dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Kim Bôi phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP

Những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo ra hàng hóa chất lượng cao mang đậm thương hiệu của địa phương, qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho người dân.

Kim Bôi phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP

OCOP - nông sản đặc sắc của huyện Kim Bôi

Kim Bôi là huyện miền núi, giáp với Hà Nội và các tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế. Đồng thời, huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi, thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc sản, đặc hữu của địa phương, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp.

Xác định thực hiện chương trình OCOP là tạo nguồn lực tại chỗ nhằm hỗ trợ thực hiện nhóm tiêu chí sản xuất - thu nhập - hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, do đó, chương trình OCOP đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn quan tâm triển khai thực hiện.

Nhiều năm qua, tận dụng lợi thế của địa phương, huyện đã định hướng, phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương như mật ong rừng Hợp Tiến (xã Hợp Tiến), nước khoáng thiên nhiên Kim Bôi, cam Mường Động (xã Tú Sơn), bưởi diễn Đú Sáng (xã Đú Sáng), bưởi da xanh Nam Thượng (xã Nam Thượng)… thành các sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Hòa Bình: Kim Bôi phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Huyện Kim Bôi có điều kiện tự nhiên thuận lợi, thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc sản, đặc hữu của địa phương, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Phạm Hoài.

Hiện nay, toàn huyện có 7 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 5 sản phẩm OCOP 3 sao và 2 sản phẩm OCOP 4 sao là mật ong rừng Hợp Tiến, nước khoáng thiên nhiên Kim Bôi.

Năm 2022, mật ong rừng Hợp Tiến của HTX Green Life, xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đến nay, mật ong rừng Hợp Tiến là 1 trong 2 sản phẩm OCOP 4 sao đầu tiên của huyện Kim Bôi và là sản phẩm mật ong đầu tiên của tỉnh Hòa Bình đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm không những nâng cao giá trị mật ong rừng Hợp Tiến mà còn khẳng định thương hiệu nông sản đặc trưng của địa phương. Minh chứng rõ nhất là hiện sản phẩm mật ong rừng Hợp Tiến đã có mặt khắp các tỉnh thành Việt Nam, đặc biệt, cuối tháng 4 vừa qua, sản phẩm được HTX đưa sang quảng bá tại thị trường Hàn Quốc.

Hòa Bình: Kim Bôi phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Sản phẩm mật ong rừng Hợp Tiến của HTX Green Life, xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi. Ảnh: Hoài Hằng.

Anh Đinh Công Thuần, Giám đốc HTX Green life, cho biết: Hiện nay, sản lượng mật ong của HTX đạt 60.000 lít/năm, tổng thu nhập trên 12 tỷ đồng/năm. Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và ISO 22000:2018, có gắn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và được đóng chai, lọ thể tích 1 lít, 500ml, 350ml. Mẫu mã, hình thức đẹp mắt. 

Cùng với đó, HTX trang bị, đầu tư hệ thống máy móc giúp cải tiến quy trình sản xuất, đảm bảo các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, hệ thống máy hạ thủy phần sau khi được áp dụng giúp lượng nước trong mật ong giảm còn 18%, đạt tỷ lệ theo tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

"Trong thời gian tới, HTX Green Life tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm mật ong rừng Hợp Tiến. Đồng thời tích cực học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất các sản phẩm từ mật ong như: sáp ong, rượu, xà bông… Đây là những sản phẩm đã và đang được thị trường quốc tế ưa chuộng, tuy nhiên nguồn cung còn hạn chế. Đó là cơ hội lớn để HTX Green Life khẳng định được thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế", anh Thuần cho hay.

Hòa Bình: Kim Bôi phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Sản phẩm thanh long của Tổ hợp tác cây thanh long Đông Bắc, xóm Đồng Nang, xã Đông Bắc là một trong 2 sản phẩm nằm trong kế hoạch hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm OCOP năm 2024 của huyện Kim Bôi. Ảnh: Phạm Hoài.

Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đẩy mạnh lưu thông thị trường

Tổ hợp tác cây thanh long Đông Bắc, xóm Đồng Nang, xã Đông Bắc, huyện Kim Bôi hiện nay có 15 thành viên, với tổng diện tích trồng cây thanh long là 4,5 ha trồng theo hướng VietGAP. Được biết, sản phẩm thanh long của Tổ hợp tác là một trong 2 sản phẩm nằm trong kế hoạch hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm OCOP năm 2024 của huyện Kim Bôi.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Bình, Tổ trưởng Tổ hợp tác cây thanh long Đông Bắc, cho biết: "Hiện nay, thanh long của tổ hợp tác đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Được phòng NN&PTNT huyện hướng dẫn, tư vấn, Tổ hợp tác chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để sớm được công nhận sản phẩm OCOP, qua đó, giúp nâng cao giá trị quả thanh long, đồng thời cũng giúp các thành viên trong Tổ hợp tác nâng cao được thu nhập".

Bà Nguyễn Thị Minh Anh, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi cho biết: Thời gian qua, để triển khai hiệu quả chương trình OCOP cũng như nâng cao chất lượng cho các sản phẩm OCOP tại địa phương, Phòng NN&PTNT đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện tốt chính sách phát triển nông nghiệp, quan tâm nâng cao chất lượng của các sản phẩm nông sản tại địa phương; khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất; hỗ trợ người dân thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP, ISO…); đẩy mạnh kết nối quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội, kênh thông tin, truyền thông.

Đặc biệt là quan tâm hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông; đẩy mạnh thực hiện các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đề án dồn điền đổi thửa trên địa bàn huyện.

Từ những chính sách hỗ trợ đó đã giúp người dân có động lực để mở rộng quy mô sản xuất, từ việc sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ đến nay người dân đã liên kết sản xuất và phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường, đồng thời các sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Anh, Mỹ, Hàn Quốc…, góp phần giúp người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế địa phương.

Hòa Bình: Kim Bôi phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Nhãn Sơn Thủy của HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, xóm Khoang, xã Xuân Thủy sẽ được đánh giá lại sản phẩm OCOP 3 sao trong năm 2024. Ảnh: Phạm Hoài.

Theo Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi, trong năm 2024, Phòng NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu ban hành Kế hoạch hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm OCOP năm 2024 cho 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; đánh giá lại 3 sản phẩm OCOP đã hết hạn là bưởi Mường Động, tinh dầu sả chanh và nhãn Sơn Thủy.

Cùng với đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng và phát triển thêm các sản phẩm OCOP mới, Phòng NN&PTNT huyện sẽ tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2023); vận động và khuyến khích các Hợp tác xã và người dân tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương; xây dựng và nâng tầm các sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng nhằm nâng cao giá trị nông sản, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển nhanh và bền vững.

Phạm Hoài