Đồng hành cùng nhà nông
Những năm qua, chi nhánh Agribank Phù Yên luôn tạo điều kiện vay vốn tốt nhất đến các hộ nông dân ở huyện Phù Yên. Nhờ vậy, từ cuộc sống khó khăn trước đây, nhiều hộ nông dân tại các xã, bản vùng khó khăn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi, trồng trọt bài bản theo hướng hàng hóa, cho thu nhập từ hàng trăm đến cả tỷ đồng mỗi năm.
Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt/Điện tử Trang Trại Việt, ông Trần Văn Khánh – Giám đốc Agribank Phù Yên, cho biết: "Là ngân hàng luôn đồng hành cùng nhà nông, trong những năm qua, Agribank Phù Yên luôn chú trọng đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục cho vay để làm sao đến tay những người nông dân có nhu cầu về vốn một cách nhanh nhất. Đến cuối tháng 3/2020, Agribank Phù Yên đã giải ngân cho 4.800 hộ dân với tổng dư nợ 1.155 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thực hiện thỏa thuận liên ngành giữa Hội Nông dân, Hội LHPN, hiện nay, số vốn Agribank Phù Yên cho vay thông qua Hội LHPN huyện là 21 tỷ đồng với 19 tổ và 207 hộ; thông qua Hội Nông dân huyện là 14 tỷ đồng cho 10 tổ với 180 hộ vay; còn lại cho vay 113 tổ với 3.323 hộ dân, tổng dư nợ là 347 tỷ đồng.
"Nhờ đồng vốn Agribank tiếp sức, đặc biệt từ khi có Nghị định 55 hỗ trợ cho "tam nông", người nông dân đã tiếp cận được vốn kịp thời trong việc đầu tư phục vụ sản xuất, kinh doanh. Qua đó, ở các vùng nông thôn đã xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn, cho thu nhập cao, chất lượng cuộc sống của người nông dân và diện mạo ở nông thôn đã khởi sắc lên rất nhiều" – ông Trần Văn Khánh đánh giá.
Thành triệu phú nhờ vay vốn Agribank nuôi bò
Theo chân anh Lường Văn Dương – cán bộ tín dụng Agribank Phù Yên đến thăm trang trại chăn nuôi bò của anh Lê Văn Úng (dân tộc Thái) ở bản Khoa, xã Tường Thượng, huyện Phù Yên, chúng tôi càng thấy rõ hơn hiệu quả của đồng vốn Agribank.
Dẫn chúng tôi thăm quan 6 chuồng trại nuôi bò, tổng diện tích rộng khoảng 5.000m2, anh Lê Văn Úng, kể: "Gia đình làm nghề buôn bán bò từ rất lâu rồi. Nhưng do không có vốn nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư con giống và xây dựng chuồng trại nuôi bò. Đầu năm 2018, cùng với số vốn tự có, gia đình tôi vay 500 triệu đồng từ Agribank để đầu tư thêm giống và làm chuồng trại".
Hiện nay, gia đình anh Úng đang nuôi trên 100 con bò vỗ béo theo phương thức nhốt chuồng. Nhờ đúc kết được kinh nghiệm nuôi bò từ nhiều năm trước, đàn bò được anh Úng tiêm phòng đầy đủ, chăm sóc khoa học nên phát triển rất tốt. Trung bình, sau 5 tháng nuôi, anh Úng xuất chuồng một lần.
Anh Úng cho biết: "Mỗi năm từ bán bò theo phương thức vỗ béo, tôi thu khoảng 800 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí mua giống, nhân công, thuốc thang tôi lãi khoảng 300 – 500 triệu đồng mỗi năm".
Bên cạnh đó, trang trại nuôi bò nhốt chuồng của anh Úng còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương có hoàn cảnh khó khăn với mức thu nhập 70 triệu đồng/người/năm.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Lường Văn Dương – cán bộ tín dụng Agribank Phù Yên, bảo: "Gia đình anh Úng là một trong những khách hàng uy tín của Agribank Phù Yên. Để có vốn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi bò, anh Úng đã vay vốn của Agribank Phù Yên từ nhiều năm trước. Nhờ chăm chỉ làm ăn, trả tiền lãi và gốc đúng hạn, năm 2018, Agribank Phù Yên tiếp tục tạo điều kiện cho gia đình anh Úng vay thêm 500 triệu đồng mở rộng quy mô".
Nhờ được đồng vốn Agribank Phù Yên tiếp sức trong nhiều năm qua, gia đình chị Lò Thị Tinh ở bản Khoa, xã Tường Thượng cũng thu lãi hàng trăm triệu mỗi năm từ nuôi trâu, bò nhốt chuồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh việc cho vay phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn, hàng năm, Agribank Phù Yên còn dành 30 triệu đồng để xóa nhà tạm cho các hộ dân là hộ có công với cách mạng, hộ nghèo và cận nghèo tại các xã.
Nhờ triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đến tay người nông dân, đặc biệt là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, Agribank Phù Yên đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh phát triển KT-XH, góp phần tích cực trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.