Trong đó nặng nề nhất là lũ quét, lở đất xảy ra tại xã biên giới Mường Pồn, huyện Điện Biên vào đêm 24 rạng sáng ngày 25/7 làm 4 người chết, 3 người mất tích, 7 người bị thương, hơn 100 ngôi nhà tại các bản: Mường Pồn 1, bản Lĩnh, Tin Tốc, Huổi Ké, Huổi Chan bị hư hỏng nặng; nhiều nhà bị lũ cuốn trôi, đổ sập hoàn toàn. Lũ quét Mường Pồn làm thiệt hại nặng nề về giao thông, hàng chục công trình thủy lợi bị hư hỏng…Tổng thiệt hại do lũ quét gây ra ở Mường Pồn lên đến 175 tỷ đồng.
Ông Trần Thanh Kiên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Điện Biên cho biết: Sau trận lũ quét tại Mường Pồn, trên tuyến quốc lộ 12 đoạn từ Km 169+200 - Km169+600, Km172+200 - Km172+700… bị tê liệt do gần 30 nghìn mét khối đất đá tràn ngập mặt đường. Đặc biệt đoạn tuyến Km170+730 - Km170+780 bị xói trôi toàn bộ nền, mặt đường với chiều dài 50m, nền đường đoạn tuyến bị xói sâu từ 4 -5m; cầu treo bản Lĩnh bị hỏng hoàn toàn; ngầm tràn bản Lĩnh bị cuốn trôi. Các đoạn đường từ trung tâm xã Mường Pồn đi bản Pá Trả, đường đi bản Huổi Chan 2 bị sạt lở 32 vị trí với tổng số 12.800m3 đất, đá từ trên núi đổ xuống nền đường. Tổng khối lượng đất, đá, cây cối do lũ quét cuốn về Mường Pồn lên tới một triệu mét khối.
Cũng tại trung tâm xã Mường Pồn, lũ quét tràn về đã cuốn trôi một trạm biến áp bản Lĩnh; 9 cột trung thế 35Kv bị gẫy, rạn nứt; 22 cột hạ thế bị lũ cuốn; 16 hòm công tơ và 31 công tơ bị đất đá vùi lấp; 1.850m cáp trục hạ thế 0,4kV bị đất đá vùi lấp. Sự cố này khiến 1.000 khách hàng bị mất điện; thiệt hại với ngành Điện lên tới gần 1,1 tỷ đồng.
Ngay sau cơn lũ đi qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên đã khẩn trương thành lập Sở Chỉ huy tại chỗ do đồng chí Nguyễn Thái Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện trực tiếp điều hành. Thực hiện đồng thời với việc tìm kiếm người mất tích; thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người tử vong, bị thương, bị thiệt hại do lũ quét, các thành viên Sở Chỉ huy cứu nạn và các sở, ngành thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Điện Biên, gồm: Giao thông vận tải, y tế, Công an, quân đội, bộ đội biên phòng… khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai.
Với yêu cầu phải khẩn trương khắc phục thiệt hại về giao thông, đặc biệt là đòi hỏi thông tuyến đảm bảo lưu thông qua quốc lộ 12 càng sớm càng tốt, trực tiếp đồng chí Giám đốc Sở Giao thông vận tải Điện Biên đã chỉ huy tại công trường. Đồng chí Trần Thanh Kiên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Điện Biên, cho biết: Cùng thời điểm lũ quét ở Mường Pồn, có nhiều tuyến giao thông liên huyện, liên tỉnh trên địa bàn bị sạt lở, ách tắc. Song xác định tuyến giao thông trên quốc lộ 12 đoạn từ xã Mường Pồn đi huyện Mường Chà, đi thị xã Mường Lay và sang tỉnh Lai Châu là tuyến huyết mạch nên Sở chỉ đạo tập trung toàn bộ máy móc, phương tiện về Mường Pồn khắc phục hậu quả. Theo đó, trong các ngày 25, 26, 27/7 đều có hơn 20 máy xúc, máy ủi với hàng trăm công nhân làm việc liên tục cả ngày đêm hót sạt, hót bùn, đắp nền, làm cống, rọ đá. Trong những ngày đó, Mường Pồn vẫn liên tục có mưa cho nên lực lượng khắc phục giao thông vừa phải làm vừa phải chủ động tránh lũ. Việc rất vất vả, hiểm nguy, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao nhất mọi người đều tập trung dốc sức. Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, đến 17 giờ ngày 28/7 thì xe máy, xe ô tô dưới 16 chỗ đã lưu thông được trên tuyến quốc lộ 12 qua địa bàn xã Mường Pồn.
Cũng với tinh thần làm việc khẩn trương, đặt mục tiêu khắc phục sự cố lưới điện trong thời gian ngắn nhất, ngay rạng sáng ngày 25/7, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Công ty Điện lực Điện Biên đã chỉ đạo các điện lực trực thuộc nhanh chóng tìm kiếm, tiếp cận sự cố, đẩy nhanh tiến độ khắc phục để cấp điện trở lại cho các khách hàng. Đồng thời phối hợp cùng các lực lượng tại địa phương sửa chữa, thay thế những thiết bị hư hỏng trên lưới, dựng lại những cột điện bị nghiêng, gãy. Ông Trần Đức Dũng, Giám đốc Công ty Điện lực Điện Biên, cho biết: Vượt qua nhiều khó khăn do mưa lũ, giao thông gián đoạn, nhiều tuyến đường không thể dùng xe vận chuyển thiết bị, vật liệu nhưng hàng trăm công nhân thuộc Công ty Điện lực Điện Biên đã chủ động tìm cách tăng bo, vận chuyển bộ các thiết bị đến điểm khắc phục. Đến 19 giờ 27 phút tối tối ngày 25/6, Công ty đã cấp điện trở lại cho 828 khách hàng thuộc 02 trạm biến áp thuộc huyện Tuần Giáo. Đến trưa ngày 28/7, ngành Điện tỉnh Điện Biên đã hoàn tất công tác sữa chữa, khắc phục sự cố, cấp điện trở lại cho 100% khách hàng tại xã Mường Pồn.
"Làm việc từ sáng sớm tới đêm khuya với cường độ lao động cao, công việc nặng nhọc, thế nhưng hàng trăm cán bộ, công nhân ngành Điện tại Điện Biên không quản ngại, vì mục tiêu khôi phục từng tuyến đường dây cấp điện trở lại cho khách hàng nhanh nhất. Đổi lại những vất vả không mệt mỏi đó là sự ghi nhận, cảm thông từ khách hàng, người dân vùng lũ dành cho những người thợ áo cam" - ông Trần Đức Dũng, cho biết thêm như thế.
Đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang tỉnh Điện Biên trong việc khắc phục hậu quả lũ quét ở Mường Pồn, tại buổi làm việc với tỉnh Điện Biên vào sáng ngày 5/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và các thành viên đoàn công tác, đều chung khẳng định: Điện Biên làm tốt công tác khắc phục hậu quả thiên tai, bằng tinh thần chủ động theo phương châm "4 tại chỗ". Cách thức tiếp cận, giải quyết vấn đề ngay tại điểm lũ quét của Điện Biên cũng là kinh nghiệm để các địa phương khác học tập.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, dẫn chứng: Việc Điện Biên khẩn trương lập Sở Chỉ huy khắc phục hậu quả tại chỗ gồm các ngành, các lực lượng cùng tham gia theo phương châm "4 tại chỗ" là rất tốt. Ngay cả việc huy động nhân lực, phương tiện từ nhân dân, cộng đồng, các tổ chức cùng tập trung khắc phục thiệt hại về giao thông, hạ tầng điện mà đặc biệt là tuyến giao thông huyết mạch trên quốc lộ 12 được triển khai quyết liệt, kịp thời. Do vậy, dù thiệt hại nặng nề nhưng việc khắc phục được thực hiện rất khẩn trương, thời gian ngắn.