dd/mm/yyyy

Giữ hay giảm diện tích lúa ĐBSCL (Bài 4): Doanh nghiệp hiến kế giúp thu nhập người trồng lúa tăng gấp ba

Trong khi các chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam cho rằng, cần phải giảm diện tích lúa ĐBSCL thì một số doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo quy mô lớn trong vùng lại không đồng tình.

Cân nhắc giảm diện tích lúa, phải phân chia lợi nhuận hợp lý để nâng cao thu nhập cho nông dân

Tại lễ công bố báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ và Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright tổ chức công bố mới đây, trong khi các chuyên gia kinh tế, chính sách cho rằng cần phải giảm diện tích lúa ĐBSCL trong thời gian tới thì ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, nên thận trọng trong việc giảm diện tích lúa.

Giữ hay giảm diện tích lúa ĐBSCL (Bài 4): Doanh nghiệp hiến kế giúp thu nhập người trồng lúa tăng gấp ba - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, nên cân nhắc việc giảm diện tích lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây

"Sau khi nghe các ý kiến về vấn đề giảm diện tích trồng lúa ĐBSCL, tôi cảm thấy rất băn khoăn nếu như không muốn nói là bức xúc" - ông Thòn nói.

Theo phân tích của ông Thòn, đất của khu vực ĐBSCL không phải nơi nào cũng chuyển đổi sang trồng cây khác được mà chỉ trồng lúa mới có hiệu quả. Ngoài ra, thích ứng của cây lúa đối với biến đổi khí hậu có vẻ khá hơn cây trồng khác. Về phía các nhà khoa học cũng rất giỏi trong việc tạo ra các giống thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chưa dừng lại ở đó, theo ông Thòn, vùng ĐBSCL đã có văn hóa trồng lúa lâu đời, nhu cầu tiêu thụ gạo của thị trường vẫn rất lớn nên giá bán có thể sẽ tăng.

Về lợi nhuận của người dân trồng lúa không tăng trong thời gian qua, ông Thòn cho rằng, đã từ rất lâu, lợi nhuận người dân trồng lúa ở ĐBSCL chỉ được khoảng 30%. Trong khi đó, tất cả những công ty, những người cung ứng vật tư nông nghiệp, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công ty lương thực đều giàu lên.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời phân tích, thực tế nói trên cho thấy việc phân bổ lợi nhuận chưa hợp lý. Thời gian qua, tất cả những công ty đưa sản phẩm cho nông dân trồng lúa đều không tính thuế, chi phí vận chuyển vào chi phí của họ mà đều tính vào giá thành sản xuất lúa. Có thể nói là tất cả chi phí đều đè lên người dân trồng lúa.

Theo ông Thòn, gần như các doanh nghiệp ở ĐBSCL chỉ bán gạo, chưa bán cám, tấm, vỏ trấu (phụ phẩm và phế phẩm) ra nước ngoài. Trong khi đó, những phụ phẩm và phế phẩm này hoàn toàn có thể chế biến sâu, thành chính phẩm và bán giá cao. Chưa dừng lại ở đó, theo ông Thòn, nếu tổ chức sản xuất tốt, có thể giúp người dân giảm 50% chi phí sản xuất lúa.

"Do đó, theo tôi, nếu phân bổ lại lợi nhuận, tổ chức lại sản xuất sao cho giảm giá thành sản xuất và tạo điều kiện đưa khoa học kỹ thuật phục vụ chế biến sâu phụ phẩm và phế phẩm thành chính phẩm thì hoàn toàn có thể giúp người dân trồng lúa tăng thu nhập thêm gấp 3 lần hiện nay" - ông Thòn khẳng định.

Nhu cầu gạo xuất khẩu cao, chỉ cần nhân rộng cánh đồng lớn là đủ

Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ) cho biết, ngành lúa gạo ở ĐBSCL có diện tích rất lớn và số hộ trồng lúa cũng trên 1 triệu. Theo ông Bình, đây là một con số rất lớn, tầm ảnh hưởng không nhỏ khi nói đến việc giảm diện tích lúa.

Giữ hay giảm diện tích lúa ĐBSCL (Bài 4): Doanh nghiệp hiến kế giúp thu nhập người trồng lúa tăng gấp ba - Ảnh 2.

Theo ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, việc giảm diện tích lúa ĐBSCL cần thực hiện thận trọng. Ảnh: Huỳnh Xây

Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An kể, năm 2012, công ty của ông lần đầu tiên ký hợp đồng xuất khẩu gạo ra nước ngoài với 2.000 tấn gạo chỉ 1 loại giống (loại gạo 5% tấm) với giá 570 USD/tấn. Gạo này được khách khen và muốn mua tiếp về sau. Gạo này có từ cánh đồng lớn do Bộ NNPTNT phát động năm 2011.

"Thời điểm đó, tôi xung phong làm cánh đồng lớn đầu tiên ở huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ với tổng diện tích 428ha. Từ diện tích này, tôi thu mua lúa người dân khoảng 4.000 tấn lúa và bán 2.000 tấn gạo cho khách nước ngoài"- ông Bình nhớ lại.

Giữ hay giảm diện tích lúa ĐBSCL (Bài 4): Doanh nghiệp hiến kế giúp thu nhập người trồng lúa tăng gấp ba - Ảnh 3.

Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, nhu cầu tiêu thụ gạo chất lượng cao ở nước ngoài rất lớn. Trong ảnh: Lễ xuất khẩu lô gạo đầu năm 2021 tại Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo ông Bình, mô hình cánh đồng lớn rất hiệu quả, từ khi có chủ trương thực hiện, chính quyền các địa phương vùng ĐBSCL lúc nào cũng "trải thảm đỏ" mời doanh nghiệp đầu tư bao tiêu lúa cho nông dân, thậm chí đến nay vẫn kêu gọi. Phía doanh nghiệp như ông rất cần mô hình này để có gạo chất lượng bán, còn nông dân cũng sẵn sàng làm đơn vào, vậy tại sao không nhân rộng. Hiện ở ĐBSCL chỉ doanh nghiệp của ông và Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời làm.

"Gạo của công ty chúng tôi đi vào Châu Âu và Mỹ rất cần gạo chất lượng cao, tại sao chúng ta phải giảm diện tích lúa mà không tập trung trồng lúa chất lượng cao theo nhu cầu nước ngoài. Châu Âu người ta nhập một năm 2 triệu tấn gạo nhưng Việt Nam bán giỏi lắm từ 150.000 - 200.000 tấn" - Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An thông tin.

Ông Bình thông tin thêm, không riêng gì Trung An, ở ĐBSCL có nhiều doanh nghiệp không có đủ gạo chất lượng cao để xuất khẩu.

Doanh nghiệp giống, phân bón, kinh doanh lương thực giàu lên, nông dân vẫn nghèo, phải phân phối lợi nhuận hợp lý

Trong khi đó, chuyên gia Vũ Vinh Phú chỉ rõ một nghịch lý, trong khi người cung cấp vật tư nông nghiệp, giống phân bón thuốc từ sâu, công ty sản xuất kinh doanh lương thực giàu lên thì nông dân đời sống vẫn còn khó khăn.

Đây là một nghịch lý, một mâu thuẫn cần phải sớm nghiên cứu, có những chính sách hữu hiệu nhằm đem lại lợi ích chính đáng hợp lý cho người nông dân.

Để giải bài toán này, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, Nhà nước cần có những chính sách phát triển nông nghiệp, nhằm hỗ trợ cho sản xuất chăn nuôi từ đầu vào đến đầu ra.

Bà con nông dân từng bước được tập hợp lại vào các hợp tác xã để làm ăn có bài bản có thương hiệu, kịp thời nắm bắt thông tin thị trường. Có vị thế đàm phán khi mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi, đồng thời cũng có vị thế đàm phán để tiêu thụ sản phẩm làm ra trên thị trường thông qua các sàn giao dịch hàng hoá được thiết lập tại các chợ đầu mối, các vùng ở các địa phương.

Đầu tư cơ sở hạ tầng chính, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp và lưu thông hàng hoá phát triển, giảm tối đa các chi phí kể cả chi phí trung gian, chi phí chiết khấu quá cao ở khâu bán lẻ.

Tăng cường kiểm soát thị trường, bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính, xử lý nghiêm các vi phạm để đảm bảo phân phối lợi nhuận hợp lý  cho nông dân.

Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022 cho thấy, Việt Nam có diện tích lúa đứng thứ 5 và xuất khẩu gạo luôn đứng trong top 3 của thế giới. Gạo Việt Nam - chủ yếu từ ĐBSCL đã được xuất khẩu sang gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 15% thị phần gạo toàn cầu và đạt các điều kiện khẩu qua các thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU.

Hiện nay cả nước có 207 thương nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, 176 thương nhân có kho, nhà máy sản xuất tại khu vực ĐBSCL.

Trong số 13 địa phương vùng ĐBSCL thì Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang và Long An có khối lượng gạo xuất khẩu hàng năm nhiều nhất, chiếm khoảng 70% khối lượng gạo xuất khẩu của miền Tây Nam Bộ.

Còn nữa!

Huỳnh Xây