dd/mm/yyyy

Độc đáo nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống của người Thái

Không biết từ bao giờ, nghề dệt vải thổ cẩm thủ công truyền thống của dân tộc Thái tỉnh Sơn La đã tạo nên bản sắc văn hoá riêng biệt và độc đáo. Với tình yêu dành cho nghề dệt thổ cẩm, người phụ nữ Thái nơi đây vẫn miệt mài ngày, đêm làm bạn với từng đường kim, sợi chỉ.

Trước đây, dệt thổ cẩm hay thêu thùa đều là công việc mà các cô gái Thái cần phải biết khi đến tuổi trưởng thành, bởi đó là một trong những tiêu chuẩn đánh giá sự khéo léo, chăm chỉ của một người con gái. 

Thổ cẩm là một trong những sản phẩm đặc sắc trong văn hóa của người Thái. Trước sự phát triển của thời đại công nghệ số 4.0, mọi sinh hoạt vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Thái cũng có sự đổi thay rõ nét. Qua đó các phong tục tập quán, văn hóa đang dần phai nhạt và mai một, không còn được giới trẻ chú trọng và quan tâm. Nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống của người Thái cũng chỉ còn được lưu giữ ở một vài nơi ít ỏi.

Sơn La: Độc đáo nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống của người Thái - Ảnh 1.

Với người phụ nữ dân tộc Thái ở bản Giảng Lắc (phường Quyết Thắng, TP. Sơn La) dệt vải thổ cẩm dường như là một kỹ năng bắt buộc được truyền từ đời nay sang đời khác, qua các thế hệ trong mỗi gia đình.

Bản Giảng Lắc (phường Quyết Thắng, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La) là địa bàn cư trú của người Thái đen. Có dịp đến đây, không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ đang cặm cụi bên khung cửi dệt vải. Họ không chỉ dệt thổ cẩm để phục vụ cho gia đình, mà các sản phẩm thủ công này đã trở thành hàng hóa được bán ra thị trường. Nghề dệt thổ cẩm ở đây, không chỉ đơn thuần là 1 tập quán văn hóa nữa mà giờ đây còn là "cần câu cơm", mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho những người phụ nữ Thái.

Sơn La: Độc đáo nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống của người Thái - Ảnh 2.

Người phụ nữ Thái thường tranh thủ lúc rảnh rỗi để ngồi dệt vải bên khung cửi.

Theo bà Tòng Thị Chum, bản Giảng Lắc, phường Quyết Thắng cho hay, cả bản của bà hầu như người phụ nữ nào cũng biết dệt vải thổ cẩm. Từ thuở nhỏ nhìn thấy các mẹ thức khuya dệt vải, sau đó bà tự học được cách dệt vải, thêu thùa, may vá. Từ đó đến nay, cứ khi nào không bận đi làm việc đồng áng, bà lại ngồi vào khung cửi làm luôn chân, luôn tay dệt vải. Với bà, nó không chỉ là công việc, mà còn là niềm say mê.

Sơn La: Độc đáo nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống của người Thái - Ảnh 3.

Từ đôi bàn tay khéo léo, người phụ Thái đã làm nên những tấm vải thổ cẩm với nhiều mau sắc hoa văn độc đáo.

"Tôi chỉ tranh thủ dệt vào những lúc rảnh rỗi, ban đêm hoặc là giữa trưa, lúc ấy không lên nương rẫy thì mình ngồi dệt. Với mỗi ngày dệt trên một khung cửi thế này, tôi làm được khoảng 11 tấm vải thổ cẩm. Sau khi hoàn tất, tôi may thành những bộ trang phục truyền thống như: Váy, áo cóm, khăn piêu, chăn, gối... Tôi chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của khách hàng nên không bị tồn dư sản phẩm. Nói chung dệt vải thổ cẩm truyền thống bán, tuy không giàu bằng các nghề khác, nhưng nó cũng giúp gia đình tôi có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống. Và lại tôi cũng gìn giữ được nét đẹp văn hoá của dân tộc mình", bà Tòng Thị Chum, bản Giảng Lắc, phường Quyết Thắng chia sẻ.

Sơn La: Độc đáo nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống của người Thái - Ảnh 4.

Đối với người phụ nữ Thái, việc luồn kim thêm thùa, dệt vải là điểm đánh giá sự chăm chỉ và khéo léo của người con gái trước khi về nhà trồng.

Qua câu chuyện với bà Tòng Thị Chum, bản Giảng Lắc, tôi cảm nhận được lòng yêu nghề, yêu truyền thống văn hóa người Thái trong họ. Đối với họ, vải thổ cẩm không chỉ là nguyên liệu để may vá mà còn là niềm tự hào, là biểu tượng, vẻ đẹp của người phụ nữ Thái. Với họ, chỉ cần còn sức khỏe, thì họ vẫn còn tiếp tục nghề dệt thổ cẩm. Công việc dệt vải này, đã giúp nhiều phụ nữ trong bản Giảng Lắc có nguồn thu nhập đáng kể, giúp họ nuôi con và trang trải gia đình.

Sơn La: Độc đáo nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống của người Thái - Ảnh 5.

Bà Thoả, bản Giảng Lắc đang luồn thoi dệt vải bên khung cửi.

Bà Cầm Thị Thoả, bản Giảng Lắc cho biết, trước kia quan niệm truyền thống của người Thái là "gái biết dệt vải, trai biết đan chài". Từ khi mới chỉ là cô bé khoảng 8 tuổi, các bà, các mẹ đã dạy cho con gái học cách nhuộm vải, se tơ, thêu thùa, dệt thổ cẩm, may vá… và đó cũng là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá sự khéo léo, chăm chỉ của người con gái.

Từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái ấy, đã làm ra mọi vật dụng trong gia đình như: Váy, khăn, chăn, màn, gối, đệm… đều được may bằng vải thổ cẩm. "Công việc này có nhiều công đoạn phức tạp, phải những ai khéo léo, cần mẫn và kiên trì thì mới làm được. Thời chúng tôi, người con gái nào không biết dệt vải, thêu thùa là bị chê cười, khó lấy chồng. Nhưng giới trẻ thời nay thì khác rồi, họ chỉ thích mặc quần áo của người Kinh, không mấy ai còn thích mặc váy người Thái nữa", bà Thoả bộc bạch.

Sơn La: Độc đáo nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống của người Thái - Ảnh 7.

Vải thổ cẩm được phụ nữ làm ra những chiếc khăn piêu, với các tình tiết hoa văn độc đáo.

Dù những phụ nữ trẻ thích mặc trang phục hiện đại hơn, bởi tính thông dụng của nó. Tuy nhiên, những trang phục thổ cẩm truyền thống vẫn được coi như linh hồn của văn hóa dân tộc Thái. Trong các dịp đặc biệt quan trọng của người Thái, những món đồ thổ cẩm truyền thống này lại được dịp xuất hiện. Nó được dùng làm của hồi môn cho các cô gái đi lấy chồng, là quà mừng cô dâu mới, hay để tiễn đưa một người đã khuất, giải hạn, cúng vía.

Sơn La: Độc đáo nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống của người Thái - Ảnh 8.

Hiện nay công việc thêu thùa, dệt vải cũng giúp phụ nữ Thái có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.

Sản phẩm thổ cẩm của người Thái đen có sự khác biệt với người Thái trắng. Người Thái đen thường dệt trơn hoặc dệt hoa văn, còn với người Thái trắng sau khi dệt trơn còn có công đoạn thêu hoa văn. Hoa văn của người Thái đen thường đơn giản và màu sắc nhã nhặn, là hình thù của động vật, thực vật như con bướm, bông hoa… Còn người Thái trắng ưa những màu sắc rực rỡ như xanh, đỏ, tím, vàng và thêu tay các hình họa phức tạp hơn như ông mặt trời, con rồng, con hươu...

Những sản phẩm thổ cẩm không chỉ là một bức tranh sống động phản ánh đời sống sinh hoạt của người Thái, mà còn mang cả linh hồn văn hóa truyền thống của người Thái, được làm nên từ sự sáng tạo và khéo léo của những người phụ nữ. Với đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo, người phụ nữ Thái còn làm ra nhiều loại phụ kiện như túi, ví, mũ, thú bông màu sắc sặc sỡ, đa dạng về mẫu mã, hoa văn. Qua những lần giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong cả nước, thổ cẩm ngày càng được đến với nhiều nơi, được nhiều người biết đến.

Sơn La: Độc đáo nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống của người Thái - Ảnh 9.

Túi đựng đồ trang điểm kiểu dáng hiện đại được làm từ vải thổ cẩm, có họa tiết, màu sắc sặc sỡ.

Ông Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch UBND TP. Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: Trước đây, vải thổ cẩm chỉ đáp ứng thị trường tiêu thụ là cộng đồng người Thái, thì nay nhiều sản phẩm như mũ, ví, khăn, đệm, váy... được làm từ thổ cẩm bày bán ở các khu chợ trung tâm và hội chợ để thu hút khách du lịch đến tham quan và mua sắm.

Thời gian tới, thành phố sẽ tuyên truyền vận động bà con giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, biểu tượng văn hóa cổ truyền của người Thái, đây là nét đẹp văn hoá có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Qua đó, tạo điều kiện cho du khách thập phương và nước ngoài tham quan trải nghiệm.

Hà Hoàng