Hội nghị trực tuyến tại Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Điện Biên và các điểm cầu tại Phòng Giáo dục Đào tạo, đơn vị trực thuộc Sở, Các Trung tâm GDNN – GDTX cấp huyện.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết: Sau hơn 2 năm thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp quản lý, sự chủ động, tích cực của các cơ sở giáo dục và sự ủng hộ, tham gia của mỗi người học, mỗi nhà giáo và toàn xã hội; ngành giáo dục và đào tạo đã có sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị CNTT được quan tâm đầu tư. 100% cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục được kết nối internet tốc độ cao. Hệ thống phần mềm hỗ trợ cho công tác quản lý, dạy và học được triển khai rộng từ Sở GDĐT, phòng GDĐT đến các nhà trường như: quản lý văn bản, cơ sở dữ liệu ngành, quản lý nhà trường, hồ sơ sổ sách điện tử, kho học liệu số, quản lý thi, ngân hàng câu hỏi, quản lý nhân sự, quản lý tài chính, tài sản, quản lý thanh toán không dùng tiền mặt …. tỷ lệ các cơ sở giáo dục đã triển khai phần mềm quản trị trường học đạt tỷ lệ hơn 80%.
Tỷ lệ cán bộ giáo viên thành thạo tin học, thành thạo sử dụng các phần mềm hỗ trợ quản lý, dạy học và kiểm tra đánh giá đạt tỷ lệ hơn 86%. Tỷ lệ các tiết dạy có ứng dụng công nghệ thông tin được duy trì ổn định ở mức hơn 80% trong nhiều năm trở lại đây. Vấn đề an toàn an ninh thông tin được đảm bảo, trong nhiều năm liền, ngành Giáo dục không xảy ra các tình trạng bị tất công, khai thác, đánh cắp dữ liệu, cài cắm mã độc nguy hiểm…
Sau 2 năm thực hiện Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030", toàn ngành Giáo dục Điện Biên đã có gần 12.300 máy tính phục vụ cho công tác quản lý, dạy và học tại các nhà trường, số lượng máy chiếu, và các thiết bị dạy học cơ bản đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng. 100% các nhà trường đều có kết nối Internet tốc độ cao và phủ sóng Wifi trong đơn vị để phục vụ nhu cầu sử dụng của cán bộ, giáo viên và học sinh. Tổng số học sinh phổ thông đã có thiết bị phục vụ học tập trực tuyến là trên 41.000 em.
Tỷ lệ các cơ sở giáo dục có tổ chức triển khai thi, kiểm tra, đánh giá trên phòng máy tính đạt tỷ lệ trên 84%, không tính cấp học Mầm non. Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng thành công cơ sở dữ liệu về giáo dục đào tạo dùng chung toàn tỉnh, sẵn sàng kết nối liên thông với các phần mềm quản lý của các nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục, kết nối và chia sẻ với cơ sở dữ liệu ngành, quốc gia. Tổng số cán bộ, giáo viên thành thạo tin học văn phòng, thiết kế bài giảng lên lớp, bài giảng điện tử eleaning và sử dụng các phần mềm phục vụ công tác quản lý, hỗ trợ dạy học đạt tỷ lệ hơn 86%.
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành trong năm 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục quan tâm hỗ trợ Sở GDĐT, các phòng GDĐT, các nhà trường trong việc triển khai nền tảng quản lý văn bản và điều hành, cung cấp chứng thứ số; triển khai kết nối liên thông hệ thống CSDL giáo dục đào tạo dùng chung với hệ thống phần mềm quản lý nhà trường và các hệ thống khác của tỉnh. Sở Tài chính tiếp tục quan tâm tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí cấp cho các cơ quan, đơn vị thuộc Ngành Giáo dục để triển khai thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số được giao; Toàn ngành giáo dục quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và Đề án 06 được giao trong năm 2024, trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.