dd/mm/yyyy

Hoà Bình: Bản bỏ hoang đẹp như miền cổ tích ở xứ Mường

Cả khu vực rộng hơn 60ha của xã Bao La, huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình, có mấy chục căn nhà gỗ đã bỏ hoang từ nhiều năm nay...

Cả chục nóc nhà hoang vắng bóng người ở Mai Châu, Hoà Bình

Từ quốc lộ 6, thuộc địa phận huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình, rẽ vào bản bỏ hoang này chỉ  khoảng 3km. Hai bên là những vách núi cao sừng sững. Con đường bê tông dẫn vào khu đất bằng phẳng hiện lên giữa khoảng không bao la. Tiếng mõ trâu kêu lốc cốc đều đặn bên sườn non. Cả một vùng sơn cước đẹp vô ngần hiện lên giữa bốn bề mây núi. Trong khung cảnh ấy, cái bản "ma" mà mọi người nhắc tới lại đẹp đến vô ngần.

Bản hoang vắng bóng người nhưng thiên nhiên lại rất đẹp ở Hoà Bình

Bản "ma" có nhiều ngôi nhà gỗ bị bỏ hoang, không có người ở. Năm 1990, nhiều hộ người Thái ở xã Bao La, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã lên khai hoang vùng đất này. Nhưng 10 năm trở lại đây, họ chỉ làm nương mà không ở lại bản nữa. Do vậy, những ngôi nhà này không có người ở và không được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên. Nay nó đã xuống cấp nghiêm trọng.

Bản Ma đẹp như miền cổ tích ở xứ Mường  - Ảnh 2.

Mấy chục căn nhà gỗ bị bỏ hoang, không có người ở, nên người dân mới gọi là "bản Ma". Cách đây hơn 30 năm, bà con người Thái đã dựng làng lập bản ở đây. Nhưng nay họ đã không còn sinh sống ở nơi này nữa.

Men theo lối mòn tràn ngập cỏ xanh và hoa dại, chúng tôi tiến vào bản với những nếp nhà gỗ xinh xắn nằm dưới chân đồi. Khác với không khí nhộn nhịp thường thấy ở bản vùng cao, nơi đây không một bóng người, không màu khói bếp quen thuộc khi chiều buông. Chỉ có tiếng gió thét gào luồn lách qua những dãy ra gỗ thâm nâu, rêu mốc...

Từng ngôi nhà gỗ hiện lên trong sự ủ dột của cơn mưa cuối chiều. Có nhà đổ xiêu vẹo, chứng tỏ lâu rồi không có chủ nhân đến ở. Những ngôi nhà nối nhau dọc dải đất dài nhưng không gặp lấy một nhà nào có gia chủ ở nhà. Nhiều ngôi nhà còn viết chữ bằng sơn màu đỏ rõ to, 2 chữ: "bán nhà". Đi dọc khu đất, chúng tôi bắt gặp cả mấy chục ngôi nhà bỏ hoang như thế.

Bản Ma đẹp như miền cổ tích ở xứ Mường  - Ảnh 3.

Nơi này khi màn đêm buông xuống không một bóng người ở lại. Mấy chục ngôi nhà gỗ, không có tiếng người, không có màu khói bếp khi chiều buông. Nó tạo ra cảm giác buồn tẻ và hiu quạnh khi đến đây. Thiên nhiên thì tràn đầy sức sống, còn bản làng thì hiu quạnh. Do không có người sinh sống, nên nơi này mới gọi là "bản ma".

Người dân Hoà Bình từng lập nên bản hoang vắng này

Qua tìm hiểu của chúng tôi, năm 1990, nơi đây rừng rậm còn bao phủ. Khi ấy, người dân bản Bùng, xã Bao La, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã lên đây khai phá, dựng làng lập bản. Thời gian đầu, họ xẻ gỗ, dựng nhà, lập xóm làng. Họ sinh sống và làm nương ở đây coi như cơ sở sản xuất. Hết mùa họ lại trở lại bản cũ - cách nơi làm nương khoảng gần một giờ đi bộ. Những năm gần đây, họ có xe máy và có đường ô tô lên tận nương chở ngô, nên họ chuyển về ở hẳn bản cũ.

Từ đấy, hàng chục ngôi nhà gỗ thâm nâu bị bỏ hoang như chốn không người. Họ cũng không tu sửa, nên nhiều ngôi nhà đã bị tốc mái hoặc bị sập. Những ngôi nhà còn lại cũng đang trong tình trạng xuống cấp. Không chỉ có người dân Bao La làm nương ở cao nguyên này, người Mông ở Pà Cò cũng xuống khai hoang và thả trâu bò.

Bản Ma đẹp như miền cổ tích ở xứ Mường  - Ảnh 4.

Khu vực bản "ma" rộng rãi và thoáng đãng như cao nguyên ở Mông Cổ. Ai đến đây cũng đều xao xuyến khi chứng kiến vùng bình nguyên đẹp như miền cổ tích. Thảm cỏ xanh mướt, tràn ngập hoa dại tạo ra cảm giác thật sảng khoái. Chỉ tiếc rằng, cả vùng non nước hữu tình này luôn vắng bóng gia chủ.

Theo ông Phàng Văn Sồng, Chủ tịch Hội nông dân xã Pà Cò, ở Pà Cò ít đất nên bà con phải đi tìm đất canh tác ở nơi xa. Nhiều bản, bà con người Mông phải đi nửa ngày trời để đến được nơi canh tác.

Bản "ma" là vũng đất tươi tốt và bằng phẳng. Hiện bà con người Thái vẫn trồng ngô và thả trâu, bò ở nơi này. Thời gian gần đây, một doanh nghiệp ở Hà Nội đã đang xúc tiến mua cả thảo nguyên trên núi cao này. Một số cọc mốc sơn đỏ đã được cắm làm mốc. 


Xuân Tuấn