dd/mm/yyyy

Điện Biên: Phát triển kinh tế dưới tán rừng

Toàn tỉnh Điện Biên có khoảng 70% diện tích tự nhiên là đất nông, lâm nghiệp, trong đó phần lớn diện tích có điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển các mô hình trồng cây dược liệu, giúp người dân cải thiện sinh kế dưới tán rừng và làm tốt công tác bảo vệ rừng.

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Nhé, Điện Biên, Nậm Pồ đã phát triển vùng trồng cây dược liệu với tổng diện tích ước đạt 1.250ha. Các loài cây dược liệu được trồng chủ yếu là sa nhân, sơn tra, thảo quả, tam thất, các loại sâm... Tuần Giáo là huyện có diện tích trồng cây dược liệu lớn nhất với tổng diện tích gần 495ha, tập trung tại xã Tênh Phông, Tỏa Tình. Trong đó, có 206ha sơn tra, 140ha sa nhân, trên 83ha thảo quả, 65ha ý dĩ, 15ha hoa hồi và 78.700 cây sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu đang trồng tại xã Tênh Phông.

Điện Biên: Phát triển kinh tế dưới tán rừng   - Ảnh 1.

Toàn huyện Mường Nhé có khoảng 134ha cây sa nhân tím; tập trung chủ yếu ở các xã: Sín Thầu (50ha), Nậm Kè (26ha), Huổi Lếch (20ha), Pá Mỳ (12ha)... Ảnh: Thu Hường

Các loại cây dược liệu tập trung trồng tại xã Tênh Phông do địa bàn có độ cao 1.000 - 1.800m so với mực nước biển, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp để trồng và phát triển cây dược liệu. Xã Tênh Phông có 2.105,5ha rừng tự nhiên với nền đất giàu mùn, thuận lợi để trồng cây lâu năm và các loại dược liệu dưới tán rừng.

Một số loại cây dược liệu như sa nhân, thảo quả, tam thất không mất nhiều công chăm sóc, trồng dưới tán rừng, có giá trị kinh tế cao, cải thiện sinh kế cho người dân. Vài năm gần đây, một số gia đình, doanh nghiệp đã đưa cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu trồng tại Tênh Phông bước đầu cho thấy sự thích nghi của loại cây dược liệu quý, khẳng định tính hiệu quả, khả thi về phát triển vùng dược liệu quý trên địa bàn xã Tênh Phông.

Ngoài cây chủ lực là lúa và ngô, những năm gần đây, huyện Điện Biên đã đưa vào trồng một số cây dược liệu là sa nhân và quế. Mô hình phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tập trung tại 4 xã: Mường Pồn, Mường Lói, Pa Thơm, Phu Luông với diện tích khoảng 110ha (55ha sa nhân tím, 55ha quế).

Điện Biên: Phát triển kinh tế dưới tán rừng   - Ảnh 2.

Cây sa nhân được trồng dưới tán rừng theo hình thức liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm để nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Ảnh: Thu Hường

Cây sa nhân được trồng dưới tán rừng theo hình thức liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm để nâng cao thu nhập và đời sống của người dân vùng rừng. Tại bản Lĩnh và Mường Pồn 2, xã Mường Pồn trồng hơn 30ha sa nhân tím và sắp tới sẽ nhân rộng diện tích.

Việc phát triển cây dược liệu ở Điện Biên đã tạo sự thay đổi trong phát triển nông nghiệp. Thực tế, một số địa phương trên địa bàn tỉnh có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển cây dược liệu vừa bảo vệ rừng vừa chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác, cải thiện sinh kế cho người dân.

Riêng đối với huyện Mường Nhé, phát triển kinh tế từ rừng là hướng đi đã được nhiều người dân lựa chọn, nhất là mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 134ha cây sa nhân tím; tập trung chủ yếu ở các xã: Sín Thầu (50ha), Nậm Kè (26ha), Huổi Lếch (20ha), Pá Mỳ (12ha)... Đến nay, nhiều diện tích đã cho thu hoạch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Điện Biên: Phát triển kinh tế dưới tán rừng   - Ảnh 3.

Việc phát triển cây dược liệu ở Điện Biên đã tạo sự thay đổi trong phát triển nông nghiệp. Ảnh: Thu Hường

Ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết: Những năm gần đây, nhiều mô hình sinh kế gắn với rừng đã mang lại hiệu quả về kinh tế, tăng thu nhập và đặc biệt là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ góp phần bảo tồn nguồn gen quý, bảo vệ đa dạng sinh học của rừng tự nhiên, giảm thiểu xói mòn, mà còn giúp người dân nâng cao ý thức trong quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn lợi, cho những cánh rừng thêm xanh.

Có thể khẳng định, phát triển rừng và kinh tế rừng đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân, giảm nghèo bền vững, làm giàu nhờ rừng, bảo vệ môi trường và giữ rừng. Đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Thu Hường