dd/mm/yyyy

Ngành Giáo dục Điện Biên - 60 năm ấy biết bao ân tình

Ngày 01/6/1963, Ty Giáo dục Lai Châu, nay là Sở GDĐT Điện Biên được thành lập. Những ngày đầu trong muôn vàn khó khăn thiếu thốn từ cơ sở vật chất đến đội ngũ cán bộ cán bộ quản lý, giáo viên. 60 năm đi qua, biết bao thế hệ học trò đã trưởng thành, làm rạng danh ngành Giáo dục Điện Biên

Vượt gian khó đem con chữ đến nơi "rừng thiêng nước độc" Điện Biên

Năm 1959, với chủ trương lên xây dựng vùng kinh tế mới còn nhiều khó khăn, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ. Đoàn cán bộ giáo viên đầu tiên đã bằng rừng, vượt núi để đến với Lai Châu (tiền thân là tỉnh Điện Biên – Lai Châu). Trước khi tỏa về các vùng miền núi khó khăn, các thầy cô giáo tình nguyện đã vinh dự được Bác Hồ đến thăm, nói chuyện tại lớp bồi dưỡng chính trị ngày 22/9/1959. Bác ân tình căn dặn: Công tác ở miền núi có nhiều khó khăn, các cô, các chú xung phong gánh lấy những khó khăn để làm công tác giáo dục ở miền núi, thế là tốt, là vẻ vang. Nhưng các cô chú cần xung phong đến nơi đến chốn. Cần có tinh thần bền bỉ, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ.

Thực hiện lời dạy của Bác, bước qua nỗi ám ảnh về một vùng "ma thiêng, nước độc", cùng khí thế hừng hực của tuổi trẻ. Đoàn giáo viên năm 1959 đã hành quân lên Tây Bắc xa xôi. Nay là các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, đem theo cái chữ vượt dốc, băng đèo, đem ánh sáng văn hóa thắp sáng bản mường, mở ra một trang sử mới trong sự nghiệp giáo dục Tây Bắc.

60 năm ấy biết bao ân tình - Ảnh 1.

Tổng kết công đoàn Văn phòng Ty Giáo dục, tháng 12/1964 tại Văn phòng ty ở Đồi Cao - Lai Châu.

Những ngày đầu, các thầy cô tự tay dựng trường. Thầy trò vừa học, vừa lao động để xây dựng lớp học, nơi ở. Các thầy cô lặn lội đến từng bản, có khi đi bộ cả mấy ngày trời, đối mặt với bao khó khăn. Các thầy cô thường xuyên đối mặt với mưa rừng, nước lũ, với muỗi, vắt, thú dữ rình rập. Dân cư thưa thớt, đời sống tự cấp, tự túc; bất đồng ngôn ngữ, chưa quen với phong tục tập quán của người dân…

Ngành Giáo dục Điện Biên (trước đây là Lai Châu) hình thành xây dựng và trưởng thành trong muôn vàn khó khăn thiếu thốn, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; người dân chưa nhận thức được nhu cầu học tập của bản thân và của con em mình. Ngày đó, 99% đồng bào các dân tộc Tây Bắc còn mù chữ, các hủ tục lạc hậu, tệ nạn tàn dư xã hội do chế độ cũ để lại rất nặng nề ảnh hưởng trực tiếp trước mắt và lâu dài trong công cuộc tái thiết và kiến tạo mới nền giáo dục của chế độ mới.

Trong một lần trở về thăm trường cũ, thầy giáo, Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bôn, người thầy đầu tiên vượt hàng trăm cây số đường rừng, đem con chữ đến với đồng bào Hà Nhì ở xã Mù Cả, huyện Mường Tè đã chia sẻ: Tôi lên làm giáo viên dạy cho học sinh. Nếu như bản Mù Cả thì có 8 đứa thì chỉ có biết dạy ngần ấy cháu thế thôi. Tuy nhiệm vụ dạy "bình dân học vụ" không phải nhiệm vụ của tôi, song tôi làm rất hiệu quả. Hồi ấy ông Chủ tịch xã còn chưa biết chữ đâu, đi vận động học chữ, thì ông Chủ tịch còn trốn lên rừng. Tôi nghĩ: Nếu mình chỉ dạy phổ thông không thôi cũng không thể hiệu quả được. Mình cần phải dạy bổ túc luôn.

Sáng dạy trẻ em, tối thanh niên đi làm nương về lại dạy thanh niên học. Thứ hai nữa là tôi lại nghĩ ngay đến chuyện: dưới huyện Mường Tè có trường bổ túc thanh niên. Một năm tôi dạy 3 lớp, mình đi vận động thanh niên mỗi bản phải cử một đứa về dưới huyện học. Thế là từ đó, đào tạo được mấy giáo viên bản địa sống sẵn ở đấy rồi. Ở xã thì cũng vận động mỗi bản một thanh niên nữa về ngay trung tâm xã mà học.

60 năm ấy biết bao ân tình - Ảnh 2.

Thầy giáo Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Điện Biên trao Giấy khen cho các học sinh giỏi đạt giải trong kỳ thi Quốc gia.

Cuối cùng thì khoảng một năm sau là đào tạo được một đội ngũ giáo viên và theo phương châm là người biết chữ dạy người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít. Cứ thế thực hiện, cuối cùng nó thành phong trào.

Ngày 01/06/1963, Ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên được thành lập. Cũng trong giai đoạn này trường Trung cấp Sư phạm cấp I của tỉnh được thành lập như tiếp thêm nguồn lực to lớn cho sự phát triển của ngành. Từ ngôi trường này biết bao thầy cô đã mang ánh sáng tri thức đến từng thôn bản xa xôi nhất của tỉnh.

Vượt khó đưa Giáo dục Điện Biên đi lên

Vượt qua nhiều khó khăn, ngành Giáo dục – Đào tạo Điện Biên đã có những bước trưởng thành vượt bậc. Từ chỗ nhà lớp tạm bợ, đến nay số lớp học được kiên cố hóa đạt trên 90%. Về chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng lên rõ rệt. Nếu trước đây đội ngũ giáo viên còn nhiều hạn chế về trình độ thì hiện nay để đáp ứng yêu cầu dạy và học, đội ngũ giáo viên đã đạt chuẩn và trên chuẩn. 100% giáo viên có trình độ đại học trở lên.

60 năm ấy biết bao ân tình - Ảnh 3.

Những lớp học tạp như thế này giờ đã được kiên cố hóa.

Mạng lưới trường, lớp các cấp học tăng nhanh, được phủ kín tới khắp các bản làng xa xôi nhất của tỉnh. Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 481 cơ sở giáo dục với 7.401 lớp và 206.923 học sinh, sinh viên. Quy mô học sinh ổn định ở các cấp học phổ thông và phát triển nhanh ở cấp học mầm non. Tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường các cấp học liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Trường chuyên, trường chất lượng cao, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú được phát triển và củng cố. Các trường phổ thông DTNT cấp huyện được đầu tư, cải tạo, mở rộng quy mô; hệ thống trường PTDTBT tiếp tục phát triển, tạo cơ hội cho con em các dân tộc đến trường, được học tập trong những môi trường giáo dục tốt nhất.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh; ngành GDĐT quản lý 15.616  công chức, viên chức và người lao động, trong đó có 116 công chức, 1.263 cán bộ quản lý, 11.960 giáo viên, 2.277 nhân viên, 8.287 đảng viên (chiếm 53,07%). Các tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan quản lý giáo dục, các đơn vị trường học đã phát huy vai trò hạt nhân chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo. Qua đó khẳng định được vị thế, vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học tiếp tục được đầu tư, nâng cấp và ngày càng khang trang, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Toàn ngành có có 7.119 phòng học, 1.395 phòng học chức năng, 3.109 phòng nội trú học sinh, 1.725 phòng công vụ. Các trường học được xây dựng ngày càng xanh- sạch- đẹp - an toàn - thân thiện. Ứng dụng CNTT trong trường học được đẩy mạnh, 100% trường học được kết nối internet.

60 năm ấy biết bao ân tình - Ảnh 4.

Lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo cùng lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh Điện Biên kiểm tra chất lượng giáo dục.

Xác định xây dựng trường chuẩn Quốc gia vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, trước năm 2004, toàn tỉnh có 20 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 5,2%) đến nay đã có 340/463 trường mầm non và phổ thông (chiếm 73,43%) được công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục; có 357/463 trường mầm non và phổ thông (chiếm 77,11%) đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Toàn tỉnh có 100% trẻ được học 2 buổi/ngày. 100% trẻ dân tộc thiểu số ra lớp được tăng cường tiếng Việt. 100% trường mầm non tổ chức khám sức khoẻ định kỳ, cân, đo và theo dõi sức khoẻ cho trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng theo quy định. Có 98,6% trẻ được ăn bán trú tại trường; tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và nhẹ cân trong trường học dưới 10%.

Đã hơn 60 năm kể từ mùa thu năm 1959 - hơn nửa thế kỷ đã trôi qua - 60 năm là chặng đường in dấu ấn của một giai đoạn lịch sử đầy biến động trong hành trình dựng xây, bảo vệ và phát triển. Chúng ta không bao giờ quên những người thầy trong Đoàn giáo viên năm 1959 - những người thầy đã bám bản, bám dân, vừa nỗ lực đưa chữ đến cho hàng vạn đồng bào dân tộc thiểu số, vừa là những người cán bộ tiên phong, giúp đồng bào giác ngộ chính trị, làm trọn nhiệm vụ vẻ vang của người thanh niên và người giáo viên yêu nước.

Chính các thầy đã tạo nên sức bật cho giáo dục miền núi trong suốt những năm tháng khởi đầu, để đến hôm nay, sự nghiệp giáo dục - đào tạo ở tỉnh đã không ngừng phát triển, đào tạo những công dân có tri thức, góp sức xây dựng tỉnh vững bước trên con đường đổi mới và hội nhập.

Vinh Duy