Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 05:49 PM (GMT+7)
Gương điển hình người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Sa Pa
2024-12-09 18:00:09
Phát huy vai trò người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ông Lý A Dình (thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) luôn gương mẫu trong việc tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới...
Từ năm 2022 đến nay, ông Lý A Dình được công nhận là người có uy tín của thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn. Ông được mọi người nhận xét là người luôn tận tuỵ, hết lòng vì công việc chung của bản.
Ông Lý A Dình chia sẻ: Muốn giữ uy tín bản thân và gia đình thì phải gương mẫu, nói đi đôi với làm thì bà con mới tin và làm theo.
Với vai trò là người có uy tín ngoài am hiểu phong tục tập quán của đồng bào Mông trong thôn thì cần phải tích cực tham gia các cuộc họp thôn, hội nghị của xã, thị xã, nghiên cứu, tham khảo trên ti vi... để nắm được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để vận động bà con thực hiện.
Cách đây khoảng gần chục năm trở về trước, cuộc sống gia đình ông Dình cũng như hầu hết bà con thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa được biết đến là một trong những thôn nghèo nhất của xã cũng như Sa Pa. Bởi kinh tế của bà con chỉ phụ thuộc vào cây ngô, cây lúa...
Không cam chịu đói nghèo, khi mô hình nuôi cá nước lạnh được người miền xuôi lên đầu tư nuôi ở địa phương đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Dình đã cất công đi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi.
Năm 2016, ông Dình đã mạnh dạn bán 8 con bò của gia đình được gần 100 triệu đồng và vay thêm 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Sa Pa để xây 2 bể cá nuôi nước lạnh. Sau nhiều năm tích luỹ vốn, kinh nghiệm đến nay gia đình ông Dình đã có 5 bể cá được đầu tư xây dựng theo hình tròn kiên cố, khang trang.
Nhờ mô hình nuôi cá nước lạnh hiệu quả, hiện nay với hình thức nuôi gối vụ, trung bình mỗi năm gia đình ông Dình bán được khoảng hơn 5 tấn cá tầm, với giá từ 180 – 200 nghìn đồng/kg, thu về khoảng 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 500 triệu đồng.
Theo ông Dình, được xã, thị xã tạo điều kiện vay vốn đầu tư bể để nuôi cá nước lạnh. Sau 3 năm nuôi cá nước lạnh gia đình ông Dình đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá, giả của thôn.
Những năm gần đây du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phát triển, nhất là việc phát triển cây dược liệu phục vụ du lịch, gia đình ông Dình đã khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương trồng 1 ha cây dược liệu chùa dù. Vụ năm 2024, gia đình ông Dình thu được 5 tấn tươi, thu về 20 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Dình còn vận động, hướng dẫn bà con tích cực lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng sản phẩm hàng hoá.
Điển nhấn là từ mô hình nuôi cá nước lạnh của gia đình ông Dình, nay nhiều hộ dân trong thôn thấy hiệu quả đã đến học tập, được ông Dình chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá... và nuôi thành công vươn lên thoát nghèo.
"Trước đây, bà con ai cũng bảo việc nuôi cá nước lạnh tốn kém và không khả thi đối với kinh nghiệm, năng lực của người dân trong thôn. Thế rồi để tạo lòng tin cho bà con trong thôn, tôi đã tiên phong làm trước, từ đó, người dân nhìn thấy hiệu quả rồi học tập làm theo". Ông Lý A Dình, thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa bảo vậy.
Anh Lý A Phình, thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa (Lào Cai) phấn khởi: Nhờ học hỏi mô hình nuôi cá từ ông Dình và một số hộ dân khác, gia đình tôi đã đầu tư nuôi 3 bể cá nước lạnh, thu về khoảng 3 tấn cá tươi/vụ, thu về trên 500 triệu đồng. Bây giờ gia đình tôi đã xây được nhà ở khang trang, mua được ô tô rồi.
Ngoài tuyên truyền bà con tích cực tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo, ông Dình còn phối hợp với Ban quản lý thôn, già làng, trưởng tuyên truyền bà con chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời, năm 2024, tham gia hoà giải thành công 3 vụ tranh chấp nước, tranh chấp đất đai và 1 trường hợp có ý định tảo hôn trong thôn.
Chia sẻ về kinh nghiệm hoà giải ở cơ sở, ông Lý A Dình cho rằng, với vai trò là người có uy tín của thôn bản thân phải hiểu được phong tục, tập quán sản xuất của bà con cũng như các chính sách, pháp luật của Nhà nước... Để từ đó phân tích chi tiết, cụ thể cho bà con hiểu được lợi ích, việc nào làm sai, việc nào đúng.
Từ những việc làm đó, ông Lý A Dình đã khẳng định được vai trò là cầu nối, cánh tay nối dài giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân ở xã Ngũ Chỉ Sơn và nêu gương sáng, tích cực đóng góp xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thôn Can Hồ Mông có gần 70 hộ dân, với gần 400 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những năm trước đây, thu nhập của bà con trong thôn chỉ phụ thuộc vào cây ngô, cây sắn năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ vốn, cây con giống, dạy nghề… Nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, có chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hỗ trợ, bà con trong thôn đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, đưa các loại cây con giống mới vào trồng, chăn nuôi hiệu quả.
Nhờ vậy, cuộc sống của bà con trong thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn hôm nay đã thay da đổi thịt, nhiều nhà xây kiên cố mọc lên san sát, số hộ nghèo giảm chỉ còn 12 hộ.
- Tham khảo thêm