dd/mm/yyyy

Giải quyết việc làm cho nông dân, Mường Ảng có cách đi riêng

Giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở khu vực nông thôn chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia. Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được cấp ủy, chính quyền huyện Mường Ảng (Điện Biên) quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng.

Theo thống kê của UBND huyện Mường Ảng, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề trong tổng số lao động qua đào tạo tăng từ 35,5% năm 2015 lên 47% năm 2023. Trên 85% lao động sau khi tốt nghiệp nhận chứng chỉ nghề đều có việc làm.

Để có được kết quả trên, hàng năm, huyện Mường Ảng đều triển khai thực hiện khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn huyện. Việc điều tra được thực hiện từ các bản, tổ dân phố, tới từng hộ gia đình. Số lượng người lao động đăng ký tham gia học nghề tương đối đông, tập trung chủ yếu vào những nghề như kỹ thuật chăn nuôi phòng trị bệnh cho lợn, gà, gia cầm; kỹ thuật sản xuất rau an toàn.

Giải quyết việc làm cho nông dân, Mường Ảng có cách đi riêng - Ảnh 1.

Sau khi được đào tạo nghề, nông dân Mường Ảng đã tập trung phát triển kinh tế theo mô hình trang trại, gia trại. Ảnh Vinh Duy.

Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn với nhiều hình thức: Tuyên truyền tại các cuộc họp thôn, bản; đăng tin bài trên phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn, phát tờ rơi... nhằm nâng cao nhận thức của lao động nông thôn về học nghề và tạo việc làm. Các tổ chức đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên...) thường xuyên lồng ghép để tuyên truyền về chính sách đào tạo nghề, các tấm gương tiêu biểu về học nghề, tạo việc làm có hiệu quả cho các hội viên, đoàn viên. Qua tuyên truyền nhận thức của người dân về học nghề ngày một tích cực hơn, hiểu được lợi ích của việc học nghề.

Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất, nhiều hộ gia đình đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, thu nhập cao. Giai đoạn 2015 - 2022, huyện thực hiện đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng cho 1.873 lao động nông thôn. Cùng với các chính sách giáo dục và đào tạo khác đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện từ 35,5% năm 2015 lên 47% năm 2023. Trên 85% lao động sau khi tốt nghiệp nhận chứng chỉ nghề đều có việc làm (tự tạo việc làm thông qua phát triển kinh tế hộ gia đình, làm thuê thời vụ cho các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn....).

Giải quyết việc làm cho nông dân, Mường Ảng có cách đi riêng - Ảnh 2.

Không chỉ phát triển chăn nuôi, các mô hình trồng rau an toàn cũng được nông dân mở rộng, cho thu nhập cao. Ảnh Vinh Duy

Anh Quàng Văn Chính, bản Lịch Nưa, xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng) chia sẻ: Năm 2021 được UBND xã tạo điều kiện cho tham gia học nghề kỹ thuật chăn nuôi phòng trị bệnh cho lợn. Từ kiến thức được học tôi đã ứng dụng vào phát triển kinh tế gia đình. Tận dụng những phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi; thực hiện tiêm phòng dịch (tai xanh, dịch tả cổ điển...) định kỳ đầy đủ nên đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Hiện tại gia đình đang nuôi 3 con lợn nái, trên 20 con lợn thương phẩm chỉ 20 ngày nữa là xuất bán. Hi vọng với giá lợn hơi từ 68 - 70 nghìn đồng/kg như hiện nay sẽ mang về nguồn thu đáng kể cho gia đình.

Ông Đinh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn (nghề nông nghiệp), các lao động sau khi học nghề đều tự tạo việc làm thông qua phát triển kinh tế hộ gia đình. Một số ít lao động học các nghề trồng chăm sóc cây cà phê được các doanh nghiệp, hộ gia đình thuê làm việc theo mùa vụ với mức lương trung bình từ 100.000 - 120.000 đồng/ngày làm việc. Trung bình hàng năm trên địa bàn huyện có gần 1.000 lao động được tạo việc làm mới, và có việc làm ổn định, thu nhập cao.

Vinh Duy