dd/mm/yyyy

Dấu ấn về Tết độc lập ở xã vùng cao Sơn La

Vào dịp Tết Độc lập 2/9, đồng bào các dân tộc vùng cao huyện Thuận Châu (Sơn La) tạm gác công việc để tham gia “Phiên chợ vùng cao Co Mạ”...


Clip: "Phiên chợ vùng cao Co Mạ năm 2022".

 Dậy từ tờ mờ sáng Tết Độc lập để đến với "Phiên chợ vùng cao"

Ngày 2/9, cách đây đúng 77 năm, đồng bào các dân tộc của các xã vùng cao huyện Thuận Châu đã đổ về xã Co Mạ để đón Tết độc lập đầu tiên. Những năm tháng ấy, mặc dù chưa có điện, giao thông chưa được nhựa hóa nhưng đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú, Kháng… đổ về trung tâm xã vùng cao Co Mạ rất đông để đón Tết độc lập.

Theo những người già làng người Mông ở xã vùng cao Co Mạ, kể lại, Tết độc lập (tiếng Mông gọi là chua li) nghĩa là tháng 9. Khi những cây lúa trên nương của đồng bào Mông bước vào thì con gái, những bắp ngô đã bắt đầu chín vàng cũng là lúc bà con người Mông lại háo hức về ngày đón Tết độc lập.

Dấu ấn về Tết độc lập ở xã vùng cao Sơn La - Ảnh 2.

Hàng nghìn người đổ về đón Tết độc lập ở xã vùng cao Sơn La. Ảnh: Mùa Xuân.

Đồng bào các dân tộc đến với "Phiên chợ vùng cao" từ rất sớm, khi mặt trời còn chưa lên, đồng bào Mông vùng cao đã xúng xính bên bộ trang phục truyền thống với màu sắc sặc sỡ, âm thanh những tiếng kêu của đồng tiền bên dây lưng vang khắp núi rừng của người thiếu nữ xuống chợ phiên. Người lớn gùi sau lưng lù cở những nông sản của bản, có người thì mang theo cây sáo, cây khèn...

Bà con đến với phiên chợ dịp 2/9, không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn gặp gỡ những người thân để cùng nhau chia sẻ những câu chuyện về một năm sản xuất, về mùa vụ trên nương, rồi hòa mình vào không gian văn hóa, thưởng thức những món ẩm thực độc đáo, cùng nhau chung vui, quên đi những muộn phiền, âu lo, động viên nhau hướng đến những mùa vụ bội thu.

Ông Và Sái Di, bản Co Mạ, xã Co Mạ, năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn dậy thật sớm từ lúc 4 giờ sáng để cho lợn, gà ăn rồi xuống chợ phiên. Ông Di, bảo: Háo hức lắm chứ, mỗi năm có một lần Tết độc lập thôi, nên chúng tôi phải dậy thật sớm để xuống chợ còn gặp bạn bè ôm lại những kỷ niệm xưa và chia sẻ câu chuyện làm kinh tế...

Dấu ấn về Tết độc lập ở xã vùng cao Sơn La - Ảnh 3.

Người dân vùng cao mang vật nuôi xuống chợ phiên bán. Ảnh: Mùa Xuân.

Tờ mờ sáng, khắp các ngả đường tỉnh lộ 108 vào "Phiên chợ phiên vùng cao Co Mạ" đã có rất đông bà con đến họp chợ. Người gùi mấy mớ rau, người xách đôi gà, người chở đôi lợn cắp nách, có người đến đây cũng không bán mua gì, chỉ đến với chợ phiên để cho biết.

"Nghe nói chợ phiên này đông vui lắm nên tôi mới đến đây. Trước khi diễn ra Phiên chợ vùng cao Co Mạ tôi đã đến Co Mạ từ rất sớm, thời tiết ở đây khá mát mẻ giống như ở Sa Pa vậy, tôi cũng rất ấn tượng với trang phục dân tộc của đồng bào Mông trắng. Lần tới tôi sẽ rủ thêm bạn bè cùng xuống để cùng trải nghiệm". Chị Hoàng Thị Tấu, du khách đến từ huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai nói.

Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao thu hút du khách

"Phiên chợ vùng cao Co Mạ" năm nay diễn ra trong 2 ngày, với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian truyền thống, như: Thi giã bánh dày, giao lưu văn nghệ, bịt mắt bắt vịt … và không thể thiếu cuộc thi truyền thống tu lu, bắn nỏ, bóng chuyền, thi thêu khăn.

Dấu ấn về Tết độc lập ở xã vùng cao Sơn La - Ảnh 4.

Mũ đội đầu được khâu bằng đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Mông vùng cao huyện Thuận Châu. Ảnh: Mùa Xuân.

Ngoài ra, phiên chợ còn có các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm nông sản địa phương, như: Quả sơn tra, khoai sọ, dưa mèo, dưa, rượu ngô, gà đen do chính đồng bào dân tộc tại các xã vùng cao của huyện Thuận Châu sản xuất, chế biến và nhiều gian hàng bày bán các đồ gia dụng, thổ cẩm, trang phục dân tộc…

Chị Vừ Thị Tria, đến từ bản Co Nghè B, xã Co Mạ, chia sẻ: Đến với "Phiên chợ vùng cao" tôi rất vui lắm. Đặc biệt là tôi còn được tham gia thi khâu bông vào cái mũ đội đầu do xã Co Mạ tổ chức và đạt giải nhất. Người dân chúng tôi đến đây không chỉ tham gia trải nghiệm các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại phiên chợ mà con được gặp gỡ người thân, mua những bộ trang phục của dân tộc mình.

Dấu ấn về Tết độc lập ở xã vùng cao Sơn La - Ảnh 5.

Thi giã bánh dày của đồng bào Mông vùng cao Co Mạ. Ảnh: Mùa Xuân.

"Phiên chợ vùng cao Co Mạ" đã được xã Co Mạ, huyện Thuận Châu tổ chức hơn chục năm nay, đây là dịp để người dân các xã vùng cao đến giao lưu văn hóa, thể thao, gặp gỡ chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống. Đồng thời, giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương đến với du khách gần xa, góp phần quảng bá hình ảnh và thúc đẩy phát triển sản xuất, du lịch trên địa bàn xã Co Mạ ngày càng vươn xa hơn đến du khách trên mọi miền.

Dấu ấn về Tết độc lập ở xã vùng cao Sơn La - Ảnh 6.

Trưng bày các loại nông sản của địa phương tại phiên chợ. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Và Phỏng Sá, Phó Chủ tịch UBND xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, cho biết: Phiên chợ vùng cao Co Mạ được xã tổ chức thường niên. Tuy nhiên, 2 năm qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19 đã bị giãn đoạn. Năm nay, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát xã đã tổ chức lại nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc để thu hút du khách thập phương đến trải nghiệm. So với những năm trước đây, điểm nhấn của "Phiên chợ vùng cao" năm nay là việc tổ chức thi khâu bông vào chiếc khăn piêu của cái mũ đội đầu của đồng bào Mông nhằm lưu giữ bản sắc dân tộc độc đáo riêng chỉ có ở các xã vùng cao của huyện Thuận Châu. 

Không nổi tiếng như Tết độc lập ở huyện Mộc Châu và nhiều địa phương khác nhưng mỗi du khách khi đặt chân đến với xã vùng cao Co Mạ đều cảm nhận được bản sắc văn hóa độc đáo riêng và vùng đất, con người ở nơi đây. 

Mùa Xuân