dd/mm/yyyy

Chương trình OCOP góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế ở huyện nghèo Đà Bắc

Những năm qua, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã và đang triển khai có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với tiềm năng của địa phương, góp phần giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Clip: Các sản phẩm OCOP của HTX Đà Giang Eco, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc.

Xây dựng thương hiệu OCOP, nâng cao giá trị sản phẩm

Từ khi triển khai chương trình OCOP đã thu hút nhiều hộ sản xuất kinh doanh, Hợp tác xã (HTX)… trên địa bàn huyện Đà Bắc tham gia. Trong giai đoạn 2018 - 2023 toàn huyện Đà Bắc có 11 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên, có thể kể đến như: rượu ngô Cao Sơn; miến dong Đà Bắc; sản phẩm hạt Sachi Omega 3.6.9 rang sấy; du lịch cộng đồng Đá Bia; chè Shan tuyết Trung Thành; lợn bản địa Tân Minh; gà đồi Tân Minh; cá trắm đen...

Đến nay toàn huyện Đà Bắc có 6 sản phẩm đạt OCOP đang hoạt động, gồm: Rượu thóc Trúc Sơn, lợn bản địa Tân Minh; gà đồi Tân Minh; cá trắm đen, cá ngạnh sông Đà, cá lăng đen...

Các cơ sở có sản phẩm đạt chuẩn OCOP cũng từng bước nâng cao năng lực điều hành kinh doanh, thực hiện tốt các quy trình sản xuất. Nhờ đó, sản lượng, doanh thu của HTX ngày càng tăng và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Chương trình OCOP góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế ở huyện nghèo Đà Bắc- Ảnh 1.

Sản phẩm OCOP 3 sao thịt lợn bản địa Tân Minh và gà đồi Tân Minh của HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh. Ảnh: Phạm Hoài.

Được thành lập năm 2022, hiện nay, HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh, xã Tân Minh thường xuyên duy trì đàn lợn đen bản địa trên 2.000 con. Nhiều hộ thành viên và hộ liên kết nuôi 50 – 80 con lợn/lứa. bình quân mỗi tháng, HTX sản xuất, cung ứng ra thị trường từ 2 - 2,5 tấn thịt lợn, khoảng 500 con gà, tương đương 700-800 kg gà thương phẩm.

Chị Hà Thị Tâm - Giám đốc HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh chia sẻ: "Khi đi vào hoạt động, HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh đã chọn hướng chăn nuôi và cung ứng sản phẩm thịt lợn đen bản địa tại địa phương. Nhằm nâng cao giá trị cũng như thương hiệu cho sản phẩm thịt lợn đen bản địa, chị Tâm đã mạnh dạn đăng ký OCOP với thương hiệu thịt lợn bản địa Tân Minh và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Từ khi được công nhận OCOP, sản phẩm của tôi được nhiều người biết đến hơn, lượng sản phẩm bán ra gấp nhiều lần hơn".

Được biết, ngoài sản phẩm OCOP 3 sao thịt lợn bản địa Tân Minh, HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh vừa được công nhận thêm sản phẩm OCOP 3 sao gà đồi Tân Minh. Sản phẩm HTX ngoài được tiêu thụ trong huyện, tỉnh còn được đem đi tiêu thụ ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định, Bắc Ninh, TP Hà Nội. Hoạt động của HTX đã góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên, trong đó có các hộ nghèo, hộ khó khăn và nâng cao giá trị các sản phẩm lợi thế chủ lực của địa phương.

Chương trình OCOP góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế ở huyện nghèo Đà Bắc- Ảnh 2.

Thành viên HTX Đà Giang Eco, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc thực hiện sơ chế sản phẩm cá sông Đà. Ảnh: Anh Hoài.

Ở xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, nghề nuôi cá lồng ở hồ Thuỷ điện Hoà Bình đã phát triển hàng chục năm qua, nhưng trước đây "mạnh ai nấy làm" nên hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao. 

Đầu năm 2023, HTX Đà Giang ECO được thành lập đã liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cá với các hộ nuôi cá lồng trên địa bàn xã. Từ đó đến nay, HTX đã hoạt động hiệu quả, thực sự mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi cá lồng ở xã vùng hồ này. Đến nay, HTX có 40 lồng cá và 100 hộ liên kết nuôi cá lồng, tạo nguồn cung dồi dào cho các nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, hiện nay HTX đã có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao là cá trắm đen, cá ngạnh sông Đà, cá lăng đen. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.

Anh Xa Ngọc Hưng, Giám đốc HTX Đà Giang Eco chia sẻ: "Cá lăng đen, trắm đen và cá ngạnh là những sản phẩm OCOP của HTX Đà Giang Eco đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường tiêu thụ. Giá thành các sản phẩm phù hợp, thuận tiện trong việc sơ chế, chế biến các món ăn phù hợp trong bữa cơm gia đình. Theo đó, sản phẩm cá lăng đen và trắm đen sau khi thực hiện sơ chế có giá ổn định từ 180.000 đồng – 200.000 đồng/kg. Toàn bộ sản phẩm được các hộ nuôi trong khoảng 18 tháng trước khi xuất bán. Cùng với đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, HTX Đà Giang Eco tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ với nhiều mẫu mã, sản phẩm được chế biến từ cá sông Đà. Theo đó, các sản phẩm được sơ chế, chế biến sâu và đóng gói bán tại nhiều cửa hàng, siêu thị tại các thành phố lớn và vùng lân cận".

Cần có chính sách hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP

Ông Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cho hay, chương trình OCOP đã khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên bản địa, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng chuẩn hóa sản phẩm OCOP nên bước đầu đã hình thành được các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương. Đến nay, chương trình OCOP đã tạo được sự lan tỏa rộng khắp, góp phần tái cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân nông thôn.

Chương trình OCOP góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế ở huyện nghèo Đà Bắc- Ảnh 3.

Để sản phẩm OCOP của huyện ngày càng phát triển cần có sự quan tâm của các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh, huyện tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp cận công nghệ mới, vay vốn ưu đãi và được tham gia nhiều các hoạt động xúc tiến thương mại... Ảnh: Anh Hoài.

Tuy nhiên, chương trình OCOP là chương trình mới, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, để chuẩn hóa các sản phẩm OCOP cần rất nhiều các thủ tục giấy tờ như: Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, mã số, mã vạch, giấy đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, công bố chất lượng sản phẩm, cam kết bảo về môi trường…

Do vậy, quá trình chuẩn hóa các chủ thể còn ngần ngại trong lập hồ sơ tham gia chấm điểm phân hạng sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, các chủ sản xuất tại các địa phương đều là những hộ sản xuất không đăng ký sản xuất kinh doanh, do vậy không đủ điều kiện để tham gia chuẩn hóa sản phẩm OCOP hoặc những chủ thể đủ điều kiện tham gia chủ yếu là những HTX loại hình siêu nhỏ, quy mô sản xuất nhỏ, thiếu cơ sở vật chất, nhà kho, thiếu kinh phí sản xuất, sản phẩm chế biến chưa sâu…

Để sản phẩm OCOP của huyện ngày càng phát triển cần có sự quan tâm của các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh, huyện tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp cận công nghệ mới, vay vốn ưu đãi và được tham gia nhiều các hoạt động xúc tiến thương mại...

"Giai đoạn 2021 - 2025, huyện phấn đấu có ít nhất 6 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên. Nhằm tiếp tục phát triển cũng như nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, huyện sẽ tập trung chuẩn hóa và phát triển sản phẩm thông qua việc định hướng phát triển các sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm OCOP trên cơ sở khai thác nguồn tài nguyên bản địa, nhất là đặc sản vùng, miền.

Xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi an toàn thực phẩm; khuyến khích các chủ thể tiếp tục đăng ký nâng hạng sao các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao...", Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc chia sẻ.


Phạm Hoài