dd/mm/yyyy

Chuẩn bị diễn ra Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường ở Hòa Bình

Theo kế hoạch, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2023 sẽ được tổ chức tại sân vận động xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Lễ hội Khai hạ để tưởng nhớ những người đã có công khai đất, lập mường...

Năm nay, Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường lần đầu tiên được tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày từ ngày 27/1 đến ngày 29/1/2023 (tức ngày mùng 6, 7, 8 tháng Giêng năm Quý Mão), với rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao, trò chơi dân gian với nội dung phong phú, đa dạng mang đặc sắc của nền văn hóa đất cổ Mường Bi.

Chuẩn bị diễn ra Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường ở Hòa Bình  - Ảnh 1.

Lễ Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình. Ảnh tư liệu: Thu Thuỷ.

Theo đó, ngày 27/1, sẽ diễn ra các hoạt động: Thầy mo cúng Thần Thổ công; Ban Tổ chức tổng duyệt chương trình Lễ Khai mạc; các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trưng bày gian hàng chợ đêm tại Chợ Lồ, chuẩn bị trưng bày gian hàng tại sân vận động xã Phong Phú; thi đấu vò; thi Séc bùa 16 xã, thị trấn; thi hát đối; cắt băng khai chương trưng bày Hội Báo xuân tỉnh Hòa Bình 2023.

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường chính thức được diễn ra vào ngày 29/1, với các hoạt động chính như: Tổ chức nghi lễ thờ cúng mời Quốc Mẫu Hoàng Bà và các vị thần được thờ về tại miếu thờ xóm Lũy Ải; Nghi lễ rước kiệu từ Miếu thờ xóm Lũy Ải; Trao chứng nhận di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia Lễ hội Khai hạ của người Mường Hòa Bình; Biểu diễn màn hòa tấu Chiêng Mường của 500 diễn viên và nghệ nhân; Nghệ thuật chào mừng; Tổ chức nghi thức xuống đồng...

Phần hội sẽ diễn ra các hoạt động: Thăm quan các gian trại, gian hàng trưng bày giới thiệu ẩm thực và trưng bày các sản vật tiêu biểu của các địa phương; Chấm và trao giải các gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản, ẩm thực, đồ dùng đan lát thủ công truyền thống dân tộc, nhạc cụ dân tộc; Giao lưu hát đối nam - nữ và séc Bùa tại sân khấu chính; Khai mạc giải bóng chuyền Cúp Khai hạ Mường Bi; Tổ chức các trò chơi dân gian

Lễ hội Khai Hạ dân tộc Mường ở Hòa Bình hay còn gọi là lễ hội Khuống mùa, Thuống tồông là lễ hội truyền thống đã có từ rất lâu đời và là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình. Lễ hội gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ; là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình, đặc biệt là ở bốn vùng mường lớn của tỉnh Hòa Bình: Bi, Vang, Thàng, Động. 

Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, xóm bản. 

Lễ hội Khai hạ hay còn gọi là Lễ xuống đồng, Lễ mở cửa rừng vì ngày xưa chỉ sau khi tổ chức xong lễ hội, người dân mới bắt tay vào công việc đồng áng, hay lên rừng săn bắn, hái măng...

Tại Hòa Bình, tùy từng vùng Mường mà lễ hội được tổ chức vào các ngày và địa điểm thực hiện nghi trình, nghi thức có sự khác nhau. 

Lễ hội Khai hạ dịp để quảng bá về văn hóa dân tộc, con người, cảnh quan thiên nhiên Hòa Bình...

Ở huyện Tân Lạc, Lễ hội Khai hạ Mường Bi là lễ hội dân gian gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước, mang dấu ấn của nền văn minh Việt cổ, là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của người con Mường Bi hàng năm. 

Lễ hội là hoạt động mang tính cộng đồng, gắn với văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, gắn với truyền thuyết Quốc Mẫu Hoàng Bà, thân mẫu của Đức Thánh Tản, người đã chỉ dạy cho con dân Mường Bi cách làm ruộng, cách ăn, cách ở; Tản viên Sơn Thánh, con rể của Vua Hùng Vương thứ 18, người có công giúp Vua chống giặc ngoại xâm, mang lại sự bình yên cho nhân dân; Ải Lý, Ải Lo, hai vị thần đã dạy cho con dân Mường Bi cách đào mương dẫn nước,... 

Lễ hội Khai hạ Mường Bi là hoạt động văn hoá, tín ngưỡng có tính truyền thống được huyện Tân Lạc phục dựng và tổ chức thường xuyên từ năm 2002 đến nay.

Đối với Lễ hội Khai hạ huyện Lạc Sơn (Mường Vang) tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng (tức ngày 4 tháng Chiêng theo lịch Mường Vang) tại Miếu Áng Ka và tại Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú vào ngày mồng 7 tháng Giêng (tức ngày 7 tháng Chiêng theo lịch Mường Vang).

Ở huyện Cao Phong (Mường Thàng), Lễ hội Khai hạ được tổ chức vào ngày mùng 5, mùng 6 tháng Giêng theo lịch Mường Thàng, tại Miếu Cả. 

Tại huyện Kim Bôi (Mường Động), Lễ hội Khai hạ được tổ chức ngày mùng 3 tháng 5 Âm lịch (tức ngày mùng 4 tháng tư theo lịch Mường Động) tại Miếu Mường Chanh. Mỗi địa điểm nơi diễn ra lễ hội đều gắn liền với lịch sử của các vị thần là người có công lập đất, lập mường.

Lễ hội Khai hạ là dịp để quảng bá về văn hóa dân tộc, con người, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của Hoà Bình nhằm đưa du lịch của tỉnh trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. 


Tuệ Linh