Những năm đầu khi mới lập gia đình, cuộc sống của vợ chồng chị Nguyễn Thị Phương Thơm ở thôn Hương Phố (xã Đức Hương) gặp rất nhiều khó khăn. Tài sản của gia đình chị lúc ấy không có gì ngoài mảnh đất cằn cỗi, quanh năm chỉ biết quẩn quanh với ngô lúa để sống qua ngày, không đủ lo cho con cái ăn học.
Không cam chịu đói nghèo, đầu năm 2000, vợ chồng chị Thơm vào miền Nam để lập nghiệp, với hy vọng thoát được nghèo khổ. Tuy nhiên, sau 10 năm bươi chải nơi xứ người, thấy cuộc sống ly hương không ổn, năm 2010, anh chị quyết định về quê làm kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.
Chị Thơm chia sẻ, những ngày đầu bắt tay vào chăn nuôi lợn, vợ chồng gặp khó khăn đủ bề. Vốn ít, kinh nghiệm không có, chị phải “gõ cửa” từng nhà để học hỏi kỹ thuật chăn nuôi.
Chị Thơm cho biết: “Đầu năm 2011, bằng số vốn tích cóp được, tôi đã đầu tư vào chăn nuôi lợn với quy mô 30 con/lứa. Mới đầu, do chưa có kỹ thuật nên đàn lợn chậm phát triển, hiệu quả thấp. Không bỏ cuộc, tôi tiếp tục tìm tòi, học tập từ các lớp tập huấn của xã, của huyện và học hỏi kinh nghiệm của người đi trước để áp dụng vào đàn lợn của gia đình”.
Nhờ ứng dụng kỹ thuật vào chăn nuôi nên đàn lợn của chị Thơm phát triển nhanh, cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh nuôi lợn thịt, chị Thơm còn nuôi thêm 10 con lợn nái để cung cấp lợn giống cho gia đình.
Chị Thơm cho biết: “Mỗi năm, gia đình tôi xuất chuồng trên 200 con lợn thịt, nhờ phát triển được đàn lợn nái nên gia đình không tốn chi phí mua con giống. Đặc biệt, hai năm trở lại đây, giá lợn tăng cao nên tôi rất phấn khởi; trừ tất cả chi phí, bình quân mỗi năm gia đình tôi lãi hơn 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, đình còn có nguồn thu gần 100 triệu đồng/năm từ chăn nuôi ngan và gà”.
Ở vùng đất còn nhiều khó khăn như Đức Hương, mô hình chăn nuôi của gia đình chị Thơm thực sự nổi bật và tạo động lực cho nhiều hộ dân khác phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Chia sẻ kinh nghiệm làm giàu của mình, chị Thơm tâm sự: “Có được thành quả này là nhờ sự quyết tâm, nỗ lực cao của bản thân, gia đình. Bên cạnh đó, là sự đồng hành của chính quyền địa phương, Hội phụ nữ xã đã tạo điều kiện cho tôi được tiếp cận được kỹ thuật chăn nuôi, cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh”.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Thơm còn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, phong trào của Hội phụ nữ xã, của địa phương. Chị luôn tích cực tuyên truyền cho chị em hội viên thực hiện tốt các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời vận động những hội viên khác cùng tham gia xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả.
Chủ tịch Hội LHPN xã Đức Hương Nguyễn Thị Ái Nga chia sẻ: “Chị Thơm không chỉ là tấm gương phụ nữ vượt khó làm giàu mà còn biết quan tâm, chia sẻ, hết lòng giúp đỡ những chị em khác vươn lên trong cuộc sống. Nhờ những nỗ lực của chị Thơm và các hội viên khác mà Hội Phụ nữ xã Đức Hương luôn đứng tốp đầu trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa của huyện Vũ Quang”.