Giá lợn hơi hôm nay 7/9/2023, tiếp tục leo dốc
Giá lợn hơi hôm nay tiếp tục leo dốc. Thị trường tuy tăng ở một số ít tỉnh nhưng mức giá đảo chiều lên dốc khiến người chăn nuôi hứng khởi hơn, mức giá đỉnh đầu số 6 xuất hiện nhiều hơn ở phía Bắc tại các tỉnh: Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nội, Thái Bình. Chuẩn bị cho lứa lợn xuất dịp Tết, mức giá "lợn xách tai" tăng nhẹ và dự sẽ tiếp tục tăng vì nhu cầu tái đàn cao.
Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay điều chỉnh tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg tại một vài địa phương và dao động trong khoảng 58.000 - 60.000 đồng/kg. Theo đó, giá lợn hơi tại Bắc Giang, Lào Cai, Vĩnh Phúc cùng tăng 1.000 đồng, lên 59.000 đồng/kg. Mức giá 60.000 đồng/kg cũng đã quay trở lại ở các tỉnh: Phú Thọ, Thái Nguyên, Thái Bình. Các địa phương khác trong khu vực không ghi nhận sự biến động mới về giá và dao động trong khoảng 58.000 - 59.000 đồng/kg.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay trái chiều, dao động trong khoảng 55.000 - 58.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg, giá lợn hơii tại tỉnh Bình Thuận lên mức 57.000 đồng/kg. Ở chiều ngược lại, sau khi giảm 2.000 đồng/kg, lợn hơi tại tỉnh Bình Định được thu mua với giá 55.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá thấp nhất cả nước. Các địa phương còn lại không ghi nhận biến động mới và dao động quanh mức 56.000 - 58.000 đồng/kg.
Phía Nam, giá lợn hơi hôm nay cũng tăng từ 1.000 - 2000 đồng/kg và dao động quanh mức 56.000 - 59.000 đồng/kg. Theo đó, sau khi tăng 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Vĩnh Long ghi nhận ở mức 57.000 đồng/kg. Cùng tăng 1.000 đồng, lợn hơi tại Cà Mau đang ghi nhận mức cao nhất khu vực là 59.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Trà Vinh cũng điều chỉnh tăng 2.000 đồng/kg, đứng ở mức 58.000 đồng/kg. Các địa phương khác trong khu vực không ghi nhận sự biến động mới về giá.
Ngày 7/9, giá lợn của Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam đứng ở mức 60.500 đồng/kg (khu vực miền Bắc); 57.000 đồng/kg (khu vực miền Trung, miền Đông, miền Tây). Giá lợn Trung Quốc hôm nay đứng ở mức 54.200 đồng/kg, giảm nhẹ so với hôm qua.
Tại Trung Quốc, ngành chăn nuôi lợn của nước này vẫn đang đối phó với tình trạng dư thừa công suất, mặc dù giá lợn hơi đã bắt đầu tăng trở lại từ cuối tháng 7/2023 do các trận lũ lụt trong khu vực dẫn đến sự sụt giảm hàng tồn kho, chính sách của chính phủ về dự trữ thịt lợn và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở lợn.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo, sản lượng lợn của Trung Quốc vẫn cao hơn so với lượng giết mổ dự kiến trước đây vì các nhà sản xuất tìm cách giảm đàn và duy trì dòng tiền. USDA cho rằng, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc sẽ tăng mạnh, điều này khiến cả lượng sản xuất và nhập khẩu thịt lợn của nước này có thể tăng trong năm 2023. Cụ thể trong năm 2023, Trung Quốc dự kiến sản lượng thịt lợn đạt khoảng 55,5 triệu tấn, tăng 0,2% so với năm 2022. Khối lượng nhập khẩu dự kiến tăng 3,5%, đạt 2,2 triệu tấn trong năm 2023.
Trong nước, tháng 8/2023, giá lợn hơi trên cả nước có xu hướng giảm, xuống dưới mốc 60.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 58.000- 59.000 đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng/ kg so với cuối tháng trước. Giá lợn hơi miền Trung, Tây Nguyên hiện dao động trong khoảng 57.000-58.000 đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng/kg. Giá lợn hơi miền Nam hiện dao động trong khoảng 56.000 58.000 đồng/kg, giảm từ 1.000-2.000 đồng/ kg.
Giá lợn giảm là do bước vào tháng 7 âm lịch là mùa ăn chay, theo quy luật của thị trường, đây là thời điểm tiêu thụ thịt lợn thấp nhất trong năm. Cùng với đó, tiêu thụ của các trường học đang ở mức thấp do bước vào giai đoạn nghỉ hè. Tuy nhiên, đây là mức giá vẫn cao hơn nhiều so với những tháng trước đó.
Năm 2023, nguồn cung lợn sẽ không có biến động lớn vì nhiều hộ chăn nuôi khó tái đàn ngay lập tức với quy mô lớn sau khi đã chịu lỗ trong hai năm liên tiếp. Bên cạnh đó, lạm phát duy trì ở mức thấp, mức lương cơ bản gia tăng có thể là yếu tố hỗ trợ cho tiêu thụ cuối năm dù giá thực phẩm đã tăng nhẹ. Ngoài ra, việc giá thức ăn chăn nuôi đang hạ nhiệt cũng là một yếu tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Một yếu tố hỗ trợ khác là làn sóng dịch bệnh mới cùng với lũ lụt tại Trung Quốc có thể làm giảm nguồn cung, đẩy giá thịt lợn ở nước này tăng trở lại, điều này có thể ảnh hưởng một phần đến thị trường lợn của Việt Nam.
Một điểm đáng chú ý là xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam đã tăng trở lại trong tháng 7/2023. Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2023, xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt đạt 1,87 nghìn tấn, trị giá 8,04 triệu USD, tăng 21% về lượng và tăng 12,3% về trị giá so với tháng 7/2022. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 12,24 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 57,51 triệu USD, tăng 20,7% về lượng và tăng 37,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Bỉ, Campuchia, Trung Quốc, Lào, Malaysia, Pa-pu-a Niu Ghi-nê, Pháp... Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chiếm 41,16% về lượng và chiếm 57,65% về trị giá trong tổng xuất khẩu thịt và sản phầm thịt của cả nước, với 771 tấn, trị giá 4,63 triệu USD, tăng 10,9% về lượng và tăng 41% về trị giá so với tháng 7/2022.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông 5,39 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 33,81 triệu USD, tăng 30,4% về lượng và tăng 61% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chủ yếu là thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh, thịt lợn nguyên con đông lạnh...
Trong 7 tháng đầu năm 2023, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm…
Trong đó, thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là lợn sữa và thịt lợn nguyên con đông lạnh) được xuất khẩu nhiều nhất với 6,03 nghìn tấn, trị giá 35,42 triệu USD, giảm 2,4% về lượng, nhưng tăng 30,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường như: Hồng Kông, Lào và Malaysia…
Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tiếp tục tăng mạnh, đạt 3,17 nghìn tấn, trị giá 8,28 triệu USD, tăng 335,7% về lượng và tăng 439,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như: Trung Quốc, Pa-pu-a Niu Ghi-nê, Malaysia, Hàn Quốc, Hồng Kông...
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay, tình hình chăn nuôi của các doanh nghiệp, trang trại vẫn khá ổn định. Hiện tổng đàn lợn của cả nước là 28,6 – 28,7 triệu con. Với tỉ lệ đàn lợn hiện có, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn của thị trường trong nước từ nay đến cuối năm, kể cả dịp Tết Nguyên đán.