Tuyên truyền hiệu quả phong trào "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi"
Bà Trần Thị Mai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Quang cho biết: Để phong trào thi đua "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" thực sự trở thành phong trào thi đua sâu rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Xuân Quang nói chung.
Hội Nông dân xã Xuân Quang đã tập trung tuyên truyền các hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, đầu tư thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Quán triệt sâu sắc và tích cực tổ chức triển khai các nội dung phát động của các cấp Hội đến toàn thể các thôn và từng hộ nông dân. Hằng năm tổ chức hướng dẫn cho hội viên đăng ký đạt "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" lồng ghép với các chương trình khác.
Thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phong trào, đặc biệt là các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật và công nghệ; dạy nghề, tạo điều kiện giúp các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh phát triển. Từ đó, phong trào đã đi vào nề nếp, việc công nhận các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đảm bảo đúng theo quy định.
Hội viên nông dân đã nhạy bén, năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường, dám nghĩ, dám làm, khai thác sử dụng tối đa hiệu quả nguồn lao động, đất đai, vốn để đầu tư cho sản xuất, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích. Nguồn vốn đầu tư, áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản.
Nhiều kết quả nổi bật từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
Tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động. Tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, có tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giúp đỡ hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.
Nhiều hội viên nông dân mạnh dạn đưa các loại cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đầu tư thâm canh, áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện Bảo Thắng mở được 85 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 3.900 lượt hội viên nông dân tham gia.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã Xuân Quang nhận ủy thác với phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Thắng tạo điều kiện hội viên vay vốn phát triển sản xuất, vay vốn làm nhà theo Quyết định 167, Nghị định 116 của Thủ tướng Chính phủ, với trên 41 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Bảo Thắng cho các hội viên nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh trên 160 tỷ đồng. Các hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả; nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá, giàu, trong đó, đã giúp đỡ được 190 hộ nông dân thoát nghèo bền vững.
Qua 5 năm (2015 -2020), triển khai thực hiện phong trào thi đua đã góp phần tích cực, làm thay đổi diện mạo kinh tế xã hội trên địa bàn xã, đời sống của hội viên nông dân ngày càng nâng lên. Qua khảo sát, bình xét từ các thôn, đến nay toàn xã có 405 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong đó, 3 hộ cấp Trung ương; 27 hộ cấp tỉnh; 87 hộ cấp huyện, còn lại là cấp xã.
Các hộ đạt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp đỡ về giống , vốn, vật tư, truyền đạt kinh nghiệm cho 86 hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững; Hội Nông dân xã và các chi hội đã vận động giúp đỡ cho 19 gia đình thoát nghèo.
Xuất hiện nhiều gương nông dân làm kinh tế hiệu quả
Cũng theo bà Trần Thị Mai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Quang, qua quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh giỏi mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát huy được tiềm năng sẵn có tại địa phương góp phần tích cực vào việc chuyển đối cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn.
Điển hình như, hộ gia đình ông Trần Xuân Hoàn, thôn Thái Vô, nhiều năm trăn trở làm thế nào để tăng thu nhập trên diện tích đất canh tác. Qua nhiều năm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, ông Hoàn đã quyết định trồng cây đào cảnh, khi mới bắt tay vào thực hiện tùy còn gặp không ít khó khăn nhưng bằng ý chí quyết tâm làm giàu đến nay gia đình ông đã có trên 3.000 gốc đào cảnh. Trung bình mỗi năm, ông Hoàn thu lãi hơn 800 triệu đồng từ bán đào cảnh. Ngoài ra, ông còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân trong thôn.
Hộ gia đình ông Phan Nhật Quang, thôn Làng Bông đầu tư khu chăn nuôi gia cầm hàng năm gia đình ông nuôi từ 15 đến 20 nghìn con gà. Sau khi trừ chi phí, thu nhập hàng năm của gia đình đạt từ 800 - 900 triệu đồng. Ông đã giúp 15 hộ nông dân đầu tư, chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi; gia đình ông còn cung cấp con giống cho hàng chục hộ trong thôn cùng chăn nuôi.
Hay hộ gia đình ông Vũ Văn Thính, với mô hình phát triển chăn nuôi gà thả đồi, lợn thịt với quy mô lớn, kết hợp với trồng trọt, trồng rừng, luôn duy trì đàn lợn từ 150 đến 200 con, gà từ 5.000 đến 10.000 con, mô hình trồng chuối hiện gia đình ông có 5.000 buồng chuối, , thu nhập hàng năm đạt từ 700 - 1 tỷ đồng/năm gia đình ông thường xuyên tạo việc làm cho từ 5 -7 lao động địa phương.
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Ất, thôn Nậm Dù, ông đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, xây dựng chuồng trại kiên cố, khang trang với tổng diện tích 500 m2, duy trì nuôi từ 150 - 250 con lợn thịt. Mỗi năm gia đình ông xuất bán từ 30 - 40 tấn lợn thịt. Ngoài ra, gia đình ông còn đầu tư nuôi gà thả đồi mỗi lứa từ 3.000 – 5.000 con. Thu nhập hàng năm từ chăn nuôi của gia đình đạt khoảng 500 triệu đồng. Ông đã giúp 10 hộ nông dân biết cách đầu tư, chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi...
Từ phong trào, đã góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương
Mối quan hệ sản xuất giữa hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với nông dân trong quá trình sản xuất đã hình thành các mối liên kết trong sản xuất giúp nhau chuyển giao khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Số hộ nghèo được hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ 16 hộ. Chủ yếu giúp đỡ về giống, vật nuôi, những kiến thức cơ bản và kinh nghiệm thực tế trong chăn nuôi; tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, từ đó tạo tiền đề và động lực giúp các hộ vươn lên thoát nghèo một cách bền vững; thu nhập bình quân đầu người đạt 44,8 triệu đồng/người/năm.
Phong trào đã khích lệ, động viên nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái thi đua làm giàu và giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn, tích cực tham gia thực hiện chương trình nông thôn mới.
Hội viên, nông dân tự đóng góp trên 2 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động. Tham gia hiến đất mở đường được 13.200 m2 đất để triển khai làm 26,6 km đường bê tông; xóa được 69 nhà tạm, vận động hội viên nông làm được 418 chuồng trại đạt chuẩn, giúp xã Xuân Quang đã về đích nông thôn mới năm 2015 và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020.
Đặc biệt là trong năm 2021, Hội Nông dân xã Xuân Quang đã vận động hội viên tham gia trồng mới 30 km đường hoa, tham gia đóng góp trên 1 tỷ đồng làm 45 km đường điện thắp sáng làng quê.
Qua phong trào, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ nông dân giỏi với các hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn đã trở thành nề nếp trong sản xuất và đời sống văn hóa của người dân nông thôn, xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở địa phương.