dd/mm/yyyy

Khi người đứng đầu "nói đi đôi với làm": Quyết tâm chính trị "bàn làm chứ không bàn lùi" (Bài 1)

Trong khi một số dự án mắc-ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc; đang phải điều chỉnh giảm diện tích; kiến nghị dừng triển khai, thì huyện Tuần Giáo lại đưa ra quyết định mở rộng diện tích mắc-ca đến 100% xã, với mục tiêu năm 2025 toàn huyện có 8.000ha mắc ca

Mục tiêu của Ban Thường vụ Huyện uỷ Tuần Giáo là đưa Tuần Giáo trở thành thủ phủ mắc-ca của cả nước. Từ đó, đời sống của đồng bào các dân tộc huyện Tuần Giáo sẽ sớm thoát khỏi huyện nghèo tiến tới thành huyện khá, giàu của tỉnh Điện Biên. Trước khi đi đến quyết định "táo bạo" ấy, Ban Thường vụ Huyện uỷ Tuần Giáo đã nhiều lần họp bàn, lắng nghe ý kiến cán bộ, nhân dân các cấp; trực tiếp hai đồng chí đứng đầu huyện là Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo còn cam kết gắn trách nhiệm người đứng đầu trong suốt quá trình triển khai. Phóng viên Báo Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử xin giới thiệu loạt bài về cách triển khai trồng mắc ca tại huyện Tuần Giáo:

Bài 1: Quyết tâm chính trị "bàn làm chứ không bàn lùi" 

Điểm lại khó khăn, rào cản khi bàn bạc lựa chọn mắc-ca là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo, đồng chí Lê Xuân Cảnh, Phó bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, cho biết: Tuần Giáo là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn (109 nghìn ha); số dân làm nông nghiệp chiếm hơn 88,7% tổng dân số toàn huyện thế nhưng nền nông nghiệp của huyện lại manh mún, lạc hậu. Thời điểm trước năm 2020 đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp bằng các loại cây ăn quả (xoài, mít, bưởi…) được triển khai tại địa bàn. Cùng với đó còn có một số doanh nghiệp đã thực hiện dự án trồng cây mắc-ca tại hai xã Quài Cang, Quài Nưa nhưng chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Thậm chí giữa người dân vùng dự án và nhà đầu tư mắc-ca còn xảy ra mâu thuẫn, khiếu kiện gây mất niềm tin trong nhân dân và ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội.

Khi người đứng đầu "nói đi đôi với làm": Quyết tâm chính trị "bàn làm chứ không bàn lùi" (Bài 1)- Ảnh 1.

Đồng chí Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên (người đứng thứ 2 từ trái sang) cùng lãnh đạo tỉnh Điện Biên thăm vườn cây mắc ca mới trồng năm 2024 tại xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo. Ảnh Vinh Duy

Bởi vậy, bắt tay thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23, nhiệm kỳ 2021-2025, khi Ban Thường vụ Huyện ủy nêu ý tưởng chọn mắc-ca là cây chủ lực để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đã gặp không ít hồ nghi, trở ngại. Nhiều ý kiến cho rằng khúc mắc trong việc phân chia quyền lợi giữa doanh nghiệp với người dân trồng mắc-ca ở hai xã Quài Cang, Quài Nưa giải quyết chưa xong thì rất khó vận động người dân 16 xã khác thực hiện. Ngay cả khi vận động được người dân 16 xã khác đồng thuận cũng chẳng dễ gì triển khai, vì địa bàn quá rộng, nguồn nước hạn chế. Rồi hàng loạt câu hỏi "người đâu đào hố?", "người đâu chăm cây?", "Trồng được cây chắc gì có nước tưới phân bón…?"!

Cứ như thế, những câu hỏi gửi về các cuộc họp của Ban Thường vụ Huyện ủy Tuần Giáo ngày càng nhiều hơn, cấp độ khó theo đó càng phức tạp hơn. Song với quyết tâm chính trị cao nhất là tập trung "bàn làm chứ không bàn lùi", tất thảy các câu hỏi, ý kiến đề đạt đều được các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện lắng nghe, giải đáp có căn cứ, dữ liệu bằng cơ sở khoa học. Chỉ rõ các lợi ích, giá trị vượt trội từ cây mắc-ca, đó là loài cây lâm nghiệp có tuổi thọ hàng trăm năm vừa có tác dụng phủ xanh đất trống đồi núi trọc vừa có giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với cây ngô, cây sắn. 

Khi người đứng đầu "nói đi đôi với làm": Quyết tâm chính trị "bàn làm chứ không bàn lùi" (Bài 1)- Ảnh 2.

Đồng chí Trần Quốc Cường, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên (người đứng thứ 2 từ phải sang) thăm vườn ươm mắc ca tại huyện Tuần Giáo. Ảnh Vinh Duy.

Tại các cuộc họp Ban Thường vụ huyện ủy Tuần Giáo, đồng chí Lò Văn Cương, Bí thư Huyện uỷ Tuần Giáo khẳng định, lựa chọn cây mắc-ca là phù hợp với quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030 Điện Biên sẽ có 100.000ha cây mắc-ca, từ đó Điện Biên trở thành tỉnh có diện tích mắc-ca lớn nhất trong cả nước và trở thành thủ phủ mắc-ca của thế giới. Trước đó, Đề án phát triển bền vững mắc-ca giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 doThủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 đã xác định Điện Biên, Lai Châu là vùng trọng điểm phát triển mắc-ca của cả nước…

Khi người đứng đầu "nói đi đôi với làm": Quyết tâm chính trị "bàn làm chứ không bàn lùi" (Bài 1)- Ảnh 3.

Lực lượng đoàn viên, thanh niên huyện Tuần Giáo giúp người dân trồng mắc ca. Ảnh VInh Duy.

Khi đã phân tích, giải thích rành mạch và nhận được sự đồng thuận từ các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy nhất trí triển khai chương trình phát triển cây mắc-ca, Bí thư Huyện uỷ Lò Văn Cương còn cam kết bằng trách nhiệm cá nhân sẽ sát sao từ chỉ đạo, đồng hành trong suốt thời gian thực hiện; đảm bảo vướng mắc khâu nào gỡ khâu đó trên tinh thần kiên trì, bền bỉ và sẵn sàng chấp nhận khó khăn vất vả. Với đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lê Xuân Cảnh thì ngoài cam kết trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện uỷ còn cam kết với Ủy ban nhân dân tỉnh về trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai chương trình. "Điều đó là cần thiết, để biểu thị trách nhiệm chính trị của cá nhân trước tập thể và trước nhân dân" - đồng chí Lò Văn Cương, Bí thư Huyện uỷ Tuần Giáo cho biết thêm. 

Mời các bạn đón đọc bài tiếp theo trên báo điện tử Trang Trại Việt vào sáng ngày 11/6.

Vinh Duy