dd/mm/yyyy

Bộ NNPTNT, Bộ LĐTB-XH "bắt tay" đào tạo nghề giám đốc HTX cho 1.500 học viên

Hiện cả nước có khoảng 18.500 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, tuy nhiên theo các chuyên gia, dù tỷ lệ các HTX được đánh giá là hoạt động có hiệu quả đã tăng lên hơn 60%, nhưng năng lực nội tại của nhiều HTX nông nghiệp còn yếu, đặc biệt là các kỹ năng quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý...

52% cán bộ HTX chưa qua đào tạo

Chia sẻ tại hội nghị triển khai chương trình đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (KTHT&PTNT), Bộ NNPTNT, tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục KTHT&PTNT cho biết, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể (KTTT) và tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012, khu vực KTTT mà nòng cốt là HTX đã có chuyển biến tích cực.

Hiện cả nước đã có khoảng 18.500 HTX nông nghiệp, tuy nhiên theo ông Thịnh, dù tỉ lệ các HTX được đánh giá là hoạt động có hiệu quả đã tăng lên hơn 60%, nhưng năng lực nội tại của nhiều HTX nông nghiệp còn yếu, đặc biệt là các kỹ năng quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý.

"Các HTX nông nghiệp được thành lập dựa trên điều kiện và hoàn cảnh khác nhau song đều có một điểm chung là đội ngũ cán bộ quản lý HTX nông nghiệp, nhất là các giám đốc HTX ít nhiều còn hạn chế về kỹ năng quản trị, tổ chức hoạt động, kiến thức thị trường và chưa được đào tạo bài bản. Tính đến nay, chỉ có khoảng 16% số cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. 33% có trình độ sơ cấp và trung cấp. Còn tới 51% chưa qua đào tạo" - ông Lê Đức Thịnh khẳng định.

Đào tạo nghề giám đốc HTX cho 1.500 học viên - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thế Hải (trái) - Giám đốc HTX Minh Đức kiểm tra sức khỏe cá nước lạnh tại trang trại của đơn vị ở Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: T.Q

"Bộ NNPTNT sẽ tiến hành đào tạo cho khoảng 500 HTX với khoảng 1.500 học viên, tập trung vào các HTX trong vùng nguyên liệu thuộc đề án phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn mà Bộ đang chỉ đạo, 250 HTX nông nghiệp điển hình và các HTX thực hiện đề án phát triển ngành muối Việt Nam".

Ông Lê Đức Thịnh -

Cục trưởng Cục KTHT&PTNT

Do vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nâng cao năng lực cho các HTX nông nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng mà ngành nông nghiệp tập cần trung thực hiện thời gian tới nhất là đào tạo nghề cho "Giám đốc HTX nông nghiệp" với mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 80% số giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề" theo Quyết định số 340 ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Cục trưởng Cục KTHT&PTNT Lê Đức Thịnh chia sẻ thêm: Chương trình đào tạo nghề "Giám đốc HTX nông nghiệp" trên toàn quốc do Bộ LĐTBXH "bắt tay" với Bộ NNPTNT tổ chức.

Bộ giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề" Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp" được thiết kế gồm 3 mô đun: Mô đun 1 là những nội dung cơ bản về HTX, mô đun 2: về quản trị HTX nông nghiệp, mô đun 3 là phát triển 1 số kỹ năng quản lý HTX nông nghiệp. 

Thời gian đào tạo 3 tháng trong đó có 63 giờ lý thuyết và 240 giờ thực hành. Đơn vị tổ chức đào tạo gồm: 2 Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1, 2; Học viện Nông nghiệp; Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên; Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm Đà Nẵng.

Nhiệm vụ cấp thiết

Đào tạo nghề giám đốc HTX cho 1.500 học viên - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hòa Mỹ, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) chăm sóc đàn lợn tại đơn vị. Ảnh: Trần Quang

 Theo PGS-TS Võ Trọng Khải - chuyên gia về HTX, qua thực tế phát triển của HTX cho thấy cán bộ, giám đốc HTX nào đã qua đào tạo, có trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm sẽ giúp HTX của mình phát triển tốt và ngược lại. Chuyên gia về HTX Võ Trọng Khải nhấn mạnh, việc đào tạo nghề, xây dựng đội ngũ cán bộ HTX chuyên nghiệp là nhiệm vụ rất cần thiết và cấp bách.

Hiến kế cho các chương trình đào tạo giám đốc HTX, PGS-TS Võ Trọng Khải cho rằng: Bản chất của HTX khác với doanh nghiệp, cho nên khi đào tạo đội ngũ HTX chúng ta phải tập trung vào việc quản lý kinh tế HTX. 

Việc quản lý phải như một doanh nghiệp nhưng không giống với các doanh nghiệp khác vì lợi nhuận tự thân mà HTX phải vì lợi ích của các xã viên, thỏa mãn nhu cầu kinh tế của các thành viên HTX cả đầu vào và đầu ra. 

"Việc đào tạo giám đốc HTX rất khác và khó khăn hơn nhiều so với đào tạo giám đốc các doanh nghiệp nên các nhà quản lý, trường đào tạo phải có chuẩn bị kỹ và chuyên nghiệp về phương pháp, giáo trình giảng dạy lý thuyết, thực hành phù hợp, sát với nhu cầu của thực tiễn"- chuyên gia Võ Trọng Khải góp ý.

Đến từ một trong các trường được chọn thí điểm chương trình đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp, TS Hà Quang Trung - Trưởng Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, cho hay: Chúng tôi đã xây dựng bộ giáo trình theo tinh thần là cầm tay chỉ việc, lý thuyết ít thôi nhưng thực hành phải nhiều. Và tôi nghĩ rằng bộ tài liệu này sau khi được đưa vào thực tiễn sẽ góp phần cho công tác đào tạo các giám đốc HTX được tốt hơn và thực tiễn hơn. 


Trần Quang