Trăn trở với tiến độ giao đất, giao rừng ở Điện Biên
Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé (Điện Biên) đã đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến việc giao đất, giao rừng tại huyện Mường Nhé chậm tiến độ như: Người dân không hợp tác khi thực hiện rà soát tại thực địa. Một số hộ đã thực hiện rà soát đo đạc tại thực địa nhưng không ký hồ sơ, biểu mẫu dẫn đến tỷ lệ đất được giao quá thấp so với kết quả đã rà soát đo đạc quy chủ. Người dân còn e ngại sợ bị mất đất, sợ phải để thành rừng không được làm nương, lo khi thu hồi đất để thực hiện dự án không được bồi thường bằng giá đất trồng cây hàng năm. Nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, diện tích đang tranh chấp tương đối lớn. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới đạt 22%.
Theo ông Lò Văn Tâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Nhé cho biết: Công tác GĐGR, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp đã được chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Khối lượng rà soát, kê khai đo đạc, quy chủ tăng lên đáng kể song tiến độ chung còn chậm. Tỷ lệ giao đất, cấp GCNQSD đất mới đạt 6.532,40ha (đạt 22% so với kế hoạch); tiến độ phê duyệt mảnh trích đo địa chính vẫn chậm (đạt tỷ lệ 37% so với kết quả đã rà soát). Đối với diện tích đất chưa có rừng hiện còn 4 xã chưa phê duyệt được mảnh trích đo, kể cả diện tích đất có rừng đã rà soát năm 2021. Nguyên nhân do số diện tích xâm canh nằm trong quy hoạch 3 loại rừng đã thực hiện rà soát nhưng chưa được lập phương án giao đất tương đối lớn.
Theo kết quả rà soát sơ bộ, diện tích 3.244,87ha đã diễn biến thành rừng năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn để tích hợp, giao và thực hiện theo diện tích đất có rừng hay diện tích đất chưa có rừng. Ngoài ra, diện tích phải rà soát theo Kế hoạch 2783 trùng vào quy hoạch các dự án tương đối lớn như quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư theo Đề án 79, quy hoạch dự án trồng cây cao su, phạm vi đường vành đai biên giới. Trong khi đó, một số người dân không hợp tác khi thực hiện rà soát tại thực địa như tại xã Mường Toong (còn khoảng 200ha người dân xã Nậm Vì đang canh tác nhưng không hợp tác đo). Điển hình như tại xã Nậm Kè (diện tích đã rà soát 2.760,7ha nhưng mới giao được 548ha một phần do người dân không ký hồ sơ giao đất).
Điện Biên nỗ lực đẩy nanh tiến độ giao đất, giao rừng tại Mường Nhé
Hiện nay, tổng diện tích đất lâm nghiệp có rừng mà huyện Mường Nhé đã rà soát, để thực hiện GĐGR để quản lý đạt 13.573,20ha (7.982,06ha diện tích đã GĐGR cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư; 1.306,12ha chưa giao; 4.285,02ha đã giao rừng, giao trách nhiệm quản lý rừng). Còn với đất lâm nghiệp chưa có rừng, tổng diện tích đất lâm nghiệp không có rừng cần giao được UBND huyện phê duyệt 29.670,93ha. Đến ngày 31/3/2023, tổng diện tích đã rà soát được 28.715,87ha (đạt 96% so với kế hoạch). Trong đó 19.439,04ha chưa có rừng; 3.244,9ha năm 2022 đã diễn biến thành rừng; 1.303,6ha có rừng đã rà soát năm 2021; 522,2ha đã trồng mắc ca; 698,3ha trùng vào vùng vành đai biên giới; 1.208,07ha trùng vào quy hoạch đất cao su; 1.199,78 trùng vào vùng quy hoạch Đề án 79; 1.100ha trùng vào vùng đã đo địa chính.
Số GCNQSDĐ đã được giao cho người dân và bàn giao thực địa gồm các xã: Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn, Mường Toong, Quảng Lâm, Nậm Kè, Nậm Vì. Các xã còn lại như: Huổi Lếch đang thực hiện công khai phương án giao đất để trình HĐND cấp xã thông qua; Mường Nhé rà soát 2.848,05ha (đạt 91% so với kế hoạch); Chung Chải đang thực hiện ký mảnh trích đo, hồ sơ quy chủ, diện tích rà soát được 4.006,2ha (đạt 88% so với kế hoạch).
Huyện Mường Nhé đặt mục tiêu trước ngày 30/6/2023 đảm bảo hoàn thành công tác giao đất giao rừng, cấp GCNQSDĐ chưa có rừng đến người dân. Đồng thời, tiếp tục rà soát và thực hiện giao đối với diện tích đất có rừng nhưng chưa giao, đảm bảo quyền lợi cho người dân hưởng chính sách về rừng. UBND các xã chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn kiểm soát, rà soát lại toàn bộ diện tích vùng quy hoạch cây mắc ca tích hợp vào phương án giao đất lâm nghiệp đối với diện tích chưa đo đạc cho mắc ca, đảm bảo phủ kín toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng trong quy hoạch đất lâm nghiệp.