dd/mm/yyyy

Điểm sáng trồng cây ăn quả trên đất dốc ở Yên Châu

Những năm gần đây, phong trào trồng cây ăn quả trên đất dốc phát triển rộng khắp các xã, bản của huyện Yên Châu (Sơn La). Điểm sáng trong phong trào này là xã Tú Nang – một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Châu.

Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, anh Sa Văn Thuận – Phó Chủ tịch UBND xã Tú Nang, cho biết: Tú Nang là xã thuần nông của huyện Yên Châu. Trước đây, người dân trong xã chủ yếu sống dựa vào trồng ngô, lúa một vụ. Diện tích canh tác chủ yếu là đất dốc bạc màu dẫn đến năng suất, sản lượng các loại cây trồng hàng năm đạt thấp. Vì quanh quẩn với cây ngô, cây lúa nên cái nghèo mãi bám riết lấy người dân trên địa bàn.

Điểm sáng trồng cây ăn quả trên đất dốc ở Yên Châu - Ảnh 1.

Bỏ ngô trồng cây ăn quả, nhiều hộ dân ở xã Tú Nang đã thoát nghèo.

"Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc ở Tú Nang diễn ra khá thuận lợi. Một số loại cây ăn quả như: Cây xoài, cây nhãn đã góp mặt trên đồng đất xã Tú Nang từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, phần vì trồng giống địa phương, phần do thị trường chưa phát triển nên người dân chưa "mặn mà" với cây ăn quả. Cây ăn quả bắt đầu có "chỗ đứng" ở xã Tú Nang kể từ khi một số hộ dân ở bản Hua Đán ghép cải tạo thành công vườn nhãn cỏ bằng giống nhãn miền thiết. Thấy hiệu quả, nhiều người dân trong xã đã học theo" – anh Thuận cho hay.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tú Nang, phong trào ghép cải tạo vườn nhãn, vườn xoài và trồng mới cây ăn quả nhanh chóng lan rộng ra toàn xã. Khi tỉnh Sơn La có chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, thì phong trào trồng cây ăn quả ở xã Tú Nang càng phát triển mạnh mẽ hơn. Những nương đồi trồng ngô, lúa kém hiệu quả, được người dân đưa cây xoài, cây nhãn vào thay thế. Tú Nang nhanh chóng trở thành xã đi đầu của huyện Yên Châu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc.

Điểm sáng trồng cây ăn quả trên đất dốc ở Yên Châu - Ảnh 2.

Xã Tú Nang hiện có hơn 1.000 ha cây ăn quả các loại.

Đúng như lời Phó Chủ tịch UBND xã Tú Nang, đi dọc Quốc lộ 6, đoạn chạy qua địa bàn xã, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những nương, vườn phủ kín màu xanh của các loại cây ăn quả. Cây ăn quả đã và đang mang lại cuộc sống no ấm cho người dân nơi đây. Nhiều hộ dân ở xã Tú Nang đã "đổi đời" nhờ trồng cây ăn quả. Có không ít hộ dân ở Tú Nang thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm từ bán quả nhãn tươi ra thị trường.

Ông Hoàng Văn Hoạt, dân bản Cốc Lắc (xã Tú Nang, huyện Yên Châu) phấn khởi nói: "Ở bản Cốc Lắc, nhà nào cũng trồng cây ăn quả. Nhà ít thì vài nghìn mét vuông, nhà nhiều có đến vài héc ta cây ăn quả. Mấy năm qua, bản Cốc Lắc đã đón nhiều đoàn cán bộ của tỉnh Sơn La và người dân các nơi khác đến thăm quan, học tập kinh nghiệm trồng cây ăn quả. Năm 2013, gia đình tôi chuyển đổi hơn 1ha trồng ngô 1 vụ sang trồng cây xoài. Từ khi vườn xoài cho thu hoạch, thu nhập của gia đình tôi được nâng lên rõ rệt. Mỗi năm, gia đình tôi thu hơn 100 triệu đồng từ bán quả xoài tươi ra thị trường".

Điểm sáng trồng cây ăn quả trên đất dốc ở Yên Châu - Ảnh 3.

Cây xoài là một trong những cây trồng chủ lực ở xã Tú Nang.

Ông Hà Như Huệ - Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: "Cốc Lắc được xem là một trong những điểm sáng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Yên Châu. Từ những năm 2012, 2013, người dân trong bản đã mạnh dạn ghép cải tạo lại vườn nhãn, vườn xoài của mình bằng giống mới. Năng suất, sản lượng và chất lượng vườn cây ăn quả được cải thiện rõ rệt. Diện tích trồng mới cây ăn quả của bản cũng từ đó tăng lên và lan rộng ra các bản khác trong xã. Huyện Yên Châu đã tổ chức cho nhiều đoàn cán bộ và người dân các xã, bản khác đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm trồng cây ăn quả ở bản Cốc Lắc. Vài năm gần đây, đưa cây ăn quả lên đất dốc thay thế cây lương thực ngắn ngày đã trở thành phong trào rộng khắp các xã, bản trong huyện. Nhờ trồng cây ăn quả mà đời sống, thu nhập của người dân trong huyện ngày càng nâng cao".

Đến nay, toàn xã Tú Nang có hơn 1.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó có hơn 620 ha nhãn, hơn 440 ha xoài và hơn 120 ha chuối. Nhiều hộ dân trong xã vẫn đang tiếp tục chuyển diện tích trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng xoài, nhãn. Nhờ trồng cây ăn quả, nhiều hộ dân trong xã không chỉ thoát nghèo mà còn từng bước vươn lên làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo của xã mỗi năm giảm từ 3% – 5%. Trên địa bàn xã xuất hiện ngày càng nhiều triệu phú từ trồng cây ăn quả.

Thanh Ngân