Thứ Sáu, ngày 10/01/2025 11:10 PM (GMT+7)
Giữ vững thị trường truyền thống Philippines để ổn định hoạt động xuất khẩu gạo
2024-12-25 14:22:00
Thương vụ Việt Nam tại thị trường Philippines cho rằng, cần giữ vững thị trường xuất khẩu gạo truyền thống Philippines nhằm ổn định xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Thị trường tiềm năng cho hàng Việt
Tham luận tại Hội nghị Tham tán thương mại mới đây, Trưởng Cơ quan Thương vụ khu vực thị trường châu Á - châu Phi về hoạt động xuất khẩu gạo sang thị trường truyền thống Philippines, ông Phùng Văn Thành - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, Việt Nam và Philippines là đối tác thương mại quan trọng của nhau tại Đông Nam Á.
Hiện nay, Philippines là đối tác thương mại lớn thứ 6 trong ASEAN và lớn thứ 16 trên thế giới của Việt Nam và là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Trong những năm gần đây, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines luôn chiếm từ trên 40% đến 45% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trên toàn thế giới. Vì vậy, việc giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống Philippines sẽ góp phần duy trì sự ổn định xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Phân tích cụ thể về thị trường Philippines, ông Phùng Văn Thành cho biết, Philippines có dân số lớn, GDP hàng năm khoảng 400 tỷ USD và thu nhập đầu người khoảng 3.500 USD. Xã hội có sự phân hóa, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ đa dạng, không đòi hỏi qua cao hay quá khắt khe trong tiêu thụ, thị hiếu tiêu dùng có nhiều nét tương đồng với Việt Nam nên các loại hàng hóa của Việt Nam cơ bản phù hợp với thị trường Philippine và dễ được chấp nhận.
Ngoài ra, Philippine có lượng kiều hối lớn, trong khi xu hướng tiêu dùng hơn tiết kiệm. Nhu cầu tiêu dùng lớn nhưng sản xuất trong nước hạn chế, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nên áp lực mở cửa thị trường cho các loại hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là thị trường các sản phẩm lương thực.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm của Philippines khoảng 200 tỷ USD, chủ yếu nhập khẩu. Năm 2021, nhập siêu 42,2 tỷ USD, năm 2022 nhập siêu 58,4 tỷ USD, nhập siêu 52,42 tỷ USD, trong đó khoảng 5 tỷ USD nhập khẩu từ Việt Nam.
Ông Phùng Văn Thành nhấn mạnh, những đặc điểm nêu trên và khoảng cách địa lý gần đã làm cho Philippines trở thành thị trường có nhiều tiềm năng cho các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường Philippines sẽ có nhiều thuận lợi, đặc biệt Philippines là thị trường nói tiếng Anh.
Liên quan đến hoạt động giao thương giữa hai quốc gia, Tham tán thương mại Phùng Văn Thành nêu rõ, hiện có khoảng gần 40 mặt/ngành hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Philippines; trong đó có những mặt/ngành hàng quan trọng như nông sản, thủy sản, hải sản, bánh kẹo, thức ăn chăn nuôi, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, hàng dệt may, da giày, máy móc, thiết bị... Về nông sản, đặc biệt mặt hàng gạo, luôn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Philippines.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Philippines đạt trên 7,8 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 5,1 tỷ USD, nhập khẩu 2,7 tỷ USD, xuất siêu trên 2,4 tỷ USD.
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 7,8 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu 5,15 tỷ USD, nhập khẩu 2,65 tỷ USD, xuất siêu 2,5 tỷ USD.
Trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu đạt trên 5,22 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu đạt trên 2,08 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 7,3 tỷ USD, bằng 93,6% so với tổng kim ngạch năm trước.
Kết quả tích cực này cùng với hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên không ngừng tăng cao trong hai tháng cuối năm có thể dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Philippines trong năm 2024 sẽ lần đầu tiên vượt mức 8 tỷ USD, đạt khoảng 8,5 tỷ USD, trong đó xuất siêu trên 3 tỷ USD.
Dù vậy, ông Phùng Văn Thành vẫn cho rằng, kim ngạch thương mại hai bên còn khiêm tốn so với tiềm năng, cơ cấu ngành hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Philippines còn ít, chủ yếu là hàng nông sản, vì vậy, cần mở rộng cơ cấu mặt hàng xuất khẩu (đã bước đầu thành công với sản phẩm vác xin, xe ô tô điện).
Gạo - mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Philippins
Đáng chú ý, thông tin về hợp tác thương mại gạo giữa Việt Nam và Philippines, Tham tán thương mại Phùng Văn Thành cho biết, Philippines là quốc gia sản xuất lúa gạo nhưng sản xuất trong nước không đáp ứng nhu cầu nên Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn. Hàng năm tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, Philippines sản xuất khoảng trên 19 triệu đến 20 triệu tấn thóc (năm 2023 lần đầu tiên đạt 20,06 triệu tấn thóc), tương đương khoảng 12,5 đến 13,5 triệu tấn gạo. Cụ thể, năm 2021 đạt 19,96 triệu tấn, năm 2022 đạt khoảng 19,75 triệu tấn, năm 2023 đạt 20,06 triệu tấn).
Dù vậy, nhu cầu tiêu thụ gạo hàng năm khoảng 14,5 đến 15 triệu tấn. Nhu cầu dự trữ tối thiểu đủ lương thực cho 30 ngày đảm bảo an ninh lương thực khoảng từ 1 đến 1,5 triệu tấn. Tổng nhu cầu hàng năm khoảng từ 15,5 đến 16,5 triệu tấn. Hàng năm Philippines phải nhập khẩu trên 3 triệu đến trên 4 triệu tấn gạo.
Trước năm 2019, Philippines mua gạo theo cơ chế liên chính phủ G2G, gạo Việt Nam phải cạnh tranh với gạo Thái Lan tại thị trường Philippines. Kể từ năm 2019, khi Philippines ban hành và thực thi Luật về tự do hóa thương mại gạo, theo đó dỡ bỏ hạn ngạch nhập khẩu và cho phép các chủ thể tự do tham gia xuất nhập khẩu và phân phối gạo thì gạo của Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường Philippines và trở thành nhà cung ứng gạo quan trọng, chiếm vị trí số 1 tại Philippines.
Năm 2020, gạo xuất khẩu sang Philippines đạt trên 2,2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD.
Năm 2022, lượng và kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 3,214 triệu tấn và trên 1,5 tỷ USD, chiếm khoảng 85% tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines. Xuất khẩu sang Philippines chiếm tới 45% về lượng và khoảng 43% về kim ngạch trong tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Năm 2023, xuất khẩu gạo sang Philippines đạt 1,75 tỷ USD, đạt 3,150 triệu tấn, chiếm trên 80% lượng gạo nhập khẩu của Philippines.
Trong 10 tháng năm 2024, Philippines nhập khẩu 3,68, trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam 2,91 triệu tấn. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hết tháng 11 năm 2024, gạo xuất sang Philippines khoảng 3,6 triệu tấn (số liệu chưa chính thức).
Dự báo năm 2024, Philippines sẽ nhập khẩu trên 4 triệu đến 4,5 triệu tấn gạo, từ Việt Nam khoảng trên 3,5 triệu tấn.
Lợi thế của gạo Việt Nam tại thị trường Philippines
Hiện nay, gạo Việt Nam đang có nhiều lợi thế khi xuất khẩu sang thị trường Philippines.
Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam đã có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu gạo của Philippines, đã tạo được uy tín, lòng tin trong xuất khẩu gạo với các bạn hàng Philippines.
Thứ hai, gạo của Việt Nam có phẩm cấp chất lượng vừa phải, phù hợp với thị hiếu, thói quen tiêu dùng, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân Philippines, từ số lượng lớn dân số có thu nhập trung bình và thấp cho đến các tầng lớp giàu có, giá cả phải chăng nên có tính cạnh tranh.
Thứ ba, nguồn cung gạo của Việt Nam ổn định cả về số lượng và giá cả, có thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Philippines.
Trong thời gian tới, để giữ vững thị trường xuất khẩu gạo truyền thống Philippines nhằm ổn định xuất khẩu gạo của Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại thị trường Philippines xác định, Philippines là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, bên cạnh việc tìm cách mở rộng cơ cấu sản phẩm, ngành hàng và gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Philippines, nhiệm vụ trọng tâm vẫn là giữ vững thị trường xuất khẩu gạo truyền thống Philippines nhằm ổn định xuất khẩu gạo của Việt Nam, tiếp tục củng cố và giữ vững vị thế số 1 xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2024 xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 10,6% về lượng, giảm 12,2% kim ngạch so với tháng 10/2024 và giá giảm 1,8%, đạt 704.608 tấn, tương đương 443,62 triệu USD, giá trung bình 629,6 USD/tấn.
Tính chung cả 11 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo của cả nước đạt trên 8,45 triệu tấn, tương đương trên 5,3 tỷ USD, giá trung bình 627,4 USD/tấn, tăng 10,6% về lượng, tăng 22,3% về kim ngạch và tăng 10,5% về giá so với 11 tháng năm 2023.
Philippines đứng đầu, chiếm 47,4% trong tổng lượng và chiếm 46,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt trên 4 triệu tấn, tương đương trên 2,47 tỷ USD, giá 617,6 USD/tấn, tăng 39,3% về lượng, tăng 57,2% về kim ngạch và tăng 12,8% về giá so với 11 tháng năm 2023.
Indonesia đứng thứ 2, đạt 1,13 triệu tấn, tương đương 678,92 triệu USD, giá 600,6 USD/tấn, chiếm 13,4% trong tổng lượng và chiếm 12,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, tăng 0,6% về lượng, tăng 10,5% kim ngạch và tăng 9,8% về giá so với cùng kỳ năm 2023.
Malaysia đứng thứ 3 với 699.739 tấn, tương đương 414,46 triệu USD, giá trung bình 592,3 USD/tấn, chiếm 8,3% trong tổng lượng và chiếm 7,8% trong tổng kim ngạch, tăng mạnh 79% về lượng, tăng 105,9% kim ngạch và tăng 15% về giá so với 11 tháng năm 2023.
- Tham khảo thêm