Duyên từ muối biển
Sinh ra tại vùng quê Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, chị Phạm Hồng Thắm (30 tuổi, quê xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) được chứng kiến muối truyền thống ngày càng bấp bênh và mang lại thu nhập thấp.
Sa Huỳnh là vùng đất sản xuất muối biển có truyền thống cha truyền con nối từ rất lâu trước thời Pháp thuộc. Muối Sa Huỳnh từ xưa đã nổi tiếng là muối ngon, vị mặn dịu, hậu ngọt.
Theo chị Thắm, đồng muối Sa Huỳnh không giống với các đồng muối biển công nghiệp khác tại Việt Nam. Nơi đây thuộc sở hữu của một cộng đồng gồm nhiều hộ diêm dân, mảnh ruộng được kế thừa từ thời ông cha đến giờ. Cứ đến mùa muối là diêm dân lại ra đồng, làm muối ngay tại mảnh ruộng của chính mình.
Muối Sa Huỳnh hiện vẫn còn giữ lối sản xuất truyền thống trên nền đất. Chất đất ở đây là loại đất bùn pha cát nên cứng chắc, có thể làm ra muối biển thô trên nền đất mà vẫn đảm bảo độ sạch để ăn được. Muối nền làm mát đất giúp muối kết tinh chậm, lọc tạp chất và giàu khoáng chất. Muối nền đất lúc nào cũng ít chát và mặn ngọt hơn muối nền bạt hoặc bê tông.
Khởi nghiệp bán muối biển truyền thống từ năm 2015 khi đang học năm cuối Đại học Kinh tế Luật TP Hồ Chí Minh với hai sản phẩm chính là muối hột và muối hầm, chị Thắm cho biết giá muối hột bán lẻ lúc đó là 16.000 đồng/kg. Những năm đầu, vì sản xuất thủ công, quy mô siêu siêu nhỏ nên lợi nhuận cũng thấp cộng với vốn khởi nghiệp đúng nghĩa 0 đồng luôn khiến chị Thắm phải làm thêm việc ngoài mới đủ sống.
“Những ngày đầu khởi nghiệp, muối Sa Huỳnh giá thấp, mình cũng xúc động mỗi khi nhắc đến hạt muối quê hương. Nhưng tôi tâm niệm không bán muối vì sự thương hại, cho nên tôi không ngừng nỗ lực để đem lại sản phẩm tốt nhất cho khách hàng, khách mua vì muối ngon, chất lượng chứ không phải mua để giải cứu”, chị Thắm nói.
Không bỏ cuộc, qua từng năm, chị Thắm hiểu thêm về đồng muối truyền thống cũng như đa dạng hóa các sản phẩm làm từ muối. Trong đó đặc biệt nhất là hoa muối được chị đưa ra thị trường năm 2017. Đây là những hạt muối đóng thành vảy nổi trên mặt nước, bình quân 100kg muối hột chỉ cho ra 1kg hoa muối.
Đến hiện tại, thương hiệu doanh nghiệp Sahu được chị Thắm thành lập đã trở thành đơn vị đầu tiên sản xuất hoa muối tại Việt Nam. Trong đó, có các sản phẩm như muối xay, muối bọt, hoa muối, nước cốt muối đang được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra các sản phẩm muối gia vị như muối tiêu, muối ruốc, muối ớt… cũng được chị Thắm sáng lập và gây dựng trong 7 năm ròng rã khởi nghiệp.
Tới nay, muối hầm, muối tre của chị Thắm đã đạt chuẩn OCOP (mỗi xã một sản phẩm - Bộ Công Thương) 4 sao. Hiện cơ quan chức năng hỗ trợ chị Thắm bán muối trên nền tảng thương mại điện tử quốc tế để đạt chuẩn 5 sao.
Cũng trong năm 2022, chị Thắm cho biết đã cho ra mắt sản phẩm muối tre đắt nhất từ trước tới nay với giá bán ra thị trường là 1 triệu đồng/1kg. Với dòng muối này, chị Thắm cho biết đang mong muốn có thể bán ở các thị trường khác thị trường hiện tại và hoàn thiện chứng nhận HACCP. Chị Thắm tâm niệm, muối biển truyền thống Việt Nam là một sản phẩm nông nghiệp đáng tự hào và cần được giữ gìn, bảo tồn.
“Muối Sahu là đơn vị đầu tiên sản xuất hoa muối tại Việt Nam, Sahu hợp tác với diêm dân Sa Huỳnh, hướng dẫn kỹ thuật và trao đổi với nhau để làm ra hoa muối đạt chuẩn, được nhiều khách hàng cả nước ưa chuộng. Hy vọng, những sản phẩm chất lượng và giá trị cao từ đồng muối sẽ giúp giữ gìn và bảo tồn ruộng muối Sa Huỳnh mãi về sau”, chị Thắm chia sẻ.
Làm du lịch bảo tồn muối Sa Huỳnh truyền thống
Cuối tháng 6 năm nay, chị Thắm cùng với những người bạn đã cùng kết nối tổ chức chương trình Du lịch cộng đồng Hoa Muối Sa Huỳnh.
“Quá trình làm du lịch cộng đồng để bảo tồn đồng muối truyền thống Sa Huỳnh vỏn vẹn mới hơn 3 tháng, trong 3 tháng này tôi đã tổ chức 2 hội thảo (tham vấn ý kiến của diêm dân về du lịch cộng đồng và hội thảo ra mắt tổ hợp tác du lịch cộng đồng) tổ chức cho bà con đi học tập về du lịch cộng đồng tại Hoà Bắc, kết nối với cộng đồng Sa Huỳnh, lên chương trình du lịch, đi thử nghiệm tour, viết đề xuất ý tưởng dự án bảo tồn đồng muối truyền thống Sa Huỳnh...”, chị Thắm tâm sự.
Du lịch cộng đồng Hoa Muối Sa Huỳnh ra đời với tên gọi Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Hoa Muối Sa Huỳnh, với các thành viên đa phần là diêm dân Sa Huỳnh và những người gắn bó với nghề muối. Mục đích nhằm thông qua du lịch cộng đồng để tạo động lực nâng cao ý thức người dân địa phương, góp phần bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển.
Sa Huỳnh là một vùng đất mang đậm bản sắc văn hoá, với bề dày lịch sử hơn 3000 năm gắn với Văn Hoá Sa Huỳnh. Nơi đây còn tồn tại vẻ đẹp của di sản, di dích quốc gia, vẻ đẹp của làng nghề, của lao động, những điệu hát, múa truyền thống...
Thông qua định hướng phát triển du lịch theo hướng bảo tồn truyền thống, chị Thắm hy vọng việc phát huy văn hoá và bảo vệ môi trường sẽ giúp quê hương Sa Huỳnh trở nên tốt đẹp hơn, gìn giữ được những cái đẹp hiện có nhưng mỏng manh trước xu hướng hiện đại hoá.