Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định mục tiêu Đông Nam Bộ trở thành vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Trong đó, tiểu vùng trung tâm gồm TP.HCM, vùng phía Nam tỉnh Bình Dương và Tây Nam tỉnh Đồng Nai. Theo định hướng này, tuyến kết nối từ Tây Nguyên, qua Bình Dương, Đồng Nai, đến cảng Cái Mép - Thị Vải, TP.HCM là trục kinh tế chính.
Kéo giãn hành lang vận tải liên vùng
Nhiều năm qua, trục kinh tế này đã phát triển gần lấp đầy đến đường Vành đai 2. Khoảng giữa Vành đai 3 và Vành đai 4 là khu vực phù hợp nhất để phát triển công nghiệp, các cơ sở hạ tầng quốc gia và của vùng.
Riêng tại Bình Dương, hạ tầng phát triển nhanh, đô thị công nghiệp đã lấp đầy đến đường Vành đai 3, không gian đang phát triển nhanh đến Vành đai 4. Cũng vì thế mà định hướng quy hoạch tỉnh Bình Dương mới đề xuất vùng TP.HCM cần thêm đường Vành đai 5 mới đáp ứng yêu cầu phát triển tiếp theo.
"Các tỉnh thành cần có các cuộc họp chung thường xuyên để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế của địa phương trong vùng nói riêng và liên kết vùng Đông Nam Bộ nói chung".
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM
Trong trục kinh tế Đông Nam Bộ, một số đoạn liên kết vẫn chưa hình thành mạng lưới hoàn chỉnh. Đường Quốc lộ 52 vốn thu hút các luồng vận tải công nghiệp lớn của vùng, trở thành điểm nghẽn nan giải ngay cửa ngõ vào TP.HCM.
Mới đây, lãnh đạo các tỉnh thành ở Đông Nam Bộ đã có buổi làm việc để thống nhất triển khai các tuyến giao thông kết nối liên vùng và của mỗi địa phương có tác động đến vùng.
Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tỉnh cùng các địa phương khác đang triển khai quyết liệt các dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4 và tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu.
Ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thì chia sẻ, tỉnh có 3 vị trí kết nối với TP.HCM. Đồng Nai sẽ bổ sung 4 vị trí cầu kết nối với Bình Dương và đang cân nhắc bổ sung 7 vị trí kết nối với Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thống nhất sẽ kiến nghị Trung ương sớm ban hành chính sách hỗ trợ vùng để hoàn thiện các kết nối đa phương thức, nhất là ưu tiên các kết nối mới bằng đường sắt đô thị từ Bình Dương vào trung tâm TP.HCM để mở rộng các không gian phát triển về nguồn nhân lực, dịch vụ thương mại, du lịch, khoa học công nghệ…
Tháo gỡ vướng mắc ở từng địa phương
Dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là trục giao thông theo hướng Bắc - Nam, cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Bình Dương kết nối đô thị Chơn Thành (Bình Phước).
Dự án được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bình Dương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai. Dự kiến dự án có tổng mức đầu tư khoảng 17.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026, thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến 34 năm.
Ông Võ Văn Minh cho biết, nhằm bảo đảm tính khả thi về phương án tài chính của dự án, tỉnh Bình Dương đang đề nghị tỉnh Bình Phước thống nhất về phương án đầu tư.
Theo bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, tuyến đường được đề xuất quy hoạch quy mô 8 làn xe. Việc đầu tư tuyến đường này sẽ làm giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 13, tạo động lực công nghiệp đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho 2 tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
UBND tỉnh Bình Phước sẽ báo cáo Tỉnh ủy và HĐND tỉnh xem xét bố trí nguồn vốn đoạn cao tốc đi qua Bình Phước dài 7km. Đoạn cao tốc này sẽ do tỉnh Bình Phước làm chủ đầu tư theo hình thức đầu tư công, với tổng số vốn đền bù, giải phóng mặt bằng và xây lắp khoảng 1.500 tỷ đồng.
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay, ngoài dự án đường Vành đai 3 đã được phê duyệt và chuẩn bị khởi công, TP.HCM đồng tình với đề xuất của các tỉnh về việc đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 4. Đồng thời, chú trọng các vấn đề về phát triển đường sắt, và quy hoạch ven sông. Riêng dự án đường Vành đai 3 đã cơ bản hoàn thành theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, các địa phương cần phối hợp rà soát, thống nhất các nội dung trong bồi thường giải tỏa, thiết kế kỹ thuật để đảm bảo tính đồng bộ của tuyến đường.
Ông Mãi đánh giá, để các đề án, dự án riêng có tác động chung đến phát triển vùng, các tỉnh thành cần trao đổi, xin ý kiến lẫn nhau và thành lập quỹ phát triển giao thông vùng.