dd/mm/yyyy

Cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp ở Lai Châu

Cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp giúp nông dân huyện Phong Thổ (Lai Châu) đạt được nhiều thành quả rõ rệt...

Nông dân huyện Phong Thổ (Lai Châu) đẩy mạnh việc cơ giới hoá trong sản xuất

Nông nghiệp được coi là ngành kinh tế chủ lực ở huyện Phong Thổ (Lai Châu). Bởi thế huyện chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa cơ giới vào sản xuất theo hướng hàng hóa thị trường, nhờ đó góp phần thúc đẩy nên nông nghiệp của huyện biên giới ngày càng phát triển theo hướng tiên tiến, hiện đại.

Về Lai Châu xem bà con đưa cơ giới hoá vào sản xuất - Ảnh 1.

Đưa cơ giới vào sản xuất góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp của huyện biên giới Phong Thổ (Lai Châu) ngày càng phát triển theo hướng tiên tiến, hiện đại. Ảnh Bảo Anh

Chia sẻ với phóng viên báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt /Trangtraiviet điện tử, bà Trần Thị Thủy, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết: Trong những năm qua, huyện tập trung huy động nguồn lực để phát triển đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, nhờ đó tỷ trọng cơ giới ngành nông nghiệp ngày càng tăng, nhất là trong khâu làm đất, thu hoạch.

"Việc cơ giới và áp dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện đúng lịch thời vụ, giải phóng sức lao động cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm 7 - 10% chi phí… qua đó góp phần thay đổi nhận thức của nông dân trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp", bà Thuỷ nhấn mạnh.

Theo đó, thời gian qua, từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của Chính phủ 30a, 135, các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh như 29, 33, huyện Phong Thổ đã triển khai hỗ trợ máy móc sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân như: máy làm đất, máy hái đa năng, máy tuốt lúa mini, máy thái chuối… theo các hình thức hỗ trợ toàn phần và người dân đối ứng thêm dựa trên nhu cầu đăng ký của mỗi hộ.

Về Lai Châu xem bà con đưa cơ giới hoá vào sản xuất - Ảnh 2.

Đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp giải phóng sức lao động cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh Bảo Anh

Chia sẻ với chúng tôi, anh Tao Văn Thực ở bản Huổi Hán, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ hồ hởi cho biết: Từ khi dùng máy cày này thì tôi thấy gia đình tôi đỡ vất vả hơn so với trước đây cày bằng trâu. Máy này rất bền, cấy được 2 vụ nay vẫn sử dụng tốt, không phải thay thế hay sửa chữa gì cả.

Chỉ tính riêng năm 2021, từ nguồn vốn chính sách hỗ trợ của tỉnh Lai Châu, huyện Phong Thổ đã hỗ trợ cho 471 hộ gia đình ở các xã trên địa bàn mua mới máy làm đất các loại.

Các cấp chính quyền huyện Phong Thổ (Lai Châu) đồng hành cùng nông dân đưa cơ giới hoá vào sản xuất

Nhằm đẩy mạnh cơ giới trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh các chương trình, chính sách hỗ trợ, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong huyện cũng triển khai các giải pháp cụ thể, phù hợp với địa phương.

Về Lai Châu xem bà con đưa cơ giới hoá vào sản xuất - Ảnh 3.

Huyện vùng cao biên giới Phong Thổ có gần 92% dân cư sống ở nông thôn và 88,7% lao động trong nông nghiệp. Ảnh Bảo Anh

Chia sẻ về mục tiêu đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp nhằm giải phóng sức lao động, tăng năng suất cây trồng ở địa phương, ông Hà Minh Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ cho biết: Các cấp chính quyền xã Nậm Xe tích cực vận động người dân thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp gắn với các chính sách hỗ trợ của tỉnh Lai Châu tiêu biểu như quyết định 29 của UBND tỉnh trong hỗ trợ máy móc sản xuất nông nghiệp, chương trình 135…

Bên cạnh đó, chúng tôi tạo mọi điều kiện giúp người dân vay vốn ngân hàng chính sách để mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn xã Nậm Xe có trên 90% các hộ sản xuất nông nghiệp có máy cày, giảm thiểu đáng kể công lao động.

Tính đến hết năm 2021, toàn huyện Phong Thổ có 76 máy gặt đập liên hợp, trên 4.000 máy làm đất các loại, 309 máy tuốt lúa mini động cơ, gần 1.400 máy tách hạt, 518 máy chế biến thức ăn…

Về Lai Châu xem bà con đưa cơ giới hoá vào sản xuất - Ảnh 4.

Đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Ảnh Bảo Anh

Từ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cơ giới trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy nên nông nghiệp của huyện biên giới Phong Thổ ngày càng phát triển theo hướng tiên tiến, hiện đại; năng suất, chất lượng cây trồng, giá trị sản xuất nông nghiệp theo đó tăng dần theo từng năm.

Với tổng sản lượng lương thực 6 tháng đầu năm 2022 đạt trên 4.000 tấn, tăng gần 100 tấn so với cùng kỳ năm trước là minh chứng thiết thực nhất cho thấy hiệu quả của việc đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.

Bảo Anh