dd/mm/yyyy

Chi phí vận chuyển toàn cầu tăng cao, xuất khẩu ảm đạm, giá cà phê tiếp tục giảm

Giá cà phê trong nước hôm nay giảm từ 100 - 500 đồng tuỳ từng vùng nguyên liệu chốt mức 127.200 – 128.000 đồng/kg. Giá trên hai sàn thế giới có diễn biến trái chiều, với Robusta tiếp nối đà giảm.

Trên thị trường thế giới, giá Robusta kỳ hạn tháng 9/2024 trên sàn London giảm 0,2% chốt ở 4.572 USD/tấn, sau khi đạt mức cao kỷ lục 4.681 USD/tấn vào tuần trước. Giá Arabica giao cùng kỳ hạn trên sàn New York tăng 0,6% ở mức 243,6 US cent/lb.

Giá cà phê trong nước hôm nay giảm từ 100 - 500 đồng tuỳ từng vùng nguyên liệu chốt mức 127.200 – 128.000 đồng/kg.

Chi phí vận chuyển toàn cầu tăng cao, xuất khẩu ảm đạm, giá cà phê tiếp tục giảm- Ảnh 1.

Thị trường hôm thứ ba đã giao dịch trong một phiên đảo chiều, nhất là đối với Robusta, trong khi thị trường Arabica thì củng cố lại sau mức giảm mạnh hôm thứ hai. Robusta đã từ bỏ mức tăng sớm vào đầu phiên sau khi có thông tin tồn kho loại cà phê này từ nguồn do ICE giám sát tăng lên mức cao nhất trong 1 năm, nằm ở mức 6.098 lô, báo hiệu nguồn cung đang cải thiện.

Dự trữ cà phê Arabica đã qua phân loại được chứng nhận nắm giữ trên thị trường cà phê New York đã giảm nhẹ 2.199 bao vào ngày hôm qua, ghi nhận lượng tồn kho này ở mức 803.167 bao.

Sau cú tăng của thị trường đối với hai loại cà phê tuần trước, khi giá cà phê Arabica đã tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng và cà phê Robusta cũng tăng vọt lên mức cao kỷ lục thì hôm thứ hai giá Arabica đã giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần sau những cơn mưa gần đây ở Brazil làm giảm bớt lo ngại về tình trạng khô hạn.

Rabobank lưu ý, chi phí vận chuyển toàn cầu tăng cao, xuất khẩu ảm đạm từ nhà sản xuất Robusta hàng đầu – Việt Nam trong tháng 6 cùng với những lo ngại về nguồn cung thắt chặt, khi vụ mùa tới của Việt Nam có khả năng sụt giảm, đã tác động lên giá cà phê toàn cầu. Bên cạnh đó, thời tiết khô hạn tại nước xuất khẩu Robusta đứng thứ ba thế giới – Brazil cũng góp phần đẩy giá tăng.

Kết thúc 9 tháng đầu niên vụ 2023/24 (từ tháng 10/2023 đến tháng 6/2024), Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,26 triệu tấn cà phê, đạt khoảng 86% trong tổng số sản lượng 1,47 triệu tấn của niên vụ hiện tại và giảm hơn 11% so với cùng kỳ niên vụ trước. Nếu không tính hàng tồn kho từ năm ngoái chuyển sang thì Việt Nam chỉ còn lại khoảng 210.000 tấn cà phê để xuất khẩu trong 4 tháng tới cho đến khi vụ thu hoạch mới diễn ra.

Xuất khẩu cà phê của Uganda trong tháng 6/2024 đã tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước, nhờ vụ mùa bội thu ở phía Nam và Tây Nam nước này. Đây là những khu vực trồng cà phê chính, đang triển khai thu hoạch. Theo đó, Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UCDA) cho biết, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 6/2024 đã đạt 667.037 bao (loại 60kg), tăng so với mức 563.832 bao xuất trong cùng kỳ năm trước.

Cà phê và vàng là hai mặt hàng xuất khẩu lớn nhất và đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn của Uganda. Quốc gia này đã kiếm được 1,1 tỷ USD trong niên vụ cà phê tính đến tháng 6 vừa qua, tăng so với mức 846 triệu USD của niên vụ trước.

P.V