dd/mm/yyyy

Kết nối công - tư tăng lực khuyến nông, giúp nông dân trồng hồ tiêu sạch, trồng lúa thông minh

Nguồn lực từ khối hành chính công sẽ không bao giờ là đủ trên nhiều “chiến tuyến” của mặt trận nông nghiệp. Việc tăng cường hợp tác công, tư (PPP) càng trở nên cần thiết để phát huy sức mạnh tổng hợp của lĩnh vực khuyến nông.

Hiệu quả kết nối

Những năm gần đây, tình hình canh tác lúa của nông dân ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn do dịch hại trên đồng ruộng gia tăng, chi phí đầu tư ngày càng cao. Nhất là tác động của biến đổi khí hậu khiến khu vực ĐBSCL đối mặt với những thử thách lớn. 

Điển hình là đợt hạn hán và xâm nhập mặn kỷ lục năm 2016 đã gây thiệt hại trên 200.000ha diện tích cây trồng, trong đó cây lúa chịu tác động nặng nề nhất.

Nhiều chuyên gia phân tích, điểm mấu chốt là bà con chưa được trang bị kiến thức, phương tiện để ứng phó với các điều kiện thời tiết bất lợi. Khi gặp sự cố, nông dân bối rối và không tìm ra được giải pháp thích hợp. Nếu nắm bắt và vận dụng tốt các biện pháp kỹ thuật vào đồng ruộng thì thiệt hại do năm 2016 ở ĐBSCL đã không lớn đến như thế.

Kết nối công - tư tăng lực  khuyến nông - Ảnh 1.

Cán bộ khuyến nông phối hợp doanh nghiệp hỗ trợ sản xuất hồ tiêu sạch cho nông dân. Ảnh: N.V

Khâu nào cũng cần khuyến nông

"Công ty Bồ Đề đang triển khai các giải pháp công nghệ cao để tái xử lý nền đất, nguồn nước theo hướng bền vững. Chương trình này còn mới mẻ với nông dân. Chúng tôi cần ngành khuyến nông hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật. Khi đã giúp nông dân thoát nghèo rồi thì lại giúp họ thay đổi tư duy canh tác. Từ sản xuất, tiêu thụ, đưa sản phẩm sạch trực tiếp đến tay người dùng, khâu nào chúng tôi cũng cần lực lượng khuyến nông hỗ trợ".

Bà Nguyễn Thị Hằng – Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bồ Đề (Bạc Liêu)

Bắt đầu từ vụ lúa hè thu năm 2016, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã cùng Công ty CP phân bón Bình Điền phối hợp thực hiện chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Ông Phạm Anh Cường - Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển Công ty Bình Điền cho biết, kết quả vụ hè thu năm 2016, lợi nhuận ở 13/13 mô hình đều tăng cao hơn so với đối chứng sản xuất theo thói quen của nông dân. Bình quân toàn vùng, lợi nhuận đạt 16,7 triệu đồng/ha (đối chứng là 13,2 triệu đồng/ha).

Chương trình canh tác lúa thông minh giai đoạn 2021-2022 đang tiếp tục được triển khai gắn liền với mô hình giảm lượng giống gieo sạ và chương trình "1 phải 5 giảm" do Trung tâm Khuyến nông quốc gia chủ trì. 

Qua hơn 1/2 chặng đường của vụ lúa đông xuân, cây lúa ở tất cả 12 mô hình đều đang sinh trưởng rất tốt. Kết quả quan trọng là nông dân tham gia mô hình đã tự tin hơn, tiếp thu và ứng dụng tốt hơn các giải pháp kỹ thuật được chuyển giao. 

"Nhiều chi phí sản xuất không cần thiết được cắt giảm. Dự kiến năng suất và thu nhập vụ lúa đông xuân 2020-2021 sẽ tăng lên đáng kể" - ông Cường nói. 

Tại huyện Bù Đăng (Bình Phước), ông Nguyễn Văn Quân là người tham gia khá sớm mô hình trồng tiêu sạch do Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice triển khai. Trước đó, ông Quân đã có 33 năm kinh nghiệm trồng hồ tiêu.

Ông Quân kể, khi canh tác theo tiêu chuẩn mà công ty đưa ra, ngoài việc đảm bảo chất lượng hạt tiêu sạch thì môi trường đất canh tác cũng phải được cải thiện. Sản lượng thu hoạch của nông dân lại được công ty bao tiêu và trợ giá. Năng suất tiêu sạch không cao bằng tiêu trồng thường nhưng bù lại giá thu mua tiêu sạch từ công ty chênh lệch từ 6.000-7.000 đồng/kg so với tiêu thường.

Tăng cường kết nối công - tư

Kết nối công - tư tăng lực  khuyến nông - Ảnh 3.

Mô hình canh tác lúa thông minh do công ty Bình Điền triển khai từ năm 2017 tiếp tục duy trì cho đến nay. Ảnh: N.V

"Xã hội hóa hoạt động khuyến nông, nhất là đẩy mạnh hợp tác công, tư sẽ giúp tăng cường sức mạnh tổng hợp toàn hệ thống".

Ông Lê Quốc Thanh

Ông Lê Thanh Hùng - cán bộ phụ trách chính sách của Công ty Nedspice cho biết, từ năm 2010, công ty đã kết nối với ngành khuyến nông thực hiện PPP để chuyển giao kỹ thuật giúp nông dân đáp ứng yêu cầu sản xuất và xuất khẩu. Công ty này thiết kế mô hình hợp tác 3 bên gồm: Nedspice - Khuyến nông Bình Phước - các tổ chức phi lợi nhuận.

Theo đó, Nedspice sẽ kiểm soát các vấn đề thị trường, chuyển tải yêu cầu cho người dân. Lực lượng khuyến nông hỗ trợ tập hợp nông dân và hướng dẫn canh tác. Ngay trong khâu canh tác, Nedspice lại liên kết với tổ chức phi lợi nhuận đối chiếu các tài liệu kỹ thuật để hỗ trợ cho người sản xuất.

Ông Hùng cho rằng, thí điểm từ vài trăm rồi lên hàng ngàn nông dân, rõ ràng mô hình liên kết cần vai trò rất lớn của ngành khuyến nông. "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng như ở các địa phương vì quyền lợi không chỉ cho nông dân mà còn cho chính công ty" - ông Hùng nói.

Ông Lê Quốc Thanh -Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, ngành khuyến nông Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực nhưng cũng chỉ mới khai thác 50% sức mạnh toàn hệ thống. Lâu nay, không chỉ người trong ngành mà nhiều đơn vị khác cũng đang thực hiện công tác khuyến nông, từ doanh nghiệp đến các tổ chức quốc tế... Khuyến nông quốc gia cần phải có cơ chế tổ chức để tăng cường năng lực từ các thành phần. Mục tiêu cuối cùng là người sản xuất tiếp cận công nghệ, thị trường và các hoạt động khác một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.

Nguyên Vỹ