Lợi nhuận 'ông lớn' nông nghiệp BaF Việt Nam lao dốc sau kiểm toán, mong giá lợn hồi phục cuối năm

Nguyễn Phương Chủ nhật, ngày 03/09/2023 12:28 PM (GMT+7)
Lợi nhuận bán niên năm 2023 của Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam lao dốc, giảm 20,4% tương ứng giảm 3,28 tỷ đồng về chỉ còn 12,79 tỷ đồng, sau kiểm toán bán niên 2023 (đã soát xét). "Ông lớn" chăn nuôi này đang kỳ vọng giá lợn phục hồi cuối năm để cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp...
Bình luận 0

Lợi nhuận BaF Việt Nam "lao dốc" sau kiểm toán bán niên năm 2023

Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam vừa công bố thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính bán niên năm 2023 của Công ty BaF Việt Nam. Trong đó, đáng lưu ý, sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của Công ty BaF Việt Nam đã giảm 20,4% so với trước kiểm toán, tương ứng giảm 3,28 tỷ đồng, về chỉ còn 12,79 tỷ đồng.

Lợi nhuận 'ông lớn' nông nghiệp BaF Việt Nam lao dốc sau kiểm toán, mong giá lợn hồi phục cuối năm - Ảnh 1.

Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 12,79 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận 'ông lớn' nông nghiệp BaF Việt Nam lao dốc sau kiểm toán, mong giá lợn hồi phục cuối năm - Ảnh 2.

Lý giải lợi nhuận giảm tới 20,4% sau kiểm toán, Công ty BaF Việt Nam cho biết do tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính cho 6 tháng đầu năm 2023.

Lý giải lợi nhuận giảm tới 20,4% sau kiểm toán, Công ty BaF Việt Nam cho biết do tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính cho 6 tháng đầu năm 2023.

Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm 2023, Công ty BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 2.406,43 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 12,79 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 26,8% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 57,01 tỷ đồng, về 155,49 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 756,9%, tương ứng tăng thêm 20,74 tỷ đồng, lên 23,48 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 11,99 lần, tương ứng tăng thêm 60,09 tỷ đồng, lên 65,1 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 37,3%, tương ứng tăng thêm 24,14 tỷ đồng, lên 88,86 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Lợi nhuận 'ông lớn' nông nghiệp BaF Việt Nam lao dốc sau kiểm toán, mong giá lợn hồi phục cuối năm - Ảnh 3.

Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm 2023, Công ty BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 2.406,43 tỷ đồng.

Trong năm 2023, BaF Việt Nam đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 7.525,91 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 301,43 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, BaF Việt Nam mới hoàn thành 4,2% so với kế hoạch lợi nhuận năm và còn cách xa kế hoạch lãi 301,43 tỷ đồng.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, Công ty BaF Việt Nam đã đẩy mạnh vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh, dù kinh doanh lao dốc. Dòng tiền kinh doanh chính và dòng tiền đầu tư của Công ty BaF Việt Nam đều ghi nhận âm (là 375,5 tỷ đồng và 492,1 tỷ đồng) còn dòng tiền tài chính dương (là 816,9 tỷ đồng), chủ yếu do tăng vay nợ. 

Tại thời điểm 30/6/2023, tổng nợ vay ngắn hạn, dài hạn và trái phiếu chuyển đổi của Công ty BaF Việt Nam đã tăng lên 1.593,95 tỷ đồng và bằng 83,3% vốn chủ sở hữu (đầu năm chỉ bằng 54,9% vốn chủ sở hữu).

Kỳ vọng giá lợn phục hồi cuối năm để cải thiện biên lợi nhuận

Diễn biến thực tế hiện nay cho thấy, thị trường lợn hơi đã bắt đầu tăng giá nhẹ trở lại ở một vài địa phương do nhu cầu tiêu thụ tăng cục bộ. 

Tại miền Bắc, ngày 2/9, giá lợn hơi đã tăng 1.000 đồng ở Yên Bái, Nam Định và Ninh Bình, lên mức 58.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại giá lợn hơi tiếp tục duy trì trong khoảng từ 57.000 - 58.000 đồng.

Tại miền Trung và Tây nguyên, ghi nhận giá tăng 1.000 đồng ở Đắk Lắk, Khánh Hòa và Bình Thuận lên mức 56.000 - 57.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá lợn hơi phổ biến của khu vực này, đặc biệt Đắk Lắk thoát khỏi vị trí cuối bảng.

Khu vực miền Nam, giá lợn hơi tăng 1.000 đồng tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre và Trà Vinh, lên mức 57.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại dao động từ 56.000 - 58.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi bình quân cả nước đến ngày 2/9 là 57.000 đồng/kg. Nhiều người chăn nuôi hy vọng giá sẽ không tiếp tục giảm quá sâu; khi mùa Vu Lan kết thúc cũng là thời điểm mùa tiêu thụ cuối năm mở ra, hy vọng giá có thể tăng trở lại. 

Một trong những yếu tố tích cực có thể kể đến là gần đây thức ăn chăn nuôi giảm nhẹ, giúp doanh nghiệp, người chăn nuôi giảm chi phí. Thị trường Trung Quốc hiện có giá lợn là 56.400 đồng/kg, ngang với giá lợn hơi của Việt Nam.

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 8/2023, dịch tả lợn châu Phi có xu hướng quay trở lại tại một số địa phương khiến tình hình chăn nuôi trở nên khó khăn, tác động còn đến từ giá bán lợn hơi giảm. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 8/2023 chỉ tăng khoảng 3,3% so với cùng thời điểm năm 2022.

Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá lợn thịt hơi bình quân trong tháng 1/2023 dao động 51.000 - 53.000 đồng/kg. Từ đầu tháng 2/2023, giá lợn hơi theo đà giảm và giảm sâu nhất trong nửa cuối tháng 3, cục bộ một số nơi có thời điểm giá đã xuống mức 45.000 - 46.000 đồng/kg. Với mức giá này, cả người chăn nuôi và doanh nghiệp đều thua lỗ khoảng 4.000 - 6.000 đồng/kg. Giá lợn hơi bắt đầu tăng từ đầu tháng 4 và tính đến cuối tháng 7, trung bình khoảng 60.000 - 63.000 đồng/kg. Từ tháng 8 đến nay, giá lợn hơi quanh trong khoảng 56.000-58.000 đồng/kg.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành chăn nuôi, giá lợn hơi trong nước có thể phục hồi trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Trọng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định: Giá lợn hơi chững lại ở thời điểm tháng 7 âm lịch (rơi vào giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 dương lịch). Nhưng có thể, giá lợn sẽ hồi phục lại khi nhu cầu được kéo lại một chút bởi các trường học nhập học năm mới, nhu cầu của bếp ăn tập thể có phần tăng lên.

Về nguồn cung, chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ có giảm, tuy nhiên, với 16 doanh nghiệp chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp thì đàn lợn vẫn đang được duy trì tốt.

Theo các chuyên gia, đối với các doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi, giá thành nuôi lợn khoảng 52.000 – 55.000 đồng/kg, do vậy từ nay đến cuối năm nếu giá lợn đi lên như dự báo các doanh nghiệp chăn nuôi sẽ là đối tượng hưởng lợi nhiều hơn.

Mới đây, Vietcombank Securities (VCBS) nhận định lượng thịt lợn ra thị trường nội địa sẽ sụt giảm mạnh trong nửa cuối năm nay do giá thịt lợn giảm cùng với giá thức ăn chăn nuôi neo ở mức cao trong nửa đầu năm đã khiến các hộ chăn nuôi e ngại tái đàn. Các hộ chăn nuôi hiện chiếm 38% sản lượng thịt lợn tại Việt Nam.

VCBS nhận định giá thịt lợn-do đó, sẽ tăng trở lại vào khoảng cuối tháng 9 và tháng 10/2023 khi nguồn cung đang sụt giảm và sức mua tăng trở lại.

Trở lại với BaF Việt Nam, Chủ tịch BaF Trương Sỹ Bá từng dự báo trong những tháng cuối năm 2023, giá lợn sẽ hồi phục trở lại quanh mức 65.000 đồng/kg sau đó đi ngang. Nếu tình hình tái đàn khả quan, sớm có thể quý IV/2023 hoặc quý I/2024 giá lợn sẽ đảo chiều, song vẫn ở quanh mức 60.000 đồng/kg.

Báo cáo ngành chăn nuôi của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng cho biết Nông nghiệp BaF đang nỗ lực mở rộng quy mô trang trại nuôi lợn để chuẩn bị chuyển dịch kinh doanh từ thương mại các mặt hàng nông sản sang mảng chăn nuôi chuỗi khép kín 3F (Feed – Farm – Food).

Trong năm 2023, BaF sẽ xây dựng thêm 19 trang trại mới với quy mô tối đa 5.000 lợn nái và 60.000 lợn thịt cho mỗi trang trại. Cho tới hết quý I đã có 10 trang trại được khởi công xây dựng.

Ngoài ra, BaF cũng xây dựng thêm các nhà máy cám để đảm bảo tự chủ nguồn thức ăn chăn nuôi. Hiện, BaF đang sở hữu ba nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất lên tới 440.000 tấn/năm, tự chủ 100% nguồn thức ăn đầu vào cho trang trại.

VCBS nhận định việc mở rộng quy mô dự báo sẽ giúp BaF nâng sản lượng thức ăn chăn nuôi năm 2023 lên 392%, sản lượng con giống lên 104%. Doanh thu mảng chăn nuôi dự kiến sẽ đem về cho BaF 4.617 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 236% so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận thuần tương ứng khoảng 358 tỷ đồng.

Bộ phận phân tích cũng dự phóng biên lợi nhuận mảng 3F của BaF Việt Nam sẽ duy trì trong khoảng 8 – 10% giai đoạn 2023 – 2029.

Về phần mình BaF cho hay, trong giai đoạn 2020 đến nay, BAF kiên định trong việc áp dụng mô hình chuỗi chăn nuôi khép theo mô hình 3F (FEED-FARM-FOOD) và đã ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng về quy mô.

Về FEED, Công ty đã đưa vào vận hành 3 nhà máy TACN đạt tiêu chuẩn FSSC22000 và GLOBAL GAP. 3 nhà máy TACN có tổng công suất lên đến 460.000 tấn/năm, cho ra các sản phẩm Cám Chay – 100% nguồn gốc từ thực vật, không chất tạo nạc.

Mảng FARM, nâng số lượng trang trại hiện đại tăng gấp 3 lần lên 23 trang trại tập trung tại Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Đắk Lăk, Phú Yên, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa, Bình Dương, Tây Ninh…

Mảng FOOD, phát triển chuỗi phân phối tăng lên 60 Sibafoods và hơn 400 MeatShop trải dài khắp cả nước.

Sau 1 thời gian mở rộng quy mô, công ty đã tiến hành rà soát và điều chỉnh hoạt động kinh doanh hướng đến phát triển bền vững cho giai đoạn tiếp theo. BAF tiến hành đầu tư xử lý phân lợn và xác lợn thành phân bón hữu cơ vi sinh, phục vụ cho sản xuất lúa gạo và cây công nghiệp khác. 

Hiện tại tổng đàn của BAF đạt hơn 230.000 con tương ứng lượng lợn thương phẩm khoảng 570.000 con dự kiến sẽ tung ra thị trường từ quý III/2023 trở đi. Ông Trương Sỹ Bá – chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, dự kiến tổng đàn nái đạt 84.000 con cho ra lợn thịt thương phẩm 890.000 con vào cuối 2024. Đến năm 2025, dự kiến tổng lợn thịt thương phẩm bán ra 2.100.000 con, tiến tới mục tiêu tổng đàn nái 200.000 con và 6.000.000 con lợn thịt thương phẩm ra thị trường vào năm 2030.

Trong tháng 8, Việt Nam xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ của động vật đạt 93 triệu USD, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2022. Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt ước đạt 887 triệu USD, giảm 3,3%.

Sau khi thành công trong việc phát hành trái phiếu lên đến 900 tỷ đồng cho Tổ chức Tài chính Quốc Tế (IFC), Công ty Cổ phần Nông Nghiệp BAF đã tiếp tục huy động 500 tỷ từ nhóm các Ngân hàng Hàn Quốc và Đài Loan.

BAF đã chính thức ký kết nhận khoản vay hợp vốn lên đến 500 tỷ đồng với nhóm 3 định chế tài chính lớn bao gồm Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Việt Nam), Ngân hàng Daegu, Ngân hàng First Commercial Bank. Trong đó Shinhan Việt Nam đóng vai trò Lead Bank (Ngân hàng đầu mối thu xếp và quản lý chính khoản vay hợp vốn).

Mục đích huy động 500 tỷ đồng lần này phục vụ việc xây dựng Cụm rang trại chăn nuôi lợn hiện đại theo mô hình 3F (FEED-FARM-FOOD) Giai Xuân tại tỉnh Nghệ An. Cụm trại Giai Xuân có diện tích khoảng 52 ha, công suất 5.000 lợn nái và 60.000 lợn thịt. 

Được biết, khoản vay có thời hạn 7 năm với 2 năm ân hạn gốc. Tài sản đảm bảo là Cụm trại Giai Xuân – tài sản hình thành trong tương lai. Lãi suất thả nỗi vào khoảng dưới 9%/năm, đây được xem là mức lãi suất dài hạn khá tốt trong bối cảnh mặt bằng chung lãi suất vẫn duy trì ở mức cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem