Mường Ảng xây dựng lộ trình thoát nghèo cho hộ nghèo
Với tiềm lực kinh tế khó khăn, vì thế để hỗ trợ cho các hộ nghèo có vốn, kiến thức để sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Chia sẻ vấn đề này với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Mường Ảng chia sẻ: "Là người đứng đầu mà để dân mình "đói nghèo trong tiềm năng no đủ" là mình có lỗi với Đảng với dân. Vì thế, tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp nhiều lần để có nghị quyết chuyên đề về xóa đói giảm nghèo cho nông dân".
Huyện đã chia thành từng vùng sản xuất; đánh giá thế mạnh của từng xã để có hướng giúp người dân phát triển kinh tế. Đối với các xã vùng cao có thế mạnh về chăn nuôi đại gia súc và phát triển kinh tế rừng. Các xã vùng thấp thì tập trung làm nông nghiệp, thương mại dịch vụ với phát triển cây cà phê…
Để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt của cấp ủy trong triển khai và đảm bảo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong toàn huyện. Ngay khi thực hiện chương trình (năm 2021), UBND huyện Mường Ảng đã kịp thời tham mưu Huyện ủy ban hành hai văn bản và trực tiếp ban hành 23 văn bản triển khai thực hiện, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. UBND huyện đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện. Đồng thời giao các cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo huyện chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc 10 xã, thị trấn kiện toàn Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu cấp xã, ban phát triển thôn.
Trong suốt quá trình thực hiện chương trình, theo sự phân công cụ thể, từng đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo huyện luôn sát sao với địa bàn được phân công, hướng dẫn triển khai các nội dung công việc bám sát tiến độ chung toàn huyện. Đồng chí Tô Trọng Thiện, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: "UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý tổ chức thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh huyện, xã; trong các hội nghị, hội thảo cấp huyện, xã và các buổi sinh hoạt tại bản, tổ dân phố... nội dung các văn bản liên quan đến chương trình, từ đó tạo sự đồng thuận, chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của nhân dân để triển khai".
Để giảm nghèo cho nông dân Mường Ảng không chỉ là khẩu hiệu
Mường Ảng có tiềm năng phát triển kinh tế về nông nghiệp, cây công nghiệp. Cây cà phê của Mường Ảng được xem là loại cà phê ngon nhất Việt Nam. Chính vì thế để quảng bá thương hiệu cho cà phê Mường Ảng, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Đạt và lãnh đạo huyện đã mạnh dạn mang "vật báu thiên nhiên" đến quảng bá bên hành lang kỳ họp thứ V Quốc hội khóa XV vào tháng 7 vừa qua.
Không chỉ quảng bá thương hiệu sản phẩm cho nông dân. Lãnh đạo huyện Mường Ảng còn tổ chức các lớp dạt nghề, hướng dẫn người nghèo làm kinh tế. Các lớp đào tạo nghề đã đem lại cho nông dân kiến thức để trồng trọt, chăn nuôi theo hướng mới cho năng suất cao, tăng thu nhập.
Xác định đội ngũ cán bộ, công chức xã và cấp bản là lực lượng nòng cốt để thông tin, tuyên truyền về chương trình, Ban Chỉ đạo huyện đã giao Phòng Lao động, thương binh xã hội huyện bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng triển khai chương trình cho 316 lượt cán bộ, công chức cấp xã và cấp bản. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện tổ chức 4 khóa (gồm 13 lớp) đào tạo nghề cho gần 300 nông dân các xã, thị trấn trong toàn huyện. Đồng chí Hoàng Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Mường Ảng, cho biết: Bám sát chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện về triển khai nội dung chương trình, từ năm 2022 đến nay, Trung tâm đào tạo các khóa dạy nghề, gồm: phòng, trị bệnh cho lợn; sản xuất rau an toàn cho cho nông dân. Qua các khóa học, giúp học viên có thêm kiến thức chăn nuôi, trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.
Cùng với chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, Ban Chỉ đạo huyện đã xây dựng kế hoạch giám sát, đánh giá triển khai chương trình tại cơ sở. Năm 2023, huyện đã ban hành kế hoạch giám sát định kì, đột xuất, đến 30/9/2023, đã thực hiện 3 cuộc giám sát định kì. Qua giám sát định kì, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh vai trò kiểm tra, giám sát Chương trình tại địa phương đảm bảo các dự án, hoạt động của chương trình được thực hiện hiệu quả.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của Ban chỉ đạo huyện Mường Ảng cùng sự vào cuộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, đến cuối tháng 9/2023 các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại huyện Mường Ảng được thực hiện đồng bộ; tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư, vốn sự nghiệp thuộc chương trình của huyện Mường Ảng đều đạt tiến độ chung trong toàn tỉnh. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư thuộc chương trình đến ngày 30/9 được gần 38 tỷ đồng; vốn sự nghiệp đã giải ngân trên 7,6 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn chương trình đã góp phần tạo chuyển biến trong giảm nghèo tại huyện Mường Ảng từ 38,06% (năm 2021) xuống còn 30,45% (năm 2022); đời sống nhân dân các dân tộc được nâng lên rõ rệt.