dd/mm/yyyy

Chỉ có 45 HTX nông nghiệp được ưu đãi tín dụng, quá nhỏ so với tổng số 18.800 HTX đang hoạt động

Khai thông tín dụng phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và HTX là chủ đề của Diễn đàn 970 do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 28/7.

Diễn đàn nhằm kết nối các cơ sở sản xuất, chế biến, HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ với các tổ chức tín dụng. Đồng thời giúp các đơn vị nắm bắt, hiểu rõ hơn về những quy định của Nhà nước để dễ dàng tiếp cận nguồn tài chính trong điều kiện khó khăn bởi dịch Covid-19 hiện nay.

Khó tiếp cận tín dụng ưu đãi để phát triển

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, những năm qua, vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX đã từng bước được khẳng định với những đóng góp hết sức to lớn trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế, cũng như sự kỳ vọng vào sứ mệnh của khu vực kinh tế này.

Diễn đàn khai thông tín dụng phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sả cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và HTX. Ảnh: T.L

Diễn đàn khai thông tín dụng phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và HTX. Ảnh: T.L

Trong đó, một nguyên nhân được nhấn mạnh là thiếu nguồn lực và khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX.

Ông Đặng Dương Minh Hoàng – Giám đốc HTX DV Nông nghiệp số ở Bình Phước cho biết, các HTX chủ yếu sở hữu đất nông nghiệp, chứ ko phải đất thổ cư.

Các ngân hàng thường định giá theo khung giá mà UBND cấp. Tuy nhiên, bất cập là giá đất nông nghiệp chỉ từ 30.000-50.000 đồng/m2.

"Với tài sản như thế làm sao HTX nông nghiệp có đủ tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng", ông Hoàng đặt vấn đề.

Ông Đặng Dương Minh Hoàng – Giám đốc HTX DV Nông nghiệp số ở Bình Phước. Ảnh: Trần Khánh

Ông Đặng Dương Minh Hoàng – Giám đốc HTX DV Nông nghiệp số ở Bình Phước. Ảnh: Trần Khánh

Theo ông Nguyễn Tiến Định, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, thực trạng tín dụng cho chuỗi HTX hiện nay còn nhiều vướng mắc và hạn chế.

Đến tháng 6/2020, cả nước có 18.795 HTX nông nghiệp, chiếm 70% tổng số các loại hình HTX cả nước. HTX nông nghiệp thu hút 3,2 triệu thành viên, vốn bình quân cho mỗi HTX khoảng 1,5 tỷ đồng.

Tình hình góp vốn của thành viên vào HTX chỉ ở mức bình quân 600 triệu đồng/HTX. Nhiều thành viên góp ít vốn, hoặc thậm chí là không góp vốn dù trong luật HTX có quy định.

Khoảng 1.200 HTX có hoạt động tín dụng nội bộ, và huy động từ quỹ nhân dân, chủ yếu để giải quyết các hoạt động phi nông nghiệp.

Tổng dư nợ đến năm 2021 của HTX nông nghiệp đạt 6.000 tỷ đồng và chỉ khoảng 7.000 HTX được hỗ trợ quỹ tín dụng.

"Chỉ có 3,7% HTX được tiếp cận tín dụng hàng năm. Đây là con số rất khiêm tốn. Mỗi năm chỉ khoảng 45 HTX nông nghiệp được ưu đãi tín dụng từ quỹ phát triển", ông Nguyễn Tiến Định nói.

Một HTX nông nghiệp công nghệ cao chuyên trồng rau thủy canh ở TP.HCM.  Ảnh: Trần Khánh

Một HTX nông nghiệp công nghệ cao chuyên trồng rau thủy canh ở TP.HCM. Ảnh: Trần Khánh

Ông Định chỉ ra một số hạn chế trong chính sách tín dụng cho HTX như thiếu quy định về số vốn bắt buộc phải đóng góp đối với các thành viên của HTX.

Có nhiều thành viên có tiềm lực kinh tế lại bị hạn chế góp vốn không quá 20% theo Luật HTX năm 2012.

Tiếp cận chính sách tín dụng thương mại còn khó khăn do HTX không có tài sản thế chấp, hồ sơ dự án không khả thi, sổ sách tài chính chưa rõ ràng, hiệu quả hoạt động hạn chế.

Theo ông Định, việc khó tiếp cận ngân hàng thương mại có thể dẫn đến nhiều hệ quả như các HTX không được khuyến khích đầu tư chế biến mà chỉ có thể tập trung thu gom.

Năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTX thấp dẫn đến việc hạn chế xây dựng chuỗi liên kết. Và đặc biệt là hình thành bẫy tín dụng hay tín dụng đen trong phát triển ở khu vực nông thôn.

Đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đề xuất một số kiến nghị như cần hỗ trợ từ Nhà nước về vốn, tài sản cho HTX tham gia chuỗi để hình thành tài sản. Và thông qua tài sản này, HTX có thể đầu tư sản xuất, thế chấp khi vay vốn. 


Trần Khánh