. Nắng nóng, gió Lào nên các loại rau lấy lá không phát triển được”.
Ở “vựa rau” Quỳnh Lưu, nơi có truyền thống sản xuất rau màu quanh năm thì thời điểm này, rau cũng khan hiếm do thời tiết nắng nóng. Chị Hồ Thị Minh, một hộ trồng rau ở Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) cho biết: “Gia đình tôi có gần 1 sào trồng các loại rau cải. Đầu tháng 6, gia đình tôi đã xuống giống cải cay, cải ngọt, cải thìa nhưng do thời tiết nắng nóng, rau bị táp lá, kém phát triển tốn công chăm sóc, tưới và rau chỉ cho năng suất bằng một nửa so với trước. Thương lái đặt mua nhưng không có rau để bán”.
Cộng với đó, giá vật tư, phân bón, giống rau đều tăng, thêm vào đó, phải liên tục bơm tưới nên tiêu tốn khá nhiều tiền điện buộc những người sản xuất rau phải nâng giá bán mới đảm bảo có lãi. Trong khi đó, giá xăng đã giảm song giá cước vận chuyển vẫn chưa được điều chỉnh giảm nên giá rau vẫn cao.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, tại các vùng chuyên canh rau màu trên địa bàn tỉnh đang tích cực xuống giống, chăm sóc các loại rau đã gieo trồng để bảo đảm nguồn cung ra thị trường.
Do đó, việc khan hàng rau xanh chỉ mang tính chất thời vụ, cục bộ. Trong thời điểm này, người dân có thể chuyển sang sử dụng các loại củ, quả đang rộ vụ thu hoạch với giá cả rẻ để thích ứng chi tiêu.
Vụ hè thu toàn tỉnh đã xuống giống 5.496 ha rau các loại; vụ mùa diện tích rau gieo trồng ước đạt 1.117 ha, tăng 12,94%. Trong vụ này chủ yếu là rau cải xanh, rau mùng tơi, rau ngót, bí xanh, mướp, dưa chuột, hành hoa. Hiện nhiều vùng trồng rau đã được đầu tư ứng dụng công nghệ cao để sản xuất, đưa ra thị trường số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu người dân nội tỉnh và xuất bán ra thị trường trong nước. Theo dự báo, giá rau sẽ neo cao trong ít nhất vài tuần nữa.