dd/mm/yyyy

Lai Châu: Thêm động lực để người dân bảo vệ và phát triển rừng

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã mang đến “luồng sinh khí mới” cho những cánh rừng nơi địa đầu Tổ quốc Lai Châu thêm xanh tốt.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng - Thêm động lực giúp người dân Lai Châu giữ rừng

Chính sách chi trả DVMTR được tỉnh Lai Châu triển khai từ năm 2012. Qua hơn 10 năm thực hiện, chính sách chi trả DVMTR đã mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Tìm hiểu được biết, trước khi chính sách chi trả DVMTR được triển khai, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Lai Châu còn gặp nhiều khó khăn. Phần do ý thức giữ rừng của người dân chưa cao, phần vì đói nghèo, tập quán canh tác lạc hậu nên không ít cánh rừng trong tỉnh bị "rỉ máu". Tình trạng phá rừng làm nương rẫy hay cháy rừng xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Để chính sách chi trả DVMTR sớm đi vào cuộc sống, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cấp, các ngành cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa của chính sách đầy nhân văn này. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu đã nhanh chóng triển khai công tác chi trả DVMTR trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với việc hướng dẫn, đôn đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện và Hạt Kiểm lâm thành phố Lai Châu xây dựng bản đồ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Lai Châu còn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thanh toán tại các xã, phường, thị trấn, đảm bảo việc chi trả tiền DVMTR đúng, đủ và kịp thời theo quy định.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu: Thêm động lực để người dân giữ gìn và phát triển rừng - Ảnh 1.

Chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng là động lực lớn để người dân Lai Châu tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng. (Ảnh: Phạm Hoài)

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Nguyễn Bá Việt - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu khẳng định: Chính sách chi trả DVMTR đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở tỉnh Lai Châu. Việc thực hiện chính sách đầy nhân văn này đã tạo thêm động lực để người dân tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Có sự tham gia tích cực của người dân, những cánh rừng ở tỉnh Lai Châu phát triển ngày càng xanh tốt. Tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh cũng nhờ đó mà tăng qua các năm.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng - "Chìa khoá" để đồng bào các dân tộc Lai Châu chung tay bảo vệ rừng

Bản Chu Va 12 nằm dọc theo Quốc lộ 4D, đoạn chạy qua xã Sơn Bình (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Đi trên đoạn đường này, chúng tôi được "mục sở thị" những cánh rừng xanh tốt của bản Chu Va 12. Đây cũng là bản có diện tích rừng lớn nhất xã Sơn Bình. Từ khi được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR, người dân bản Chu Va 12 đã "mặn mà" hơn trong việc giữ rừng. Người dân nơi đây xem rừng là báu vật, từ đó chung sức bảo vệ rừng. Tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản cũng đã được thành lập, với sự tham gia của các hộ dân trong bản. Mỗi gia đình cử một người tham gia vào tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản. Vào mùa hanh khô hay những ngày nắng nóng, tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản Chu Va 12 lại cử các thành viên luân phiên đi tuần tra, canh gác trên những cánh rừng của bản.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu: Thêm động lực để người dân giữ gìn và phát triển rừng - Ảnh 2.

Cánh rừng bản Chu Va 12, xã Sơn Bình (Tam Đường, Lai Châu) ngày càng được phủ xanh. (Ảnh: Phạm Hoài)

Trò chuyện với phóng viên, anh Hàng A Trung, người dân bản Chu Va 12, phấn khởi nói: Hơn 10 năm nay, năm nào gia đình tôi và các hộ dân trong bản cũng được trả tiền bảo vệ rừng. Số tiền bảo vệ rừng mà gia đình tôi được nhận năm sau cao hơn năm trước. Năm 2021, gia đình tôi được nhận hơn 20 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Gia đình tôi và các hộ dân trong bản đều nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ diện tích rừng của bản. Tham gia tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản, tôi cùng các thành viên trong tổ thường xuyên đi tuần tra, canh gác trong rừng, nhất là vào mùa khô hanh. Những cánh rừng của bản được người dân chung tay bảo vệ nên ngày càng phát triển xanh tốt.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu: Thêm động lực để người dân giữ gìn và phát triển rừng - Ảnh 3.

Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, anh Hàng A Trung và người dân bản Chu Va 12, xã Sơn Bình (Tam Đường, Lai Châu) quyết tâm bảo vệ và nhân lên màu xanh của rừng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Không chỉ ở bản Chu Va 12, mà ở hầu hết các bản, khu phố của tỉnh Lai Châu đều thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng, với sự tham gia tích cực của người dân. Đây chính là minh chứng cho thấy công tác bảo vệ rừng đã có sự nhập cuộc tích cực của người dân. Không chỉ thành lập tổ chuyên trách bảo vệ rừng, các bản, khu phố thuộc các xã, phường, thị trấn của tỉnh Lai Châu còn đưa công tác bảo vệ rừng vào hương ước, quy ước. Trên cơ sở đó, người dân cùng chung tay giữ rừng.

Có thể khẳng định, chính sách chi trả DVMTR đã mang lại hiệu quả rõ nét trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở tỉnh Lai Châu. Màu xanh trên những cánh rừng ở tỉnh miền núi Lai Châu ngày càng được nhân lên. Đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu cùng chung tay, góp sức giữ rừng, bảo vệ lá phổi xanh nơi địa đầu Tây Bắc.

Thanh Ngân - Phạm Hoài