Lan kim tuyến là một loài thực vật bản địa quý hiếm của Việt Nam, phân bố chủ yếu ở các vùng rừng núi Tây Nguyên và một phần ở các tỉnh phía Bắc như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh.
Loài thảo dược đắt đỏ khó tìm
Giá trị y học cao của lan kim tuyến đã thu hút sự chú ý của thương lái Trung Quốc, khiến họ thường xuyên sang Việt Nam thu mua. Trước kia, từng có thời điểm giá lan kim tuyến bị đẩy lên cao ngất ngưởng, đạt đến 100 triệu đồng/kg. Còn ở Trung Quốc, giá bán 1 kg lan kim tuyến cao nhất có thể lên đến 2.400 NDT (7,8 triệu đồng) ở thời điểm hiện tại. Tại Việt Nam, rượu ngâm lan kim tuyến cũng có giá khá đắt - gần 1,4 triệu đồng/bình 2 lít.
Trong các sách Đông y Trung Quốc như “Phúc Kiến dược vật chí”, “Tân Hoa bản thảo cương yếu” đều ghi chép về hiệu quả sử dụng của lan kim tuyến. Đối với các thầy thuốc xưa, lan kim tuyến là một loại dược thảo dược nhiều công dụng.
Hay như theo cuốn sách Đông y nổi tiếng Trung Quốc "Bản thảo cương yếu”, loài thực vật này có thể giúp làm dịu gan, mát huyết, thanh nhiệt, giải độc. Theo Y học cổ truyền Việt Nam, Lan kim tuyến còn có tác dụng tăng cường sức khỏe, bồi bổ khí huyết, có tính kháng khuẩn cao, được ứng dụng trong các bài thuốc phòng ngừa ung thư, hỗ trợ điều trị bệnh gan, tiểu đường, ổn định huyết áp vô cùng hiệu quả.
Một phần lý do khiến mức giá của loài “cỏ dại” này cao đến vậy nằm ở số lượng cực kỳ khan hiếm. Ở Trung Quốc, chỉ cần nhiệt độ xuống dưới 15 độ C là loài thực vật này sẽ không thể sống sót. Chúng chỉ có thể sinh trưởng ở một số vùng phía Nam Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây và Phúc Kiến. Và dù ở Trung Quốc hay Việt Nam, đại đa số lan kim tuyến đều chỉ có thể được tìm thấy trong rừng sâu, khiến việc tìm kiếm chúng trở nên không hề dễ dàng.
Nguy cơ tuyệt chủng và nỗ lực bảo tồn
Nhận thức được giá trị của lan kim tuyến, nhiều người đã thử nghiệm trồng loại cây này. Tuy nhiên, việc trồng chúng không hề đơn giản. Loài cỏ này rất nhạy cảm với môi trường, khó sống được khi nhiệt độ và độ ẩm thấp. Do đó, hiệu quả trồng trọt vẫn chưa cao.
Theo Sách Đỏ Việt Nam 2007, loài này cũng được xếp vào mức nguy cấp. Còn tại Trung Quốc, vào những năm 1990, do khai thác quá mức, lan kim tuyến đã được chính phủ nước này đưa vào danh sách cây thuốc quý có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện nay, việc bảo tồn và phát triển bền vững loại cây này là vô cùng quan trọng.