dd/mm/yyyy

Nguồn động lực để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên

Những năm qua, tỉnh Sơn La đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xã hội, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo...

Clip: Nguồn động lực để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập ổn định

Với gia đình bà Lò Thị Phóng, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, là hộ nghèo của xã. Nhờ được hỗ trợ từ nguồn vốn Qúy Hỗ trợ Nông dân, gia đình bà đã đầu tư mô hình trồng cỏ nuôi bò. Đến nay mô hình nuôi bò của gia đình bà phát triển đều, cho thu nhập ổn định. Không chỉ được hỗ trợ về vốn, gia đình bà con được tham gia lớp tập huấn chăn nuôi gia sức do Hội Nông dân huyện tổ chức. Từ những kiến thức đã học được, bà Phóng đã biết cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, đói, rét cho đàn bò của gia đình.

Được hỗ trợ của Hội Nông dân, gia đình tôi đã xây dựng chuồng trại và mua bò giống về nuôi. Đến nay, gia đình tôi duy trì đàn bò sinh sản từ 8-10 con bò mẹ sinh sản. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò, gia đình tôi đã chuyển một phần đất nương kém hiệu quả sang trồng cỏ voi, cây chuối… để có nguồn thức ăn cho đàn bò. Từ đàn bò mẹ sinh sản, hàng năm gia đình tôi bán 3-4 con bê con. Số tiền bán bê con, một phần gia đình để chi trả sống gia đình hàng ngày, phần còn lại lo cho con cái ăn học.

Nguồn động lực để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên  - Ảnh 2.

Nhờ Qúy hỗ trợ Nông dân, gia đình bà Lò Thị Phóng, bản Cò Nòi, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã có vốn mở rộng chăn nuôi. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Biên, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: Huyện Mai Sơn có 22 xã, thị trấn; trong đó có 10 xã khu vực III, 1 xã thuộc khu vực II, 10 xã thuộc khu vực I, với 123 bản đặc biệt khó khăn. Ngoài nguồn vốn từ Qúy hỗ trợ nông dân, để các chính sách dân tộc được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã rà soát, đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện từng địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển mọi mặt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Huyện được đầu tư trên 18 tỷ đồng từ Chương trình 135 để hỗ trợ xây dựng mới 16 công trình giao thông, thủy lợi, điện, nhà văn hóa, giáo dục, nước sinh hoạt; sửa chữa 15 công trình giao thông và nước sinh hoạt.

Nguồn động lực để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên  - Ảnh 3.

Từ các nguồn vốn của Trung ương, huyện Mai Sơn đã đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất. Ảnh: Văn Ngọc

Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương khuyến khích người dân phát triển cây ăn quả trên đất dốc, từng bước nâng độ che phủ của rừng và chống xói mòn. Hàng năm, huyện Mai Sơn đã hỗ trợ cho HTX và các hộ dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và nuôi bò sinh sản. Đồng thời, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm; thực hiện chiết, ghép giống cây ăn quả chất lượng cao vào cải tạo chất lượng giống cây trồng.

Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 74% đường giao thông từ xã đến bản được cứng hóa; 100% số xã, thị trấn có trạm y tế; 98,7% số hộ dân được sử dụng điện lưới, trên 97% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2,3%/năm.

Nguồn động lực để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên  - Ảnh 4.

Đời sống của nông dân huyện Mai Sơn ngày càng được cải thiện nhờ phát triển cây ăn quả. Ảnh: Văn Ngọc

Còn tại huyện Bắc Yên (Sơn La) là một huyện vùng cao với trên 93% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Dao, Mường, Thái và các dân tộc khác. Những năm qua, huyện Bắc Yên đã huy động mọi nguồn lực, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, thực hiện tốt các chính sách chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Đăng Thức, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La cho biết: Bám sát điều kiện địa phương, huyện Bắc Yên đã tập trung triển khai thực hiện các chương trình thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Một mặt, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân, nhằm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của người dân; mặt khác, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. 

Nhờ đó, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Bắc Yên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện liên tục giảm qua các năm. Đến nay, cơ sở hạ tầng tại các vùng khó khăn của huyện đang được đầu tư xây dựng đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục, khám chữa bệnh; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện tăng theo từng năm, 96% dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm.

Nguồn động lực để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên  - Ảnh 5.

Nhờ các chính sách dân tộc, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Bắc Yên ngày càng được nâng cao. Ảnh: Văn Ngọc

Đẩy mạnh hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 85%. Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình của Chính phủ để đầu tư xây dựng hạ tầng miền núi, nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển. Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, tỉnh Sơn La đã xây dựng Đề án, Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" nhằm tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, ưu tiên đầu tư giảm nghèo bền vững, giải quyết những khó khăn, bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Từ đó giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc tỉnh Sơn La.

Nguồn động lực để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên  - Ảnh 6.

Sơn La huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, ưu tiên đầu tư giảm nghèo bền vững, giải quyết những khó khăn. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết: Để hỗ trợ hội viên nông dân có nguồn vốn phát triển kinh tế, đặc biệt là hội viên nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Hội nông dân đã triển khai có hiệu quả nguồn vốn Qúy Hỗ trợ nông dân. Năm 2022, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh phát sinh tăng hơn 5,3 tỷ đồng, nâng tổng số Quỹ lên hơn 67,9 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương Hội Nông dân ủy thác cho vay 15,4 tỷ đồng, nguồn vốn của tỉnh hơn 17,6 tỷ đồng, ngân sách huyện, thành phố trên 15,8 tỷ đồng, nguồn vận động, ủng hộ từ tổ chức, cá nhân, cán bộ, hội viên nông dân, nguồn bổ sung từ kết quả hoạt động hơn 19 tỷ đồng.

Hiện nay, 12/12 Quỹ hỗ trợ nông dân cấp huyện, thành phố hoạt động hiệu quả, 100% cơ sở Hội phát triển được nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân; 236 dự án được giải ngân với số tiền hơn trên 65,8 tỷ đồng cho 1.898 hộ hội viên vay vốn, không có hộ nợ quá hạn. Từ nguồn quỹ này đã giải quyết cho hàng nghìn lượt hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất, đặc biết là đối với những hội viên là người đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Nguồn động lực để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên  - Ảnh 7.

Hội nông dân Sơn La đẩy mạnh hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật giúp hội viên nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế. Ảnh: Văn Ngọc

Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh Sơn La ký kết chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Sơn La thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nông dân nói chung, hộ nghèo, đối tượng chính sách khác nói riêng, với tổng dư nợ cho vay đạt gần 2.500 tỷ đồng, giúp hàng chục nghìn lượt hộ tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm dần từ 3 đến 5%/năm.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh