dd/mm/yyyy

Điện Biên: Giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị gạo Mường Thanh

Ngày 16/9, tại TP. Điện Biên Phủ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cùng Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng - giá trị lúa gạo trên cánh đồng Mường Thanh, tỉnh Điện Biên”.

Lúa gạo Điện Biên có nhiều lợi thế

Tại hội thảo, chuyên gia nông nghiệp đến từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp miền núi phía Bắc, đã chỉ rõ lợi thế riêng biệt của lúa gạo sản xuất trên cánh đồng Mường Thanh. Đó chính là thương hiệu gạo Điện Biên, nguồn lao động dồi dào có kinh nghiệm sản xuất lúa lại thường xuyên được tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Trên thương trường, thương hiệu gạo Điện Biên có "vị trí" nhất định, đặc biệt là các loại gạo truyền thống riêng có của địa phương.

Điện Biên: 3 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị lúa gạo trên cánh đồng Mường Thanh - Ảnh 1.

Đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh Điện Biên.

Tuy nhiên, cũng như nhiều tỉnh khác trong khu vực miền núi phía bắc, lúa gạo trên cánh đồng Mường Thanh - Điện Biên hiện cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu khắc nghiệt; phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu ảnh hưởng nhiều chất lượng, giá trị gạo Điện Biên.

Đồng tình với đánh giá của chuyên gia Viện Khoa học Kỹ thuật nông – lâm nghiệp miền núi phía Bắc, cán bộ nông nghiệp huyện Điện Biên dẫn chứng: Mỗi gia đình sản xuất 2.900m2 lúa trên cánh đồng Mường Thanh thì mỗi tháng thu nhập 740 nghìn đồng. Mức thu này là rất thấp, nguyên nhân chính là do chi phí đầu vào cao, giá sản phẩm thường thấp và không ổn định…

3 nhóm giải pháp nâng cao giá trị lúa gạo Điện Biên

Khắc phục thực trạng này, đồng thời nâng cao chất lượng, giá trị lúa gạo trên cánh đồng Mường Thanh, tại hội thảo, chuyên gia nghiệp Viện Khoa học Kỹ thuật nông – lâm nghiệp miền núi phía Bắc và cán bộ chuyên môn Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Điện Biên đều chung khuyến cáo gửi đến nông dân, chính quyền địa phương tập trung ở 3 nhóm giải pháp gồm: chính sách; kỹ thuật; cơ sở hạ tầng sản xuất. Trong đó cần chú trọng xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại các xã vùng lòng chảo (cánh đồng Mường Thanh); đảm bảo thực hiện đồng bộ các hoạt động theo quy trình 7 khâu liên hoàn: Canh tác - Thu hoạch - Chế biến - Đóng gói - Bảo quản - Vận chuyển - Tiêu thụ nhằm nâng cao chất lượng, giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; đảm bảo sản lượng, chất lượng, chủng loại gạo đáp ứng nhu cầu của thị trường hoặc đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Điện Biên: 3 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị lúa gạo trên cánh đồng Mường Thanh - Ảnh 2.

Giới thiệu các sản phẩm gạo được sản xuất trên cánh đồng Mường Thanh.

Việc xây dựng hạ tầng cơ sở vùng chuyên canh sản xuất cần quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng canh tác và hạ tầng sau thu hoạch. Trọng tâm là thực hiện 3 nội dung: Dồn diền đổi thửa, kiên cố hóa kênh thủy lợi nội đồng; hỗ trợ xây dựng kho bảo quản, dây truyền chế biến sau thu hoạch.

Riêng nội dung này cần kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính xem xét, tham mưu cho tỉnh cân đối bổ sung nguồn vốn hỗ trợ mở rộng diện tích dồn điền đổi thửa chỉnh trang thiết kế lại đồng ruộng gắn với phát triển du lịch cánh đồng Mường Thanh. Về lâu dài, đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo xây dựng và ban hành Đề án phê duyệt chi tiết quy hoạch cánh đồng Mường Thanh gắn với phát triển du lịch tỉnh Điện Biên.

Vinh Duy