dd/mm/yyyy

Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sơn La triển khai hiệu quả của chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn.

Clip: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tập chung đầu tư sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Xã Ngọc Chiến là xã vùng III của huyện Mường La (Sơn La), với nhiều dân tộc anh em chung sống: Thái, Mông, La Ha, Kinh. Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Ngọc Chiến phải trải qua những thách thức rất lớn. Ông Lò Văn Thỏa, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) cho biết: Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền xã Ngọc Chiến đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực giúp nhau phát triển kinh tế, góp công, góp của làm đường giao thông nông thôn, duy tu các công trình thủy lợi, chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh đường làng ngõ xóm.

Từ năm 2015 đến nay, xã đã huy động nhân dân đóng góp được 35 tỷ đồng tiền mặt, trên 22.000 ngày công lao động, hiến trên 10.000 m² đất sản xuất, đất ở để làm đường giao thông nông thôn. Sau khi rà soát từng chỉ tiêu, tiêu chí, đánh giá những khó khăn, vướng mắc và trực tiếp kiểm tra thực tế. Đến nay, 100% đường xã, trên 63% đường trục bản, 77% đường ngõ, 86% đường nội đồng được cứng hóa; 96% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia; 97% hộ có nhà kiên cố… Hiện, xã đạt 16/19 tiêu chí NTM, đang tiếp tục hoàn thành 3 tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập và hộ nghèo.

Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) tập chung mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La (Sơn La) cho biết: Mường La là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh miền núi Sơn La, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Vì vậy, huyện gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng NTM, nhất là ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, khó khăn đối với huyện Mường La là xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông, các nhà văn hóa bản tiêu khu. Bên cạnh đó, đối với tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân cũng gặp phải không ít khó khăn, do thu nhập của người dân phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp.

"Trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Huyện Mường La tập chung triển khai dự án 4, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Xây dựng các tuyến đường giao thông từ các tuyến trục chính đến đường nội bản, nội đồng, xây dựng nhà văn hoá đáp ứng được nhu cầu. Đặc biệt huyện sẽ đẩy mạnh năng cao thu nhập cho người dân qua các dự án, mô hình kinh tế, liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Với nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình xây dựng NTM, chương trình giảm nghèo và đặc biệt trên địa bàn có nguồn vốn từ chương trình của thủy điện Sơn La" -  ông Tâm nói.

Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Nhân dân huyện Mường La (Sơn La) góp công, góp của làm đường giao thông nông thôn, duy tu các công trình thủy lợi, chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh đường làng ngõ xóm. Ảnh: Văn Ngọc

Thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Còn tại xã Chiềng Đông là xã vùng III của huyện Yên Châu (Sơn La), kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Toàn xã có trên 1.800 hộ dân, trong đó trên 90% hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Ông Hoàng Văn Khù, Chủ tịch UBND xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Những năm qua xã đã tích cực phối hợp với Phòng Dân tộc huyện triển khai đầy đủ và kịp thời các chính sách đối với đồng bào DTTS theo quy định.

Xã Chiềng Đông lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở vật chất đó là nhà văn hóa bản Nhôm, bản Chai và nhà văn hóa cộng đồng của xã, công trình đường giao thông nông thôn vào khu mó nước nóng của bản Thèn Luông. Qua các chương trình, dự án được đầu tư cũng như thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia thì cũng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần giảm bớt những khó khăn cho người dân, từng bước nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân trên địa bàn. Xã đã triển khai hỗ trợ 192 bồn chứa nước sinh hoạt loại 1.500 lít cho các hộ nghèo và rà soát, thống kê nhu cầu và hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ cho 35/179 hộ có nhu cầu cần hỗ trợ về nhà ở, đất ở trong năm 2023.

Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 4.

Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao nhờ triển khai có hiệu quả chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn. Ảnh: Văn Ngọc

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, huyện Yên Châu đang triển khai 9 dự án thành phần với hàng chục tiểu dự án với tổng nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2023 là trên 144 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển trên 84 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 59 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách địa phương: 880 triệu đồng. Toàn huyện đã đầu tư xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp 31 công trình, dự án nước sinh hoạt tập trung, nhà văn hóa, đường giao thông, cơ sở vật chất trường lớp học, bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai.

Trao đổi với phóng viên, ông Lừ Văn Chung, Trưởng phòng dân tộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết:  Các chương trình, dự án đã giúp cho đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Yên Châu có nhiều chuyển biến tích cực, 100% xã, 85% bản có đường ô tô đến trung tâm xã, bản được bê tông hóa hoặc nhựa hóa; 99,5% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia an toàn; 100% tỷ lệ người đủ điều kiện sử dụng internet; 94% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; các lĩnh vực y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư khang trang, sạch đẹp.

Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 5.

Sơn La triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Văn Ngọc

Bên cạnh đó, UBND huyện Yên Châu còn chỉ đạo các phòng chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người dân, góp phần giúp đồng bào DTTS có điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo.

"Từ các dự án hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn vùng đặc biệt khó khăn, đến nay 100% các xã có đường ô tô, điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu nước tưới phục vụ cho sản xuất; trường học, trạm y tế, đã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của nhân dân… Các chương trình dự án được triển khai đã góp phần để mỗi năm huyện giảm trên 3% hộ nghèo. Cùng với các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp cho vùng DTTS, các giải pháp về lao động, việc làm cũng được đặc biệt quan tâm. Hàng năm, có trên 1.000 người được học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, trong đó tạo việc làm cho 80% là đồng bào DTTS", ông Chung nói.

PV Tây Bắc