dd/mm/yyyy

Đây là cách để người dân Lào Cai đồng lòng làm đường giao thông nông thôn

Nhờ “dân vận khéo”, hàng nghìn hộ dân ở huyện Bảo Thắng, Lào Cai đã xung phong chặt cây, hiến đất, phá bỏ công trình, góp công, góp sức, động viên nhau làm đường giao thông nông thôn.

Những con đường “tuyên vận”

Nếu ai có dịp trở lại huyện Bảo Thắng, Lào Cai thời điểm này, rất dễ nhận thấy bộ mặt nông thôn mới ở Bảo Thắng hôm nay có những đổi thay rõ rệt. Những con đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa và mở rộng, tạo điều kiện cho người dân đi lại, sản xuất, lưu thông hàng hóa. Đó là minh chứng cho hiệu quả của việc vận động người dân hiến đất làm đường, chung tay xây dựng nông thôn mới của đông đảo người dân và chính quyền huyện Bảo Thắng thời gian qua.

Nông thôn Tây Bắc: Đây là cách để người dân đồng lòng làm đường giao thông nông thôn - Ảnh 1.

Nhờ “dân vận khéo”, hàng nghìn hộ dân đã xung phong chặt cây, phá bỏ công trình, hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Thanh Nga

Để có được “trái ngọt” ấy, công tác “dân vận khéo” đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà từ năm 2022 đến nay, người dân huyện Bảo Thắng đã hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất để làm mới, bê tông hóa và mở rộng hàng trăm kilomet đường giao thông nông thôn, góp phần thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Người xưa có câu “tấc đất tấc vàng”, đất đai là tài sản giá trị lớn, rõ ràng việc hiến đất là một quyết định không hề dễ dàng khi cuộc sống của người dân vẫn còn khó khăn, hơn thế nữa, việc cắt đi một phần đất đai do cha ông để lại cũng là điều trăn trở của không ít người. Thế nhưng, khi tư tưởng thông suốt, ý thức được việc hiến đất làm đường xây dựng đô thị văn minh là xây dựng cho cộng đồng và cho chính bản thân gia đình nên nhiều người dân ở thôn Chính Tiến, xã Gia Phú đã sẵn sàng chặt cây, hiến đất, phá bỏ công trình để làm đường giao thông.

Nông thôn Tây Bắc: Đây là cách để người dân đồng lòng làm đường giao thông nông thôn - Ảnh 2.

Phong trào hiến đất, góp sức làm đường giao thông nông thông đã tạo sức lan tỏa sâu rộng ở các xã, thị trấn, huyện Bảo Thắng, Lai Cai. Ảnh: Thanh Nga

Dẫn chúng tôi đi trên con đường làng sạch đẹp, thẳng tắp vừa mới đưa vào sử dụng, Trưởng thôn Đỗ Công Đĩnh phấn khởi cho biết: “Đây là một trong những con đường “tuyên vận” của thôn, bởi con đường này được người dân trong thôn cùng nhau hiến đất, góp công để mở rộng. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên vận mà toàn thôn có 25 hộ có đất bị ảnh hưởng đã đồng tình hiến đất để mở rộng đường với tổng diện tích lên tới 16.000m2, trong đó có những hộ hiến hơn 1.000m2 đất đang trồng quế, cây ăn quả, ruộng, ao…

Những con đường khang trang được đưa vào sử dụng đã đáp ứng nhu cầu đi lại, thông thương của người dân. Đó chính là “đòn bẩy” làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Cách làm hay đã tạo sức lan tỏa rộng khắp, tại xã Phú Nhuận, nhờ làm tốt công tác dân vận, phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư. Dẫn chúng tôi đi trên con đường làng sạch đẹp, thẳng tắp mới mở rộng, Trưởng thôn Phú Thịnh 2, bà Vũ Thị Liên cho biết: Thôn Phú Thịnh 2 có 104 hộ, trước đây con đường của thôn nhỏ hẹp, trơn dốc đi lại rất khó khăn. Khi Nhà nước có chủ trương mở rộng đường, nhiều hộ dân trong thôn rất phấn khởi, bởi họ cho rằng con đường được mở rộng sẽ mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân nơi đây.

Nông thôn Tây Bắc: Đây là cách để người dân đồng lòng làm đường giao thông nông thôn - Ảnh 3.

Dận vận khéo giữ vai trò quan trọng, huy động được sức mạnh đoàn kết toàn dân, nhờ đó nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được xây dựng khang trang. Ảnh: Thanh Nga

Qua câu chuyện với bà Liên, được biết, thời gian đầu người dân chưa đồng tình hiến đất, do vậy công tác tuyên truyền, vận động lúc đầu cũng khá nan giải. Xác định bản thân là đảng viên, là người đứng đầu nên phải gương mẫu đi đầu để mọi người noi theo. Trưởng thôn Vũ Thị Liên đã tự nguyện hiến gần 5.000m2 đất, chặt hàng trăm cây quế đã 10 năm tuổi để mở rộng con đường.

Noi gương đồng chí trưởng thôn, đã có 20 hộ dân trong thôn tình nguyện tham gia hiến trên 15.000m2 đất, chặt bỏ hàng nghìn cây cối, hoa màu trên đất như quế mỡ và san lấp ao, hồ để để hệ thống đường giao thông được hoàn thành. Nhờ giải phóng mặt bằng nhanh, con đường bê tông dài gần 1,5km, mặt đường rộng 7m đã nhanh chóng được hoàn thiện phục vụ nhu cầu đi lại và giao thương của nhân dân.

Nông thôn Tây Bắc: Đây là cách để người dân đồng lòng làm đường giao thông nông thôn - Ảnh 4.

Những tuyến đường trải bê tông phẳng lỳ, sạch đẹp nối dài từ trung tâm tới những thôn, bản vùng sâu, vùng xa đang được xây dựng, giao thông thuận lợi, giao thương phát triển. Ảnh: Thanh Nga

"Dân vận khéo" trong làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới

Được biết, nhờ vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách và công tác dân vận, việc xây dựng đường giao thông thôn nông thôn đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân, qua đó phát huy sức mạnh đoàn kết, bà con không chỉ góp đất, công sức lao động mà còn động viên nhau tham gia, tạo nên phong trào rộng khắp.

Không chỉ có ở Gia Phú và Phú Nhuận mà nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bảo Thắng vai trò của ban tuyên vận, tổ tuyên vận đã được phát huy trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới, qua đó huy động nguồn lực lớn cho xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Nhờ đó, đến nay toàn huyện có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, gồm các xã Sơn Hà, Sơn Hải, Xuân Quang. Huyện Bảo Thắng đang nỗ lực phấn đấu xây dựng thành công huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Nông thôn Tây Bắc: Đây là cách để người dân đồng lòng làm đường giao thông nông thôn - Ảnh 5.

Giao thông nông thôn được đầu tư, bộ mặt nông thôn mới ở các xã, thị trấn của huyện Bảo Thắng, Lào Cai có sự đổi thay tích cực, đời sống của người dân từng bước được nâng cao, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Ảnh: Thanh Nga

Với những cách làm hiệu quả, phong trào “Dân vận khéo” đã trở thành “chìa khóa” đem lại sự thành công trong công tác vận động quần chúng ở huyện Bảo Thắng. Điểm đáng ghi nhận ở huyện là đã làm tốt công tác dân chủ cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Phát huy được vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở cộng đồng dân cư và sức mạnh nội lực của chính địa phương trong triển khai thực hiện phong trào. Từ đó tạo được lòng tin trong nhân dân, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Tuấn Hùng, Thanh Nga