Cụ thể, Cơ quan An toàn sinh học Brazil đã cấp phép canh tác và thương mại hóa (có giới hạn) đối với giống lúa mì biến đổi gene HB4 do tập đoàn sinh học Bioceres của Argentina phát triển. Quyết định được đưa ra sau khi giới chức Brazil hoàn thành đánh giá đầy đủ về tính an toàn của giống lúa mì HB4. Theo Bioceres, trong điều kiện hạn hán, lúa mì biến đổi gene của họ cho năng suất cao hơn so với các giống thông thường, với mức cải thiện năng suất trung bình 43%.
Kết quả một cuộc khảo sát công bố ngày 13/3/2023 cho thấy, hơn 70% người dân Brazil cho biết sẵn sàng tiêu thụ các sản phẩm làm từ lúa mì biến đổi gene.
Đây được coi là sự thay đổi lớn khi mà tranh cãi về việc lúa mì biến đổi gene vẫn không chấm dứt. Đầu tháng 6/2022, Cơ quan nghiên cứu cây trồng Brazil (Embrapa) thông báo, đang thử nghiệm nhiều loại lúa mì biến đổi gene có khả năng chịu thiếu nước tốt hơn.
Ngay lập tức, những tranh cãi lại bùng lên. Phía phản đối cho rằng không thể kiểm soát được tác hại của nó tới sức khỏe con người.
Trong khi đó, Embrapa cho biết cơ quan này đã hợp tác với công ty Bioceres của Argentina, đơn vị từng phát triển thành công một giống lúa mì biến đổi gene có thể chịu được điều kiện khô hạn. Trước đó, Brazil chủ yếu sử dụng hạt giống biến đổi gene trong gieo trồng đậu nành và ngô, hai loại sản phẩm chủ lực khác của đất nước, còn với lúa mì thì chưa.
Theo ông Jorge Lemainski - trưởng bộ phận nghiên cứu lúa mì của Embrapa, việc trồng thử nghiệm cho thấy lúa mì biến đổi gene đáp ứng được mọi đòi hỏi khắt khe nhất về sức khỏe con người. Brazil là nước xuất khẩu đậu nành lớn nhưng lại là nước nhập khẩu ròng lúa mì. Khoảng 90% lúa mì được sản xuất ở Brazil là ở phía nam của đất nước, nơi có điều kiện ẩm ướt. Nếu có thể trồng lúa mì ở miền bắc, nơi khô hạn, thì sản lượng ngũ cốc của Brazil sẽ tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, ông Lemainski cho biết, việc trồng thương mại bất kỳ loại cây lương thực biến đổi gene nào cũng cần một quá trình khoảng 4 năm để đánh giá đầy đủ các kết quả thử nghiệm.