Theo đó, công điện của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nêu rõ, thực hiện Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03/09/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024. Dự báo, bão số 3 sẽ tiếp tục mạnh thêm, sức gió mạnh nhất trên biển có thể đạt cấp 13, giật cấp 16 trong những ngày tới, di chuyển nhanh về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc) và khu vực Vịnh Bắc Bộ, khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đất liền khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta.
Đây là cơn bão được dự báo có cường độ rất mạnh; để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ do ảnh hưởng của bão.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai vàTìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó trước mọi diễn biến của thời tiết, thiên tai; không được lơ là, chủ quan đồng thời quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03/09/2024 về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024; các chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các Văn bản, Kế hoạch, Phương án đã ban hành, với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với thiên tai, đặc biệt là nguy cơ ảnh hưởng của bão số 3.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động tăng cường đôn đốc kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, diễn biến thời tiết, thiên tai; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ", trong đó đặc biệt lưu ý công tác truyền thông; tăng thời lượng tuyên truyền trên các 2 phương tiện thông tin đại chúng (loa, đài truyền thanh của cấp huyện, xã, thôn...), bảo đảm mọi người dân (nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số) nắm được thông tin về thời tiết, thiên tai;
Có kế hoạch và các biện pháp phù hợp để phòng ngừa, ứng phó với mưa, lũ tại các địa phương, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử lý các tình huống.
Tổ chức lực lượng tuần tra, rà soát để phát hiện những vết nứt mới hoặc các cung trượt để có ngay biện pháp cảnh báo, xử lý kịp thời, đặc biệt là các vị trí sung yếu và đã được xác định có nguy cơ cao; cử người cảnh giới và cắm biển cảnh báo những vị trí ngầm tràn có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét,... để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn.
Thông báo cho người dân không nghỉ qua đêm tại lều, lán, nương, rẫy; không đi làm nương, chăn thả gia súc xa nơi cư trú để kịp di chuyển về nhà khi có mưa, lũ; không vớt củi, đánh bắt cá tại các sông, suối khi nước lũ lên cao; nắm bắt đầy đủ thông tin của người dân và có biện pháp quản lý chặt chẽ không cho người dân qua lại những khu vực ngầm tràn khi có lũ, vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét;
Kiểm tra, rà soát các cây cao tai các tuyến đường, tuyến phố, trường học… để có phương án cắt tỉa cành cây có nguy cơ ảnh hưởng đến đường lưới điện, nhà ở, công trình công cộng, người dân nhằm hạn chế thiệt hại do cây gãy, đổ. Khơi thông các cống, rãnh và cửa thu nước nhằm đảm bảo tiêu thoát nước. Sẵn sàng ực lượng, trang thiết bị tại chỗ để ứng phó với các sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn;
Tổ chức rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ mất an toàn, nhất là các khu có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện kiên quyết di dời, sơ tán người, tài sản ra khỏi nơi khu vực nguy hiểm; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai;
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống thiên tai tại công trường. Phối hợp với các Sở Công thương, Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các chủ đập, hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi thực hiện kiểm tra hồ đập, xử lý các khu vực trọng điểm xung yếu về hồ đập, vận hành hồ chứa, xả lũ đúng quy trình; thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương và người dân trước khi xả lũ để đảm bảo an toàn cho các công trình, khu dân cư vùng hạ du; chuẩn bị các phương án ứng phó phù hợp, kịp thời.
Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h; thực hiện đúng chế độ báo cáo về diễn biến thiên tai và tình hình thiệt hại (trước 7 giờ và 14 giờ hàng ngày); đồng thời báo cáo nhanh bằng điện thoại về Sở Nông nghiệp và PTNT qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp, báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời chỉ đạo.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực công tác phòng, chống thiên tai) cần chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát phương án đảm bảo an toàn hồ đập, phương án phòng tránh lũ quét, sạt lở đất,... để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống mưa, lũ; bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Đôn đốc cấp huyện sẵn sàng tổ chức sơ tán, di chuyển người dân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn. Tổng hợp, báo cáo kịp thời UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện tốt phương án phóng ngừa, ứng phó với thiên tai tại các điểm trường trong năm học mới bảo đảm an toàn trước mọi tình huống thiên tai; phối hợp với UBND cấp huyện, các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra các trường học, lớp học đảm bảo an toàn trước thiên tai; có kế hoạch khắc phục các sự cố, thiên tai...