dd/mm/yyyy

Đắk Lắk: "Hot boy" trẻ đa tài nuôi tôm càng xanh và trồng lung tung đủ loại quả hữu cơ, giờ có khoản lớn

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng anh Nguyễn Đức Thành không ngừng cố gắng vươn lên và trở thành tấm gương sáng trên hành trình khởi nghiệp. Sau 5 năm gắn bó, trải qua nhiều thất bại, mô hình nông nghiệp hữu cơ của anh đã đạt được những thành công bước đầu và hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trưởng thành từ thất bại

Là người con thứ 2 trong gia đình có 2 chị em, khoảng năm 2014, sau khi bố mất để lại gánh nặng kinh tế cho cả gia đình, anh Nguyễn Đức Thành (SN 1998, trú tại thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) quyết định nghỉ học khi vừa học hết lớp 9, ở nhà phụ giúp gia đình. Lúc này, dù tuổi đời còn nhỏ nhưng anh đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng cho việc nuôi bò sinh sản, trồng hoa, hồ tiêu trên diện tích đất 1,1ha của gia đình. Thế nhưng, nam thanh niên này đã không tránh khỏi những vấp ngã trong những bước đi đầu tiên.

Anh Thành chia sẻ về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ổi.

Đắk Lắk: "Hot boy" trẻ đa tài nuôi tôm càng xanh và trồng lung tung đủ loại quả hữu cơ, giờ có khoản lớn - Ảnh 1.

Anh Thành chia sẻ về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ổi.

Sau hai năm nuôi bò sinh sản và thấy không mang lại hiệu quả như mong muốn, anh Thành đã quyết định bán bò nhưng chỉ thu được một nửa tiền vốn do mất giá. Không những thế, do vùng đất của gia đình anh đang sinh sống, canh tác là đất sỏi pha sét lại bị trũng nên không phù hợp với việc trồng hồ tiêu và rất khó cải tạo. Vì vậy, toàn bộ hồ tiêu bị hư hỏng hết khiến cuộc sống của gia đình càng gặp khó khăn hơn.

Thế nhưng, thất bại không làm Thành nản chí mà lại trở thành động lực để anh Thành cố gắng tìm cách tháo gỡ. Với suy nghĩ phải vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay tại mảnh đất nơi mình đã lớn lên, anh Thành nhận thấy phải tìm một hướng đi khác, bền vững hơn và nhen nhóm ý định thực hiện mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi theo phương pháp hữu cơ. Để ý tưởng không nằm mãi trong ý nghĩ, anh Thành dành toàn bộ thời gian để tìm hiểu kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên mạng internet, sách, báo... Không dừng lại ở đó, anh đã quyết định tìm đến các nhà vườn ở các tỉnh miền Tây để thăm quan, học tập nhằm tìm hiểu các loại cây phù hợp với vùng đất của gia đình mình.

Năm 2017, sau một thời gian dài đi khắp các tỉnh miền Tây, anh Thành bàn với gia đình phá bỏ một số diện tích để đưa 100 cây ổi lê, ổi nữ hoàng, 150 cây dừa xiêm... từ miền Tây về trồng theo phương pháp hữu cơ. Sau khoảng 6 tháng trồng, cây ổi bắt đầu cho thu hoạch, ra trái quanh năm và có chất lượng cao. 

Đắk Lắk: "Hot boy" trẻ đa tài nuôi tôm càng xanh và trồng lung tung đủ loại quả hữu cơ, giờ có khoản lớn - Ảnh 3.

Hàng trăm cây dừa xiêm của anh Thành đang bước vào giai đoạn kinh doanh.

Để sản phẩm cây trồng hữu cơ của mình được mọi người biết đến, ban đầu anh Thành và gia đình đem ra chợ bán cho mỗi người dân 1-2 quả ăn thử, với giá từ 20-30.000 đồng/kg. Thấy ổi ngon nên từ đó, nhiều người kéo đến hỏi mua của gia đình anh Thành. Riêng dừa xiêm sau hơn 2 năm trồng, chăm sóc tốt cũng ra bói và cho trái quanh năm.

Tuy nhiên, thành công không đến quá dễ dàng. Thời gian đầu, do không có kinh nghiệm chăm sóc, chăm bón nên ổi sau khi ra quả bị hư hỏng, sâu bệnh rất nhiều. Có thời điểm, anh phải vứt bỏ 2-3 tấn ổi bị hư. Để khắc phục, anh Thành đã tìm đến các nhà vườn, lên mạng để tìm hiểu về đặc tính của cây trồng này và sử dụng các chế phẩm sinh học, ủ phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để xịt, chăm bón cho cây ổi, kết hợp bao túi cho trái.

Mặt khác, trong quá trình canh tác, anh Thành đã chủ động áp dụng biện pháp tưới nước tự động, giúp tiết kiệm nhân công. Đồng thời, trồng các cây cộng sinh như lạc dại để hạn chế cỏ, giữ ẩm, tăng độ phì nhiêu cho đất...Nhờ vậy, không những tạo ra được sản phẩm sạch mà còn giúp trái ổi không bị rạm nắng, cũng như giảm được tỷ lệ bị hư hỏng do ảnh hưởng của thời tiết và cồn trùng gây ra.

Đắk Lắk: "Hot boy" trẻ đa tài nuôi tôm càng xanh và trồng lung tung đủ loại quả hữu cơ, giờ có khoản lớn - Ảnh 4.

Vườn cây giống ăn quả anh Thành cung cấp cho người dân nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Nhận thấy việc trồng cây ăn quả hữu cơ không tốn nhiều chi phí và tỉ lệ rủi ro thấp nên năm 2018, anh Thành tiếp tục trồng thêm 500 cây ổi lê, ổi nữ hoàng, hơn 100 cây dừa xiêm và nhiều loại cây ăn quả khác. Đồng thời, xây dựng trại cây giống rộng 300m2 để nhập và ươm thêm 60 loại cây giống ăn quả để bán cho người dân địa phương. Cùng với việc bán cây giống, anh Thành nhiệt tình tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cho mọi người. Đến nay, anh đã cung cấp cây giống ăn quả cho người dân khắp tỉnh, thành trên cả nước. Đáng nói, 400 cây ổi trong diện tích của gia đình anh đã cho thu hoạch khoảng 20 tấn/năm và hơn 300 cây dừa xiêm đang bắt đầu ra trái.

Độc đáo mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất Tây Nguyên

Không dừng lại ở việc trồng cây hữu cơ, anh Thành đã đầu tư mở rộng diện tích, đào 6 ao nuôi cá. Hàng năm, anh đã xuất bán khoảng 7 tấn cá các loại như: rô phi, trắm, chép... Không những vậy, trong những chuyến đi miền Tây, chàng thanh niên trẻ không khỏi thích thú với mô hình nuôi tôm càng xanh nên gặp ai anh cũng dừng lại để hỏi.

Vào năm 2017, anh Thành quyết định bỏ 12 triệu đồng mua giống tôm càng xanh về nuôi hữu cơ. Thế nhưng, do không có kỹ thuật, tôm bị sốc nước và chết hết. Không nản lòng và xem đó là bài học kinh nghiệm, năm 2018 anh tiếp tục dùng 12 triệu đồng để tiếp tục đầu tư nuôi tôm càng xanh nhưng tỉ lệ sống cũng chưa đạt như mong muốn.

Đắk Lắk: "Hot boy" trẻ đa tài nuôi tôm càng xanh và trồng lung tung đủ loại quả hữu cơ, giờ có khoản lớn - Ảnh 5.

Tôm càng xanh được anh Thành mua con giống từ miền Tây về nuôi nay đã có thu hoạch.

Năm 2019, anh lại lặn lội về miền Tây mua hơn  60.000 con tôm càng xanh giống về nuôi và sống được khoảng hơn 2.000 con. Có thêm động lực khi tỉ lệ sống của tôm ngày càng tăng, năm 2020 anh Thành đã mua gần 100.000 con tôm càng xanh giống, với số tiền 40 triệu đồng về nuôi và tỉ lệ sống được khoảng 10%. Đây cũng là năm đầu tiên anh thu hoạch được 6 tạ tôm càng xanh, bán với giá 400-450.000 đồng/kg, tổng thu khoảng 400-450 triệu đồng, trong đó thu lợi khoảng 50-60%.

Anh Thành chia sẻ: “Khó khăn nhất trong việc nuôi tôm càng xanh là giai đoạn ươm con giống. Khi mới đưa giống về, tôm dễ bị sốc nước chết. Do đó, để khắc phục những thất bại trong việc nuôi tôm càng xanh, mỗi ngày tôi đều trăn trở, tìm hiểu để rút kinh nghiệm cho bản thân. Theo đó, ngoài việc dùng các thức ăn hữu cơ, tôi còn học kỹ thuật cho ăn. Mặt khác, mua máy đo PH, NO2, NO3, Oxy nhằm duy trì, quản lý nguồn nước để cá, tôm được phát triển tốt hơn.

Cũng theo anh Thành, để nuôi tôm càng xanh đạt hiệu quả cũng như cho năng suất, sản lượng cao thì người nuôi tôm cần phải nắm rõ tập quán sinh sống, chọn con giống rõ nguồn gốc, không bị nhiễm bệnh, kích cỡ đồng đều,...Cần thả tôm giống với mật độ thưa; thức ăn và quản lý việc cho ăn phải phù hợp, không quá nhiều cũng không quá ít;…

Ngoài việc trồng trọt, chăn nuôi, từ tháng 9/2019 đến nay, được sự khuyến khích của các ban ngành tại địa phương, anh Thành đã làm 2 nhà chòi, 1 nhà dài bằng gỗ và lá dừa để phục vụ nhu cầu du lịch miệt vườn kết hợp với nông nghiệp hữu cơ. Chỉ tính riêng Tết Nguyên đán 2021, mô hình của anh Thành đã đón khoảng 2.000 khách du lịch đến thăm quan.

Đắk Lắk: "Hot boy" trẻ đa tài nuôi tôm càng xanh và trồng lung tung đủ loại quả hữu cơ, giờ có khoản lớn - Ảnh 6.

Nhiều cá nhân, đoàn thể đến thăm quan, học tập mô hình nông nghiệp hữu cơ của anh Thành.

Với mô hình trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ, phục vụ du lịch miệt vườn trên diện tích 3ha, dù đang trong giai đoạn đầu tư nhưng năm 2020 gia đình anh Thành đã thu nhập tổng cộng từ 700-750 triệu đồng, trong đó lợi nhuận khoảng 40-50% trên tổng thu nhập. Anh Thành cho hay: “Sau một thời gian ngắn bắt tay vào làm và trải nghiệm thực tế, tôi nhận thấy việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ không những giúp cho đất liên tục được cải tạo mà năng suất và chất lượng sản phẩm cũng cao hơn.

Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Quảng Hiệp cho hay: “Có thể nói, anh Thành là một thanh niên còn rất trẻ, gia đình rất nghèo khó, bố mất sớm. Thế nhưng, với tinh thần vượt khó, nhẫn nại, không ngừng tìm tòi, học hỏi, anh đã xây dựng một mô hình trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ điển hình tại địa phương. Trước hết, mô hình mà anh Thành đang xây dựng, phát triển đã khai thác được tiềm năng của vùng đất nơi đây. Từ một vùng đất cằn cỗi, sỏi đá, thiếu nước nghiêm trọng, nhiều người dân đã bỏ hoang vì không sản xuất được gì thì anh Thành đã ứng dụng khoa học kỹ thuật để trồng trọt chăn nuôi hữu cơ rất hiệu quả.

Đặc biệt, với chủ trương lấy ngắn nuôi dài, không đầu tư số tiền lớn trong một lúc, mô hình của anh Thành đã đưa lại hiệu quả kinh tế trội hơn so với việc trồng cây dài ngày khác như: cà phê, tiêu, điều... Không chỉ hiệu quả về kinh tế gia đình, mô hình sản xuất của anh Thành đã tạo công ăn việc làm cho một số lao động phổ thông tại địa phương.

Hiện nay, mô hình của anh đã được nhiều người dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành khác biết và đến học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời, anh Thành còn cung cấp giống cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật trồng cho nhiều người dân để cùng làm ăn phát triển kinh tế”./.

Nguyễn Chính – Thu Hiền